Đặc trưng của nhân tài

Một phần của tài liệu Chính sách nhân tài ở thành phố Đà Nẵng từ 1997 đến nay (Trang 25 - 28)

6. Những đóng góp của luận văn

1.2.1.Đặc trưng của nhân tài

Trên thế giới đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về con người nhìn chung đều có xu hướng cho rằng tất cả trẻ em phát triển bình thường đều tiềm ẩn những năng khiếu khác nhau, đều có khả năng trở thành nhân tài. Do đó, vấn đề giáo dục toàn diện cho học sinh, tạo điều kiện và cơ hội cho các em bộc lộ năng khiếu, sở trường, tính đam mê sáng tạo là việc làm mang tính nhân văn, giúp cho mọi trẻ em đều có cơ hội phát triển tốt nhất để có thể trở thành nhân tài trong tương lai. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành giáo dục, đào tạo. Nghiên cứu về nhân tài, người ta thấy ở lớp người này mang một số đặc trưng như sau:

Về năng lực trí tuệ

Những người được coi là tài năng thường có trí thông minh, học giỏi, có năng lực tư duy ở tầm chiến lược, có năng lực suy đoán, thường không bị

bó hẹp bởi những khuôn mẫu có sẵn, có xu hướng tiếp cận mới trong trước sự việc hiện tượng tưởng chừng như đã cũ.

“Nhân tài thường có óc tưởng tượng phong phú, có khả năng sử dụng tư duy lôgíc, có khả năng tổng hợp và phân tích những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, tìm ra mối liên hệ giữa chúng một cách có hệ thống và chính xác, có khả năng trừu tượng hóa, khái quát hóa những sự kiện diễn ra mang tính quy luật trở thành những vấn đề mang tính lý luận” [28, tr. 54].

Người tài thường có phản ứng nhạy bén trước những vấn đề mới do thực tiễn cuộc sống đặt ra, có khả năng dự báo, có trí nhớ tốt, giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, đem lại hiệu quả cao. Họ là những người có tư duy đọc lập; khả năng phê phán dựa trên lập luận chặt chẽ ở tầm trí tuệ cao, có sự tinh tế, sắc sảo trước những biến đổi của cuộc sống; có khả năng tiếp cận và nắm bắt cái mới một cách nhanh chóng, thích ứng nhanh trước những biến động của xã hội; là những người biết sử dụng thời gian một cách hợp lý khi giải quyết nhiều công việc, luôn chủ động và có giải pháp trước mọi tình huống có thể xảy ra. Để được công nhận là người tài nhất thiết phải có năng lực sáng tạo vì sáng tạo chính là sự kết tinh của năng lực tư duy. Ngày nay ngoài những tiêu chí nói trên nhân tài còn cần thể hiện trách nhiệm của họ với xã hội, họ hướng những hành động của mình nhằm phục vụ lợi ích của xã hội, của nhân dân.

Về kỹ năng trong cuộc sống

Ngoài năng lực trí tuệ những người tài năng cũng cần phải phân biệt đúng sai, thật giả từ những thông tin đa chiều, phải biết lựa chọn thông tin để có thể ứng xử một cách hợp lý, có khả năng giao tiếp mạch lạc, rõ ràng, ý và lời phải chắc chắn, lôgíc. Ngoài ra, nhân tài còn có khả năng quan sát hết sức tinh tế, nhạy bén nhận biết và phân tích hệ thống các sự kiên, biến cố xảy ra và đưa ra những phương án giải quyết nhanh, kịp thời, chính xác, cách ứng xử

trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày thể hiện tính nhân văn. “Nhân tài khi làm việc thường có tính nguyên tắc, xử lý linh hoạt các dữ kiện, thông tin biết cách vận dụng sáng tạo lý thuyết vào thực tiễn, đem lại hiệu quả cao trong công việc [28, tr.56]. Mặt khác, nhân tài thường có hiểu biết vừa rộng, vừa sâu bao quát nhiều lĩnh vực họ có khả năng giải quyết những vấn đề mới nảy sinh mà người bình thường không giải quyết được. Do đó, hoạt động của họ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Về phẩm chất đạo đức

