Các kết quả trên được giải thích như sau:
- Biến 1: Biến thông tin, bao gồm: Các thông tin cơ bản của DN, việc
công bố thông tin của công ty, báo cáo hàng năm của công ty, những thông tin mới về doanh nghiệp như các thương vụ giao dịch lớn mua bán sáp nhập, ….
+ Các thông tin cơ bản của doanh nghiệp:
Bao gồm các thông tin: Nhóm ngành, vốn điều lệ, Khối lượng cổ phiếu đang niêm yết, khối lượng cổ phiếu đang lưu hành, tổ chức tư vấn niêm yết, tổ chức kiểm toán, lịch sử hình thành, trụ sở hoạt động, Ban lãnh đạo và sở hữu, các công ty con và liên kết và các thông tin tài chính cơ bản của công ty,…
Nhìn vào thông tin cơ bản của doanh nghiệp, nhà môi giới có thể đưa ra đánh giá sơ lược về các hoạt động, vị thế của công ty trong ngành để từ đó, có thể tiếp tục thực hiện công việc phân tích đánh giá để đưa ra quyết định nên đầu tư hay không vào công ty đó.
+ Việc công bố thông tin của công ty:
Các công ty đại chúng phải tuân thủ các qui định về việc công bố thông tin (theo điều 101/Luật chứng khoán).
+ Báo cáo hàng năm của công ty:
Mục đích của báo cáo thường niên là nhằm giới thiệu cho các nhà đầu tư một cách đầy đủ các hoạt động trọng yếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và nhằm mục đích chính là dự đoán giá cổ phiếu và các yếu tố liên quan như lãi trên mỗi cổ phiếu (EPS) của doanh nghiệp trong tương lai.
Khi mua 1 cổ phiếu, nhà đầu tư kỳ vọng vào cả cổ tức và sự tăng trưởng trong giá trị cổ phiếu mà họ nắm giữ. Do vậy, nhà môi giới cần sử dụng các báo cáo thường niên để: (1) Dự đoán các khoản lãi kỳ vọng của họ và (2) Đánh giá các rủi ro gắn liền với các khoản tiền lãi này.
Một báo cáo tốt thì ngoài các thông tin cơ bản, cần thể hiện thêm các nội dung sau: Giới thiệu chiến lược của công ty, Rủi ro và quản trị rủi ro, Các số liệu tài chính quan trọng nên trình bày ít nhất là 5 năm liên tục, và nó phải có ý nghĩa so sánh, EPS điều chỉnh, EPS pha loãng (Diluted EPS), Trình bày Lương và thu nhập của Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc.
+ Những thông tin mới về doanh nghiệp như các thương vụ giao dịch lớn mua bán, sáp nhập:
M&A là một trong những giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả. Sáp nhập là hoạt động xảy ra khi các doanh nghiệp, thường là các doanh nghiệp trong cùng một ngành, đồng ý hợp lại thành một doanh nghiệp mới có quy mô lớn hơn và có sức cạnh tranh cao hơn. Kết quả của việc sáp nhập là cho ra đời một công ty mới, khác biệt với công ty trước khi hợp nhất. Công ty mới này có thể sử dụng một tên hoàn toàn khác so với các công ty sáp nhập hoặc tên của công ty mới là sự kết hợp tên của các công ty sáp nhập. Cho dù có thay đổi hoặc không thay đổi tên doanh nghiệp sau khi sáp nhập, nhưng thương hiệu của doanh nghiệp cũ vẫn được duy trì và phát triển về sau. Giá trị của một doanh nghiệp được nhà đầu tư đánh giá thông qua các kỳ vọng về doanh nghiệp đó trong tương lai. Phương pháp đơn giản nhất để thực hiện định giá một doanh nghiệp là việc đưa tất cả các dòng tiền kỳ vọng trong tương lai chiết khấu về hiện tại với mức lãi suất chiết khấu hợp lý. Tuỳ theo mức đòi hỏi tỷ suất sinh lợi khác nhau của từng nhà đầu tư mà họ sẽ quyết định đầu tư hay không.
Biến 2: Biến những yếu tố liên quan đến giao dịch, bao gồm: Giao dịch nội bộ, giao dịch của NĐT khối ngoại, giá các mặt hàng chiến lược, tính ổn định chính trị, tình hình thị trường thế giới.
