Giải pháp phát triển vốn an toàn và hiệu quả

Một phần của tài liệu tiểu luận lý thuyết tài chính thị trường vốn của việt nam trong bối cảnh CMCN 4 0 (Trang 38 - 42)

Thứ nhất, kiện toàn thểchế thị trường vốn: Về khung pháp lý, cần rà soát lại toàn bộ hệ thống khung pháp lý điều tiết thị trường. Trên cơ sở tham chiếu thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để có sự điều chỉnh phù hợp, phát triển các thể chế còn đang khuyết, nhằm đảm bảo tính đồng bộ của khung pháp lý, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia thị trường chủ động hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, song vẫn đảm bảo các yêu cầu thận trọng, an toàn đối với khu vực tài chính, với vấn đề ổn định vĩ mô và hỗ trợ phát triển kinh tế.

Hoàn thiện chế tài xử phạt khi có vi phạm, gắn kết được lợi ích với rủi ro ở mức nhất định. Đẩy mạnh việc hợp tác, tư vấn, nghiên cứu để hoàn thiện môi trường pháp lý cho thị trường nói chung và dịch vụ nói riêng như dịch vụ uỷ thác, giao dịch các công cụ phái sinh... thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn theo chiều sâu trên cơ sở đa dạng hóa sự tham gia của các các định chế tài chính trong và ngoài nước.

Rà soát mô hình tổ chức kinh doanh vốn, chứng khoán, các tổ chức tự quản, các quỹ đầu tư; sửa đổi Luật Chứng Khoán, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, xây dựng Luật Kiểm toán độc lập cũng như các quy định về chào bán, niêm yết, giao dịch, quản lý các giao dịch vốn... cho phù hợp với với lộ trình WTO cũng như tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) về lĩnh vực ngân hàng – chứng khoán.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc thị trường vốn gắn với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế: Cơ cấu lại TTCK đảm bảo sự phát triển đồng bộ, cân đối giữa thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường các công cụ phái sinh, từng bước nâng cao vai trò của TTCK trong huy động vốn cho đầu tư phát triển. Phát triển về quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường trái phiếu (chính phủ, địa phương và DN), hoàn thiện phương thức phát hành, xây dựng cơ chế khuyến khích các DN thuộc các thành phần kinh tế huy động vốn qua TTCK.

Tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung thông qua việc đẩy mạnh phát hành mới, sử dụng các công cụ phái sinh để hoàn thiện cấu trúc thị trường. Xây dựng cơ chế công bố thông tin theo chuẩn mực quốc tế, áp dụng các chuẩn mực quản trị công ty, quản trị rủi ro, chuẩn hóa các quy định về giao dịch, mua bán, đăng ký, thanh toán theo thông lệ quốc tế.

Đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm tăng số lượng và chất lượng hàng hóa cho thị trường. Đa dạng hóa các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp trong nước, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường và đầu tư lâu dài vào TTCK Việt Nam.

Đối với thị trường vốn tín dụng ngân hàng, cần rà soát các cơ chế chính sách, tạo môi trường cho các tổ chức tín dụng hoạt động. Cụ thể: sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản cho phù hợp với lộ trình hội nhập; nhanh chóng áp dụng các chuẩn mực về phân loại nợ và trích dự phòng rủi ro theo thông lệ quốc tế; rà soát vốn thực có của các ngân hàng thương mại để giám sát tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, thực hiện quản trị rủi ro theo Basel II, tiến tới Basel III...

Những văn bản này phải được điều chỉnh phù hợp với lộ trình cam kết quốc tế về lĩnh vực ngân hàng và phải tương đối ổn định để các tổ chức tín dụng chủ động và tiên liệu được những rủi ro nảy sinh khi thay đổi chính sách.

Mặt khác, thông qua vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết, khắc phục những khuyết tật của thị trường theo hướng tạo môi trường lành mạnh cho các ngân hàng hoạt động theo luật, không bao cấp cho ngân hàng (cả ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và NHTM cổ phần), nhưng cũng không nên tạo ra những rủi ro bằng cơ chế chính sách hay các mệnh lệnh hành chính; kết hợp giữa giám sát tuân thủ và giám sát theo rủi ro, có chế tài đủ mạnh để bảo đảm cho các ngân hàng tham gia thị trường tuân thủ “luật chơi” đã quy định.

