Câu 1. Tại sao nói ngành thương mại có vai trò điều tiết sản xuất? Trả lời:
- Trong nền sản xuất hàng hóa, lao động sản xuất hàng hóa được xã hội hóa khi mà sản phẩm do họ làm ra được đưa vào trao đổi. Nếu ngành thương mại giúp mở rộng thị trường, mở rộng đầu ra cho sản phẩm, thì nó thúc đẩy sản xuất. Đồng thời, các phân tích thông tin thị trường sẽ giúp các nhà sản xuất thay đổi mẫu mã, ngành hàng...
- Ngành thương mại, đặc biệt là các hoạt động quảng cáo, khuyến mãi... có vai trò rất lớn trong việc hướng dẫn tiêu dùng, tạo ra các tập quán tiêu dùng mới; từ đó, góp phần định hướng cho sản xuất.
Câu 2. Tại sao trong nền kinh tế thị trường thương mại có vai trò đặc biệt quan trọng?
Trả lời:
- Thương mại có nguồn gốc từ sản xuất hàng hóa.Trong nền kinh tế thị trường thì sản xuất hàng hóa phát triển mạnh làm tăng vai trò của thương mại.
- Trong nền kinh tế thị trường nhu cầu của thị trường trong, ngoài nước tác động mạnh mẽ đến việc hình thành quy mô, cơ cấu, hướng CNH sản xuất vùng lãnh thổ.
- Thương mại điều tiết sự tác động đó.
- Thương mại đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế- xã hội. Là cầu nối thị trường trong nước với thị trường thế giới.
- Trong thời đại ngày nay, thương mại phát triển thể hiện rõ xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, từ đó góp phần đẩy mạnh hội nhập với khu vực và thế giới.
Câu 3.Tại sao nói thương mại kích thích sản xuất phát triển và có tác động mạnh mẽ đến tái sản xuất mở rộng xã hội?
Trả lời:
- Kích thích sản xuất: Hoạt động thương mại cung ứng nguyên liệu, vật tư, máy móc, tiêu thụ sản phẩm.
- Tác động tái đến sản xuất mở rộng của xã hội: + Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng.
+ Tạo ra thị hiếu mới, nhu cầu mới (sản phẩm, chất lượng, số lượng), làm cho sản xuất phải phát triển ở quy mô và chất lượng cao hơn để đáp ứng tiêu dùng. Tiếp tục lại tạo ra nhu cầu mới…
Câu 4. Tại sao nói sự phát triển của hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ giữa các vùng?
Trả lời:
- Phân công lao động theo lãnh thổ: Mỗi lãnh thổ dựa vào thế mạnh của mình để sản xuất ra các sản phẩm hàng hoá, trao đổi với các lãnh thổ khác; mặt khác, lại tiêu thụ các sản phẩm của các lãnh thổ khác mà mình cần. Mỗi lãnh thổ tham gia vào phân công lao động với cả hai khía cạnh: cung cấp các sản phẩm hàng hoá, tiêu thụ các sản phẩm hàng hoá.
- Xuất, nhập khẩu là hoạt động trao đổi hàng hoá giữa các quốc gia.
- Việc cung cấp và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá giữa các lãnh thổ được tiến hành thông qua xuất, nhập khẩu.
- Xuất, nhập khẩu đòi hỏi tăng cường sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. - Xuất, nhập khẩu tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hoá quy mô lớn.
Câu 5. Tại sao nói hoạt động xuất khẩu có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động nhập khẩu?
Trả lời:
- Không thể đẩy mạnh nhập khẩu mà không dựa trên đẩy mạnh xuất khẩu (vì không thể thanh toán được, các gánh nặng nợ nước ngoài sẽ ngày càng cao).
- Việc đẩy mạnh xuất khẩu cũng tất yếu sẽ thúc đẩy nhập khẩu do tăng cường sự tham gia của đất nước vào quá trình phân công lao động quốc tế; đòng thời phải đẩy mạnh nhập khẩu các loại nguyên liệu, nhiên liệu và cả máy móc, thiết bị để mở rộng sản xuất...
