Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các hợp đồng dân sự phát sinh trong xã hội ngày càng nhiều và càng diễn biến phức tạp. Cùng với sự gia tăng của hợp đồng dân sự thì số lượng các tranh chấp nảy sinh từ các hợp đồng này cũng ngày càng nhiều. Nguyên nhân của các tranh chấp này là do quyền lợi của các chủ thể tham gia giao dịch hoặc quyền lợi của cộng đồng bị ảnh hưởng.
Trên thực tế, hợp đồng dân sự do giả tạo chiếm số lượng án tương đối hạn chế trong số lượng án về giao dịch dân sự vô hiệu. Thông thường, các bên khi xảy ra tranh chấp thường cố tìm cách giải quyết trên cơ sở thương lượng với nhau, nếu không thỏa thuận được mới đưa ra giải quyết tại tòa. Tuy nhiên, số lượng án ít nhưng đa phần lại rất phức tạp, chủ yếu liên quan đến các vấn đề về quyền sử
dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hay những tài sản có giá trị lớn. Cơ quan tòa án trong quá trình giải quyết các vụ án còn gặp rất nhiều khó khăn do trình độ vận dụng pháp luật của một bộ phận thẩm phán còn hạn chế, do quy định của pháp luật không rõ ràng hoặc cũng có thể do chính các bên chủ thể cố tình giấu giếm.
Đa số các bên khi xác lập hợp đồng giả tạo nhằm mục đích che giấu một hợp đồng khác. Ban đầu khi các bên xác lập giao dịch, các bên cùng thỏa thuận và thống nhất ký kết nội dung của hợp đồng và nội dung của hợp đồng đã ký kết không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cho các bên. Các bên xác định hợp đồng này chỉ là hợp đồng giả tạo, nhằm che giấu hợp đồng khác. Và hợp đồng được che giấu mới là hợp đồng thực sự làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Tuy nhiên khi xảy ra tranh chấp, các bên lại dùng chính các hợp đồng giả tạo đó để yêu cầu tòa án xử lý. Thực tiễn cho thấy, do quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở, chưa rõ ràng nên trong quá trình áp dụng pháp luật, các thẩm phán cũng giải quyết theo các cách hiểu khác nhau. Cùng một vụ án nhưng các thẩm phán ở các tòa lại có các cách giải quyết khác nhau. Đồng thời do trình độ của một số thẩm phán còn hạn chế nên đánh giá sai nội dung của vụ án hoặc hiểu sai quy định của pháp luật. Điều này dẫn đến việc xử lý chưa thỏa đáng, không đảm bảo quyền lợi cho các bên chủ thể.
Sau đây là một số vụ án về hợp dân sự do giả tạo và cách giải quyết của tòa án trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang:
Vụ thứ nhất:
Bà Lê Thị Hoa, sinh năm 1955, cư ngụ tại ấp Tân Thuận, xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Vào đầu tháng 10 năm 2010, bà Hoa bị thất bại trong công việc kinh doanh nên kinh tế lâm vào cảnh khó khăn. Bà Hoa được một người quen giới thiệu gặp ông Tăng Quốc Thái, cư ngụ tại 246 Lê Lợi, phường 1, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang để vay tiền. Ông Thái yêu cầu để đảm bảo việc trả nợ vay, bà Hoa phải ký hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà Hoa cho ông. Ông Thái cho rằng: “Đây chỉ là hợp đồng hình thức mang tính thủ tục, khi vay tiền ai cũng làm vậy!”. Số tiền cho vay sẽ được ghi trong hợp đồng là khoản tiền đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Ông Thái hứa khi bà Hoa trả nợ vay xong, ông sẽ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hai bên sẽ hủy hợp đồng.
Do lâm vào hoàn cảnh túng quẫn và cũng cả tin vào lời ông Thái đã hứa, bà Hoa chấp nhận ký vào hợp đồng để nhận tiền. Đến ngày 30 tháng 10 năm 2010, ông Thái giao cho bà Hoa số tiền 474,2 triệu đồng nhưng lại ghi trong hợp đồng là 520 triệu đồng. Bà Hoa thắc mắc thì ông Thái giải thích phải trừ 10% (52 triệu đồng) phí dịch vụ vay tiền đồng thời đưa trước 6,5% (33,8 triệu đồng), là tiền lãi tháng đầu tiên.
