Câu hỏi và bài tập dạng giải thích

Một phần của tài liệu chuyên đề một số quy luật của lớp vỏ địa lí (Trang 30 - 32)

Đây là một dạng câu hỏi khó, đòi hỏi học sinh không chỉ nắm vững kiến thức cơ bản, mà còn phải biết vận dụng chúng để giải thích một hiện tượng địa lí.

Muốn trả lời được câu hỏi này, yêu cầu học sinh phải:

- Nắm vững kiến thức cơ bản về quy luật và các thành phần tự nhiên.

- Tìm mối liên hệ giữa các hiện tượng địa lí theo yêu cầu câu hỏi. Các hiện tượng địa lí luôn có các mối liên hệ qua lại với nhau, trong đó có mối liên hệ nhân quả.

- Biết cách khái quát các kiến thức liên quan đến câu hỏi và mối liên hệ của chúng để tìm ra nguyên nhân. Đây là khâu mấu chốt, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng trong quá trình ôn tập và làm bài.

Các câu hỏi giải thích phần quy luật thường là các câu hỏi không có mẫu, nên giáo viên cần hướng dẫn học sinh thực hiện các thao tác sau:

- Bước thứ nhất: Đọc kĩ câu hỏi để xem câu hỏi yêu cầu phải giải thích cái gì. Việc đọc kĩ câu hỏi là tiền đề giúp cho học sinh có được định hướng trả lời.

- Bước thứ hai: Tái hiện kiến thức có liên quan đến yêu cầu câu hỏi, sắp xếp và tìm mối liên hệ giữa chúng với nhau. Đây là bước rất quan trọng nhằm giúp học sinh có được một dàn bài hợp lí với các ý chính phải trả lời.

- Bước thứ ba: Đưa ra các lí do để giải thích theo yêu cầu câu hỏi.

Ví dụ 1: Tại sao nói lớp vỏ địa lí mang tính tổng hợp và phát triển?

Gợi ý

- Lớp vỏ địa lí (lớp vỏ cảnh quan) là lớp vỏ của Trái Đất, ở đó các lớp vỏ bộ phận (khí quyển, thạch quyển, thủy quyển, thổ nhưỡng quyển và sinh quyển) xâm nhập và tác động lẫn nhau.

- Tính tổng hợp: Lớp vỏ địa lí bao gồm các lớp vỏ thành phần: khí quyển, thạch quyển, thổ nhưỡng quyển và sinh quyển. Các lớp vỏ này xâm nhập và tác động lẫn nhau.

- Tính phát triển: Mỗi lớp vỏ có những quy luật vận động và phát triển riêng, nhưng vì chúng xâm nhập vào nhau nên sự vận động của từng lớp vỏ ảnh hưởng

tới sự vận động và phát triển của các lớp vỏ khác. Do đó, lớp vỏ địa lí cũng phải vận động và phát triển.

Ví dụ 2: Tại sao cần phải nghiên cứu tính thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lí?

Gợi ý

- Lớp vỏ địa lí (lớp vỏ cảnh quan) là lớp vỏ của Trái Đất, ở đó có các lớp vỏ bộ phận (khí quyển, thạch quyển, thuỷ quyển, thổ nhưỡng quyển và sinh quyển) xâm nhập và tác động lẫn nhau. Chiều dày lớp vỏ địa lí khoảng 30 - 35 km (tính từ giới hạn dưới của lớp ôdôn đến đáy vực thẳm đại dương; ở lục địa xuống hết lớp vỏ phong hoá).

- Tất cả các thành phần của lớp vỏ địa lí đều đồng thời chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của ngoại lực và nội lực, nên chúng không tồn tại và phát triển một cách cô lập. Chúng luôn xâm nhập vào nhau, trao đổi vật chất và năng lượng cho nhau, khiến chúng có sự gắn bó mật thiết để tạo nên một thể thống nhất và hoàn chỉnh.

Trong tự nhiên, bất cứ lãnh thổ nào cũng gồm nhiều thành phần ảnh hưởng qua lại phụ thuộc nhau. Nếu một thành phần thay đổi sẽ dẫn tới sự biến đổi cảu các thành phần còn lại và toàn bộ lãnh thổ. Ví dụ: Sự biến đổi của khí hậu từ khô hạn sang ẩm ướt sẽ làm chế độ dòng chảy thay đổi, làm tăng quá trình xói mòn, mặt khác làm thực vật phát triển mạnh, quá trình phá huỷ đá và hình thành đất nhanh hơn. Rừng bị phá huỷ dẫn đến khí hậu bị biến đổi, dòng chảy không ổn định, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn, đất đai bị thoái hoá, sinh vật bị suy giảm.