Câu 6. Tại sao nói thông qua đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, nền kinh tế trong nước có động lực mạnh mẽ để phát triển?
Trả lời:
- Hoạt động xuất khẩu:
+ Hoạt động xuất khẩu tạo đầu ra cho sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế của nhiều ngành sản xuất.
+ Việc đẩy mạnh xuất khẩu tạo vốn cho công nghiệp hóa, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện để đẩy mạnh nhập khẩu.
- Hoạt động nhập khẩu: Việc đẩy mạnh nhập khẩu (tất nhiên là với chính sách đúng), sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
+ Nhập khẩu thiết bị, máy móc góp phần hiện đại hóa cơ sở vật chất kĩ thuật của các ngành kinh tế.
+ Nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu cho phép mở rộng sản xuất, bù đắp các nhu cầu trong nước mà chưa đáp ứng được, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
+ Việc nhập khẩu hàng hóa còn có thể tạo ra môi trường cạnh tranh cần thiết giữa hàng nội địa và hàng nhập, thúc đẩy các cơ sở sản xuất trong nước nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm...
- Hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu có quan hệ với nhau như thế nào? Tại sao nói thông qua việc đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, nền kinh tế trong nước sẽ có động lực mạnh mẽ để phát triển?
Câu 7. Giải thích vì sao một nước xuất siêu chưa hẳn đã tích cực và một nước nhập siêu chưa hẳn đã tiêu cực.
Trả lời:
- Nước xuất siêu, nhưng xuất khẩu chủ yếu là tài nguyên ở dạng thô (khoáng sản khai thác...) và lao động, giá trị thấp và làm cho tài nguyên ngày càng bị cạn kiệt... thì không thể xem là tích cực được. Chỉ được xem là tích cực khi xuất khẩu chủ yếu là thiết bị, máy móc, sản phẩm khác của các ngành kinh tế trong nước tạo ra.
- Nước nhập siêu, nhưng nhập khẩu chủ yếu là nguyên, nhiên liệu, năng lượng, vật ttư, thiết bị, máy móc để phát triển sản xuất... thì không phải là tiêu cực. Chỉ tiêu cực khi nhập siêu là do nhậpkhẩu nhiều mặt hàng xa xỉ phục vụ đời sống xa hoa, lãng phí của một bộ phận người trong nước.
Câu 8. Tại sao nói nhìn vào cơ cấu hàng xuất khẩu và nhập khẩu của một nước có thể biết được nước đó có nền kinh tế kém phát triển hay nền kinh tế phát triển?
Trả lời:
- Các mặt hàng xuất khẩu có thể chia thành các nhóm: nguyên liệu chưa qua chế biến và các sản phẩm đã qua chế biến. Các mặt hàng nhập khẩu có thể chia thành các nhóm: tư liệu sản xuất (nguyên liệu, máy móc, thiết bị...) và hàng tiêu dùng.
- Trên thực tế, thông thường các nước có nền kinh tế kém phát triển:
+ Trong cơ cấu hàng xuất khẩu, chiếm tỉ trọng cao là các loại sản phẩm của các cây công nghiệp đặc sản, lâm sản, nguyên liệu và khoáng sản.
+ Trong cơ cấu hàng nhập khẩu, chiếm tỉ trọng cao là các sản phẩm của công nghiệp chế biến, máy công cụ, lương thực, thực phẩm.
- Các nước có nèn kinh tế phát triển:
+ Trong cơ cấu hàng xuất khẩu, chiếm vị trí hàng đầu là sản phẩm của các ngành công nghiệp chế biến, máy công cụ, thiết bị toàn bộ...
+ Trong cơ cấu hàng nhập khẩu, có nguyên liệu khoáng sản, nhiên liệu (đặc biệt là dầu mỏ), nguyên liệu nông nghiệp.