Gần 04 tháng sau, do lãi suất vay quá cao, bà Hoa không có tiền đóng lãi nên ông Thái đe dọa sẽ lấy đất. Vì sợ chồng bà biết chuyện, bà Hoa đồng ý vay thêm tiền của ông Thái để trả nợ lãi vay trước đó. Ông Thái bảo bà ký vào biên nhận bổ sung tiền đặt cọc 200 triệu đồng nhưng ông chỉ đưa cho bà Hoa 98,6 triệu đồng. Số tiền còn lại ông Thái bảo trừ 03 tháng tiền lãi ( của số tiền vay 520 triệu đồng trước đó) hết 101,4 triệu đồng.
Đầu năm 2011, ông Thái đã kiện bà Hoa ra Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, yêu cầu chuyển nhượng thửa đất có diện tích 11.044 m2, trị giá trên 03 tỷ đồng cho ông theo hợp đồng mà trước đó bà Hoa đã ký bán cho ông với giá chỉ 520 triệu đồng.
Ngày 23 tháng 7 năm 2011, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang mở phiên tòa xét xử vụ “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa ông Tăng Quốc Thái và bà Lê Thị Hoa. Tại tòa, ông Thái xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của bà Hoa, trong khi phía bà Hoa không đưa ra được tài liệu gì để chứng minh cho việc vay nợ của mình. Do đó, tòa xử theo hướng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chứ không phải là vay nợ.
Tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ký giữa ông Thái và bà Hoa bị vô hiệu về mặt hình thức vì không tuân thủ các quy định của pháp luật. Tòa cho rằng hai bên đều có lỗi ngang nhau nên đều phải chịu những thiệt hại phát sinh do việc ký kết và thực hiện hợp đồng gây ra. Sau khi định giá tài sản đất và cây cối trên đất trị giá trên 3,2 tỷ đồng, Tòa cho rằng, tổng giá trị thiệt hại do
hợp đồng bị vô hiệu là gần 2,1 tỷ đồng, mỗi bên chịu một nửa. Tòa buộc bà Hoa phải bồi thường cho ông Thái trên 1,05 tỷ đồng (trong đó có tiền thiệt hại thực tế là trên 800 triệu đồng). Ngoài ra, Tòa còn buộc bà Hoa phải chịu thêm án phí dân sự.
Trong trường hợp này, tòa án tuyên hợp đồng mua bán nhà đất giữa ông Thái và bà Hoa vô hiệu về hình thức là không hợp lý. Thực chất đây chính là hợp đồng vay mượn tài sản, nhưng được giả cách thành hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Số tiền vay được núp dưới tên gọi là tiền đặt cọc. Nhưng tòa đã bỏ qua tình tiết thể hiện sự vô lý khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất như: liệu thửa đất trên 01 hecta có căn nhà, trị giá thời điểm đó là trên 03 tỷ đồng liệu bà Hoa có thể bán với giá 520 triệu đồng không? Bà Hoa tự nguyện ký vào hợp đồng mua bán nhà “giả cách” đó nhưng mục đích ban đầu và sau cùng của bà Hoa là vay tiền chứ không phải mua bán nhà. Ở đây có sự tự nguyện giao kết hợp đồng nhưng không có sự thống nhất giữa ý chí và sự thể hiện ý chí ra bên ngoài. Ông Thái yêu cầu bà Hoa ký hợp đồng giả cách mua bán nhà để đảm bảo cho việc trả nợ của bà chứ không nhằm mua bán nhà đất. Đây là giao dịch dân sự do giả tạo trong đó hợp đồng thực tế giữa các bên là hợp đồng vay tiền, còn hợp đồng giả tạo là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (trong hợp đồng giả tạo khoản tiền này là khoản tiền đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất). Vì vậy, theo quy định của pháp luật thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Hoa và ông Thái là đương nhiên vô hiệu, không làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ dân sự giữa bà Hoa và ông Thái. Hợp đồng làm phát sinh trách nhiệm dân sự giữa hai người trong trường hợp này là hợp đồng vay tiền, hợp đồng này vẫn có hiệu lực pháp luật. Bà Hoa có trách nhiệm trả lại cho ông Thái số tiền đã nhận và phải trả số tiền lãi như trong hợp đồng vay tài sản đã ký kết.