Ví dụ 3: Tại sao nói những quy luật không phải là địa đới đều thuộc về quy luật phi địa đới?

Gọi ý

- Nguyên nhân tạo ra quy luật địa đới là dạng hình cầu của Trái Đất và bức xạ mặt trời.

- Nguyên nhân tạo ra quy luật phi địa đới là nguồn năng lượng bên trong của Trái Đất.

- Bức xạ mặt trời và nội lực trong lòng đất luôn luôn hoạt động và tác động đến tất cả các thành phần của lớp vỏ địa lí, nên các quy luật địa đới và phi địa đới không tác động riêng rẽ mà diễn ra đồng thời và tương hỗ lẫn nhau. Tuy nhiên, mỗi quy luật lại đóng vai trò chủ yếu trong từng trường hợp cụ thể. Do vậy, những quy luật không phải địa đới (không chịu tác động của bức xạ mặt trời) đều thuộc về quy luật phi địa đới (chịu tác động của nội lực trong lòng đất).

Ví dụ 4: Tại sao sự phân bố của các thành phần tự nhiên và cảnh quan vừa

theo quy luật địa đới vừa theo quy luật phi địa đới?

Gợi ý

- Do các thành phần tự nhiên và các cảnh quan địa lí vừa chịu tác động của nguồn năng lượng bức xạ mặt trời, vừa chịu tác động của nguồn năng lượng bên trong Trái Đất.

- Sự phân bố theo đới của lượng bức xạ mặt trời đã gây ra tính địa đới của nhiều thành phần và cảnh quan địa lí trên Trái Đất.

- Nguồn năng lượng bên trong của Trái Đất đã tạo nên sự phân chia bề mặt Trái Đất thành lục địa, đại dương và địa hình núi cao.

+ Sự phân bố đất liền và biển, đại dương làm cho khí hậu ở lục địa phân hóa từ đông sang tây: càng vào trung tâm lục địa, tính chất lục địa càng tăng. Ảnh hưởng của các dãy núi chạy theo hướng kinh tuyến làm cho khí hậu khác nhau theo chiều đông tây.

+ Địa hình núi cao tạo nên sự thay đổi nhiệt ẩm theo độ cao: Càng lên cao nhiệt độ càng giảm, độ ẩm và lượng mưa cũng thay đổi.

Ví dụ 5: Tại sao sự phân bố của các thảm thực vật và đất ở vùng núi không

hoàn toàn giống với sự phân bố từ xích đạo về cực?

Gợi ý

- Sự sắp xếp các vành đai từ chân lên đỉnh núi có thể gần tương tự như các đới theo chiều vĩ tuyến. Tuy nhiên, về cơ bản là có sự khác nhau:

+ Từ xích đạo về cực, không có đai đồng cỏ núi cao.

+ Các vành đai theo chiều cao có thể biểu hiện ở bất kì địa hình núi cao thuộc vĩ độ nào (nhiệt đới, ôn đới, hàn đới).

- Nguyên nhân của sự khác nhau: Do khác nhau về nguyên nhân tác động. + Nguyên nhân tạo ra đới theo vĩ độ: Bức xạ mặt Trời. Càng về hai cực, góc tới càng nhỏ, lượng bức xạ càng thấp, kéo theo sự phân bố theo đới của các thảm thực vật và đất.

+ Nguyên nhân tạo nên các đai cao: Do sự thay đổi tương quan nhiệt ẩm theo chiều cao. Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm, độ ẩm và lượng mưa thay đổi, dẫn đến sự thay đổi các vành đai thực vật và các vành đai đất.

Bài tập cho học sinh luyện tập:

Bài tập 1: Tại sao tính địa đới của thảm thực vật trên bề mặt Trái Đất bị phá vỡ? Bài tập 2: Tại sao nói địa hình là yếu tố phi địa đới có tác động đến hầu như tất cả các thành phần tự nhiên trên Trái Đất?

Bài tập 3: Giải thích tại sao các thành phần tự nhiên và các bộ phận lãnh thổ tự nhiên có sự thay đổi trên bề mặt Trái Đất.

Bài tập 4: Tại sao nhiệt độ không khí (lượng mưa, khí áp, thổ nhưỡng, sinh vật...) trên Trái Đất phân bố theo quy luật địa đới và phi địa đới?

Bài tập 5: Tại sao thảm thực vật và đất đài nguyên chỉ có ở nửa cầu Bắc mà không có ở nửa cầu Nam?

Một phần của tài liệu chuyên đề một số quy luật của lớp vỏ địa lí (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(39 trang)
w