+ Giao dịch nội bộ: Theo CV số 582/UBCK-TT ban hành ngày 01/03/2010, TT 09/2010/TT-BTC có qui định: Cổ đông nội bộ là thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc/Giám đốc, Phó tổng giám đốc/Phó giám đốc và kế toán trưởng, cổ đông lớn của công ty, Người được ủy quyền công bố thông tin của tổ chức niêm yết và người có liên quan của các đối tượng này khi dự kiến giao dịch cổ phiếu niêm yết hoặc chưa niêm yết, phải báo cáo với UBCKNN, SGDCK trước ngày thực hiện giao dịch tối thiểu là 3 ngày làm việc. Thời hạn dự kiến giao dịch không quá 2 tháng, kể từ ngày đăng ký thực hiện giao dịch và chỉ được bắt đầu tiến hành phiên giao dịch đầu tiên sau 24 giờ kể từ khi có công bố thông tin từ SGDCK.
Khi công ty gặp khó khăn hay có một số các hoạt động tích cực đang sắp diễn ra có khả năng ảnh hưởng tới giá cổ phiếu, thì cổ đông nội bộ là những người nắm được những thông tin này đầu tiên. Do đó, họ có thể tiến hành việc mua, bán trước khi thông tin này được công bố. Do đó, nhà môi giới có thể theo dõi các thông tin này để dự đoán tình hình biến động giá cổ phiếu trong thời gian sắp tới để tư vấn cho khách hàng. Tuy nhiên, điều này đối với TTCK Việt Nam cũng không hoàn toàn chính xác vì đôi khi, thông tin giao dịch nội bộ đưa ra là như thế, nhưng thực chất là họ không có ý định mua/bán, nên sau đó, họ báo cáo kết quả là vì giá không đạt như kỳ vọng, … nên họ không thực hiện được giao dịch.
+ Giao dịch của NĐT khối ngoại: Việc giao dịch mua, bán của NĐT nước ngoài được công bố hàng ngày trên các trang web của Sở giao dịch chứng khoán. NĐT khối ngoại có cái nhìn về thị trường khác biệt so với NĐT trong nước, đôi khi là trái ngược hoàn toàn và thường họ không đi theo tâm lý bầy đàn như những NĐT trong nước. Nhà môi giới chứng
khoán có thể theo dõi tình hình mua bán của NĐT nước ngoài, đặc biệt là những phiên giao dịch giảm mạnh, nhưng NĐT nước ngòai lại mua ròng. Từ đó, nhà môi giới CK có thể phân tích, đánh giá lại tình hình và đưa ra khuyến nghị đầu tư của mình.
+ Giá các mặt hàng chiến lược như giá xăng, dầu, giá điện,…: Giá các mặt hàng chiến lược phản ánh chỉ số hàng tiêu dùng, mức lạm phát, tăng trưởng của nền kinh tế và từ đó ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Minh chứng rõ nhất trong thời gian qua, là các đợt điều chỉnh giá xăng sau khi được công bố, đã làm cho thị trường giảm mạnh, thanh khoản thấp đáng kể.
+ Tính ổn định chính trị: Chính trị đi liền với kinh tế. Khi chính trị ổn định, thì kinh tế mới có thể phát triển tốt. Khi chính trị có những bất ổn, thì ngay lập tức phản ánh vào thị trường chứng khoán, nhà đầu tư sẽ mất niềm tin mà bán tháo cổ phiếu và tạo hiệu ứng domino làm cho thị trường giảm mạnh. Như thời gian qua, vào 20/08/2012 khi có tin bầu Kiên bị bắt, sau đó một loạt các vị lãnh đạo ngân hàng bị bắt, rồi những thông tin tiêu cực về bộ máy lãnh đạo cấp cao trong Nhà Nước có liên quan, làm cho thị trường giảm mạnh, buộc Bộ trưởng Bộ tài chính phải lên tiếng trấn an lòng dân thì sau đó mới kiềm hãm được đà giảm giá mạnh của thị trường. Do đó, nhà môi giới cần theo dõi tình hình chính trị để có sự nhận định phân tích đúng hơn về thị trường để tư vấn cho khách hàng.
+ Tình hình thị trường thế giới: Tình hình thị trường chứng khoán Châu Á, tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ, vấn đề khủng hoảng nợ tại Hy Lạp, hay thông tin nền kinh tế Châu Âu đều có những ảnh hưởng nhất định tới thị trường chứng khoán Việt Nam.