Vụ thứ hai: Trường hợp xác lập hợp đồn dân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc trốn tránh nghĩa vụ đối với người thứ ba.
Ông Lâm Ngọc Bạch, trú tại ấp Long Lợi, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, có chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Vinh ở cùng địa phương thửa đất có diện tích 10.020 m2 với giá 02 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì biết nếu
ký hợp đồng chuyển nhượng với giá 2 tỷ đồng sẽ phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất nhiều nên hai ông đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá 500 triệu đồng nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước.
Ở trường hợp này, các bên đã ký với nhau một hợp đồng thực tế, có giá trị về mặt pháp lý, đáp ứng nguyện vọng cũng như mục đích của các bên khi xác lập giao dịch đó là hợp đồng chuyển nhượng đất. Tuy nhiên, để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế với nhà Nước, các bên đã ký hợp đồng với giá trị thấp hơn giá trị thực tế các bên thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp này, các bên thỏa thuận giá cả của tài sản cao nhưng trong hợp đồng lại ghi giá thấp hơn nhiều vì vậy ý chí đích thực bên trong với sự thể hiện ý chí ra bên ngoài không thống nhất, hay không đảm bảo yếu tố tự nguyện của các chủ thể giao dịch. Pháp luật dân sự quy định những trường hợp này là xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với nhà nước, vì vậy hợp đồng này đương nhiên vô hiệu.
Vụ thứ ba:
Tháng 5 năm 2011, bà Huỳnh Tú Hà đã khởi kiện vợ chồng ông Nguyễn Văn Đông ra Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang để đòi giao một căn nhà ở thị trấn Tân Hiệp. Theo bà Hà, vào tháng 4 năm 2009, vợ chồng ông Đông ký hợp đồng bán căn nhà trên cho bà (có công chứng). Bà đã giao đủ tiền mua nhà là 30 lượng vàng SJC. Lúc mua bán, vợ chồng ông Đông yêu cầu bà cho ở một thời gian nhưng sau đó không chịu giao nhà. Vì vậy bà yêu cầu tòa buộc vợ chồng ông Đông và những người sống trong căn nhà phải giao nhà cho bà.
Tại tòa, vợ chồng ông Đông trình bày một câu chuyện khác hẳn. Theo đó, tháng 3 năm 2009, bà Dương Ngọc Phượng nhờ ông bà đứng tên giùm căn nhà mà bà Phượng mới mua của bà Bùi Thị Nhí và lý giải bà mua nhiều nhà, sợ phải đóng thuế cao nên cần người đứng tên giùm. Ông bà nghĩ đứng tên giùm không ảnh hưởng gì nên đồng ý.
Sau đó bà Phượng dẫn ông, bà đến phòng công chứng ký hợp đồng mua bán nhà. Tại đây ông, bà không được nghe đọc hợp đồng và chỉ một mình ông được yêu cầu ký, lăn tay vào hợp đồng. Hoàn tất thủ tục, bà Phượng cho ông, bà 2 triệu
đồng. Tháng 4 năm 2009, bà Phượng lại yêu cầu vợ chồng ông bà đến phòng công chứng ký tên bổ sung giấy tờ mua bán nhà. Ông, bà ký, lăn tay và cũng không được nghe đọc hợp đồng. Lần này ông, bà được yêu cầu cùng ký tên, điểm chỉ. Khi bà Phượng bảo ông bà viết giấy đã nhận của bà Hà 30 lượng vàng SJC, ông bà cũng viết, ký và nghĩ thủ tục phải như vậy.