Thứ ba, tăng cường năng lực hoạt động của các tổ chức tham gia thị trường vốn: Tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán để có tiềm lực tài chính mạnh, uy tín, trình độ nghiệp vụ cao, quản trị hiện đại, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và tính an toàn hệ thống, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực; Tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của các Hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và thị trường vốn.

Về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng: Đối với các NHTM cổ phần yếu kém, sau khi tái cấu trúc phải có sự chuyển biến mới về chất (vốn, trình độ quản trị, công nghệ thông tin, mức độ an toàn vốn, tính minh bạch). Đối với các NHTM nhà nước, tiếp tục giảm tỷ trọng phần vốn nhà nước ở mức hợp lý, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài tại mỗi ngân hàng tùy theo quy mô và phạm vi hoạt động của từng ngân hàng; Giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động ngân hàng, buộc các ngân hàng phải minh bạch trong kinh doanh.

Hiện nay, để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, trước hết và cần thiết phải giải quyết triệt để nợ xấu. Mặc dù ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, song đa phần các giải pháp này có tính chất ngắn hạn, vì thế nếu thiếu sự vào cuộc của các bộ ngành thì nền kinh tế vẫn khó khăn, do nợ xấu không được xử lý dứt điểm.

Một vấn đề khác, đó là sở hữu chéo giữa DN và ngân hàng, giữa ngân hàng với công ty chứng khoán, cần có lộ trình và biện pháp cứng rắn để xử lý sở hữu chéo trong việc thực hiện tái cấu trúc đi đôi với hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động ngân hàng, hạn chế và đi tới chấm dứt lợi ích nhóm tháo túng trên thị trường vốn tín dụng ngân hàng… để giúp khơi thông tín dụng cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần hình thành và phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho thị trường vốn. Sự phát triển của thị trường vốn khiến cả cơ hội đầu tư và rủi ro đầu tư đều tăng lên. Nhà đầu tư có nhiều cơ hội lựa chọn hơn nhằm thu lợi cao hơn từ khoản đầu tư này, song rủi ro trong đầu tư cũng tăng lên vì họ không hiểu hết những chủ thể sử dụng vốn của mình.

Do đó, để biết được mức độ rủi ro của mỗi khoản đầu tư, cần có hoạt động xếp hạng tín nhiệm mức độ rủi ro của các khoản đầu tư (chủ yếu là các khoản vay nợ) trên thị trường vốn. Những thông tin về chỉ số tín nhiệm của các DN, các ngành trong nền kinh tế sẽ giúp các nhà đầu tư có định hướng tốt hơn mỗi khi ra quyết định đầu tư.

Thứ tư, về công khai thông tin trên thị trường: Để có một thị trường vốn hiệu quả, thì một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là xây dựng cơ chế công khai thông tin.Trên thị trường vốn, mọi hoạt động đều được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật, quy chế, điều lệ về thị trường nhằm tạo ra một thị trường trung thực, trật tự và có hiệu quả, đồng thời, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Thị trường vốn phát triển, đòi hỏi phải quan tâm đến tính minh bạch của thị trường, tạo dựng được lòng tin để thu hút những chủ thể cung cấp vốn và những chủ thể có nhu cầu sử dụng vốn tham gia thị trường, làm cho thị trường có thể phát huy tối đa vai trò của nó.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả kiểm soát vốn: Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, Việt Nam cần có một lượng lớn vốn đầu tư tăng thêm mỗi năm. Tuy nhiên, khi dòng vốn vào không được kiểm soát, sử dụng không hiệu quả, thì bất ổn tài chính sẽ nảy sinh. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách để đối phó với dòng chảy vốn trong giai đoạn đầu hội nhập.

Kinh nghiệm của một số nước trong việc kết hợp các chính sách để đối phó với dòng chảy vốn, thường là công khai các biện pháp kiểm soát vốn và lộ trình thay đổi nếu có để các nhà đầu tư nắm bắt và có phản ứng thích hợp. Kiểm soát vốn một khi được kết hợp với những chính sách khác sẽ làm thay đổi cấu trúc của dòng vốn chảy vào theo hướng khuyến khích các dòng vốn đầu tư dài hạn, hạn chế dòng tiền nóng mang tính đầu cơ ngắn hạn, từ đó giảm thiểu được rủi ro “đảo ngược dòng vốn” gây khủng hoảng.

Một phần của tài liệu tiểu luận lý thuyết tài chính thị trường vốn của việt nam trong bối cảnh CMCN 4 0 (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(44 trang)
w