- Biến 3: Biến chính sách, bao gồm: chính sách tài khóa và chính sách tiền
+ Chính sách tài khóa: Chính sách tài khoá là chính sách thu chi của Chính phủ hay còn gọi là chính sách ngân sách như thuế, phát hành trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc....
+ Chính sách tiền tệ: Chính sách tiền tệ là việc thực hiện tổng thể các biện pháp, sử dụng các công cụ của Ngân hàng Trung ương nhằm góp phần đạt được các mục tiêu của chính sách kinh tế vĩ mô thông qua việc chi phối dòng chu chuyển tiền và khối lượng tiền như lãi suất chiết khấu, lãi suất tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc...
- Biến 4: Biến những yếu tố liên quan đến công ty chứng khoán, bao
gồm: Tham khảo từ các khuyến nghị khác, cơ sở (trang thiết bị) nghiên cứu nội tại của công ty, khả năng đưa ra lời khuyên và khuyến nghị từ Ban lãnh đạo trong phòng ban.
+ Tham khảo từ các khuyến nghị khác: Các khuyến nghị từ các nhà môi giới khác, từ các công ty khác, hay từ các chuyên gia tài chính trên trị trường với những nhận định khác nhau ở những khía cạnh khác nhau. Nhà môi giới cần tham khảo các khuyến nghị này để có được sự nhận định chung của thị trường cũng như hiểu hơn về tâm lý thị trường trong giai đoạn đó.
+ Cơ sở (trang thiết bị) nghiên cứu nội tại của công ty: bao gồm hệ thống các thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu phát triển, như hệ thống các phần mềm phân tích, các tài liệu nghiên cứu, máy móc,… Cơ sở nội tại của công ty càng tốt thì sẽ phục vụ tốt hơn cho việc ra khuyến nghị đầu tư của NMG.
+ Khả năng đưa ra lời khuyên và khuyến nghị từ Ban lãnh đạo trong phòng ban: Nhà môi giới chứng khoán có thể tham khảo ý kiến từ các trưởng phòng môi giới, giám đốc phân tích hay các vị lãnh đạo cấp cao hơn như phó tổng giám đốc, tổng giám đốc,… và kết hợp với những yếu tố khác, để từ đó đưa ra các khuyến nghị của mình.
- Biến 5: Biến kỹ năng nhà môi giới, bao gồm: Kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng của chính bản thân nhà môi giới, phân tích kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ phân tích.
+ Kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng của chính bản thân nhà môi giới:
TTCK là nơi đối đầu về trí tuệ và tiền bạc. Do đó, kinh nghiệm của bản thân nhà môi giới là yếu tố quan trọng trong việc đưa ra các phản xạ nhanh để kịp phản ứng với những thông tin rất nhạy trên thị trường. Ngoài ra, NMG cũng cần có kiến thức vững vàng về nghiệp vụ để xử lý các vấn đề phát sinh trong giao dịch, có kiến thức về chuyên môn để nhận định thị trường, để dự đoán giá cổ phiếu được chính xác.
+ Phân tích kỹ thuật: Ngày nay, PTKT được đông đảo các môi giới sử dụng như một công cụ rất phổ biến. PTKT được xem là kim chỉ nam trong việc đưa ra các quyết định đầu tư ngắn hạn, và là một cơ sở để quyết định giá mua ngay khi cần thiết. Vì PTKT thể hiện rất rõ lịch sử biến động giá của cổ phiếu, giúp nhà môi giới có thể dễ dàng xác định được giá đang ở vùng đáy hay vùng đỉnh nào, kèm theo các đường chỉ báo đi kèm, sẽ hỗ trợ thêm cho nhà môi giới trong việc đưa ra các khuyến nghị đầu tư của mình.
+ Sản phẩm, dịch vụ phân tích: Bao gồm các báo cáo phân tích định kỳ, các bảng thống kê về kết quả kinh doanh các doanh nghiệp, bảng so sánh theo các chỉ tiêu của các doanh nghiệp, bảng khuyến nghị các cổ phiếu nên theo dõi, bản tin hàng ngày,…
Chương 5. Kết luận
Trong chương này, tác giả chốt lại các kết quả nghiên cứu chính, đưa ra các đề xuất và những hạn chế, hướng nghiên cứu tiếp theo của luận văn.