Nói đến nhân tài không thể không nói đến đạo đức, mà đạo đức của họ phải được thể hiện qua những việc làm cụ thể góp phần vào phát triển cộng đồng. Tài năng và đạo đức ở mỗi cá nhân luôn được xã hội đánh giá cao, có sức lan tỏa. Đạo đức là một hiện tượng xã hội phản ánh những mối quan hệ hiện thực bắt nguồn từ cuộc sống của con người, là hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp các quy tắc, chuẩn mực xã hội thể hiện sự tự giác của con người trong mối quan hệ giữa con người với xã hội, với tự nhiên với cả bản thân con người đó. Đạo đức giúp con người hình thành cơ chế tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích và hạnh phúc của con người, với tiến bộ xã hội. Ở nước ta, khi nói đến đạo đức của nhân tài chuẩn mực đầu tiên được đề cập đến đó chính là tình yêu Tổ quốc, quê hương, gia đình, tình yêu thương đồng loại, có lòng bao dung vị tha. Đạo đức của nhân tài gắn với sự hiến dâng cho xã hội, hi sinh bản thân mình vì đất nước, vì xã hội. “Người tài thường có suy nghĩ, hành động có tính mục đích rõ ràng, có động cơ phấn đấu trong sáng, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc cũng như với xã hội” [28, tr.57]. Trong cuộc sống nhân tài thường say mê sáng tạo, yêu thích lao động, có ý thức học hỏi, chủ động vươn lên trong cuộc sống, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, chịu khó khăn gian khổ, chấp nhận mạo hiểm với cái mới, độc lập trong suy nghĩ và hành động, có niềm tin vào tương lai, biết cách vượt qua

khó khăn. Nếu nhân tài giữ vị trí lãnh đạo, quản lý cần biết cách dẫn dắt tập thể một cách khoa học, biết dùng người một cách hợp lý, có khả năng tập hợp quần chúng, tạo cảm giác thân thiện trong cơ quan, đơn vị và có tác phong đĩnh đạc, đàng hoàng, lời nói có sức thuyết phục được tập thể tôn trọng. Có thể khẳng định rằng, nhân tài thường mang đầy đủ hai mặt đức và tài là người nổi trội trong cộng đồng có nhiều đóng góp cho xã hội.

Bên cạnh những đặc trưng nói trên nhân tài còn được biểu hiện qua một số tố chất như: Thứ nhất, tố chất về chính trị của nhân tài, thể hiện lập trường kiên định, kiên trì thực hành những nguyên tắc cơ bản trong cuộc sống cũng như trong công việc. Đó là hệ thống những giá trị phù hợp với thời đại, nêu cao tinh thần tập thể, có khả năng hợp tác với mọi người, tôn trọng kỷ cương, pháp luật, trung thành với lý tưởng, mục tiêu đã chọn. Thứ hai, khả năng tiếp thu, xử lý khối lượng thông tin đồ sộ, khả năng ghi nhớ, khả năng tư duy, khả năng sáng tạo cái mới và khả năng diễn đạt. Thứ ba, tố chất về tâm lý bao gồm ý chí, tình cảm, quan niệm về giá trị, cần có sức mạnh và sức bền tinh thần và tâm lý. Thứ tư, tố chất về sức khỏe thể hiện qua cân nặng, chiều cao, sức bền, độ dẻo dai khéo léo và sự linh hoạt.

Tóm lại, những đặc trưng và tố chất nói trên giúp cho nhân tài có nhiều cống hiến cho cộng đồng và phần quan trọng trong việc quyết định số phận hưng thịnh hay suy vong của mỗi quốc gia dân tộc; có khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp do thực tiễn cuộc sống đặt ra; nhân tài góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ xã hội.

Một phần của tài liệu Chính sách nhân tài ở thành phố Đà Nẵng từ 1997 đến nay (Trang 25 - 28)