Vợ chồng ông Đông nói không hiểu biết pháp luật, chỉ nghĩ đơn giản làm vậy không ảnh hưởng gì, lại được một ít tiền. Ông bà không mua nhà, không đưa tiền cho ai, cũng không bán nhà, nhận tiền của ai. Tất cả việc mua bán cũng như giao nhận tiền đều do bà Phượng sắp xếp. Việc bà Hà yêu cầu ông bà giao nhà không thể thực hiện vì căn nhà không thuộc sở hữu của ông bà. Nay ông bà yêu cầu tòa hủy hợp đồng mua bán nhà, trả nhà lại cho bà Nhí.
Bà Nhí (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) nói căn nhà tranh chấp vốn là sở hữu chung của vợ chồng bà. Tháng 3-2009, cần tiền để chữa bệnh cho chồng nên bà vay của bà Phượng 280 triệu đồng, không thỏa thuận thời hạn vay, lãi suất 2%/tháng cho tháng đầu tiên, những tháng tiếp theo thì tính 1,5%/tháng. Sau đó bà vay bà Phượng thêm 30 triệu đồng nữa. Bà Phượng yêu cầu bà phải đến phòng công chứng lập hợp đồng bán nhà giả tạo cho ông Đông và nói khi nào bà trả hết nợ thì bà Phượng sẽ hủy hợp đồng, trả lại giấy tờ nhà cho bà.
Năm 2010, khi bà muốn trả nợ, lấy lại giấy tờ nhà thì mới biết nhà đã bị bán. Bà tố cáo bà Phượng ra công an. Tháng 9 năm 2012, bà được cơ quan điều tra thông báo kết quả giải quyết tố cáo với nội dung quan hệ tranh chấp giữa các bên là quan hệ dân sự dù thông báo ghi nhận những nội dung điều tra được đúng như những gì bà trình bày.
Theo Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, theo thừa nhận của ông Đông và bà Nhí thì việc ký hợp đồng mua bán nhà giữa hai người nhằm mục đích hợp thức hóa việc bà Nhí vay tiền của bà Phượng. Ông Đông và bà Nhí không quen biết, không thỏa thuận mua bán, ông Đông cũng không thực hiện nghĩa vụ giao tiền cho bà Nhí. Bà Phượng thừa nhận sự việc trên, xác nhận có cho bà Nhí vay 310 triệu đồng và tổ chức cho bà Nhí, ông Đông ký hợp đồng mua bán nhà. Như vậy
hợp đồng mua bán trên là giao dịch giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác. Theo BLDS, giao dịch mua bán nhà giả tạo này vô hiệu nên việc ông Đông đứng tên trên giấy hồng là không hợp pháp. Từ đó việc ông Đông ký hợp đồng mua bán căn nhà cho bà Hà cũng không được thừa nhận.
Theo lời khai của bà Hà tại cơ quan điều tra thì bà chỉ trực tiếp thỏa thuận với bà Phượng mua nhà mà không gặp chủ nhà thỏa thuận giá, cũng không đến xem nhà. Tòa xét thấy nếu bà Hà ngay tình trong giao dịch mua bán nhà thì đã không bỏ qua giai đoạn xem nhà, thỏa thuận thời gian giao nhà, cam kết đảm bảo việc giao nhận nhà. Như vậy lời khai của bà Nhí, ông Đông là có căn cứ và phù hợp với thực tế. Từ đó tòa tuyên bác yêu cầu của bà Hà, tuyên bố các hợp đồng mua bán nhà trên vô hiệu do giả tạo theo Điều 129 BLDS.
Từ vụ việc trên cho thấy thực tế hiện nay các thẩm phán đều rất thận trọng khi giải quyết tranh chấp dạng này, sẵn sàng đưa vụ việc sang cơ quan điều tra xem xét khi có dấu hiệu nghi ngờ. Sau đó dù vụ việc không có dấu hiệu hình sự, tòa cũng dựa trên các thẩm định của cơ quan điều tra để giải quyết dân sự. Người vay tiền chỉ nên ký hợp đồng vay tài sản, không nên thỏa thuận thành hợp đồng mua bán nhà đất được công chứng hợp pháp. Khi có tranh chấp, người vay tiền sẽ thiệt thòi bởi có những trường hợp rất khó chứng minh hợp đồng mua bán nhà đất đã được công chứng là hợp đồng giả cách.