CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP TẬN DỤNG CƠ CẤU DÂN SỐ VÀNG ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
3.4 Chính sách an sinh xã hội toàn diện hướng đến đối tượng dân số già
Mặc dù các chính sách đề cập ở trên bàn luận đến việc tận dụng triệt để cơ cấu dân số vàng cho tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới, để tính đến tương lai, sau thời kì dân số vàng,đất nước ta có thể sẽ bước vào thời kì dân số già phát triển ngày càng mạnh mẽ, vì vậy việc quan tâm tới dân số già là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Theo dự báo đã trình bày ở trên, dân số trong độ tuổi lao động ở Việt Nam sẽ giảm dần từ 69,4% (2014) xuống chỉ còn 64,0% vào 2049. Cùng trong khoảng thời gian đó, tỷ lệ dân số cao tuổi sẽ bắt đầu tăng mạnh từ 2019 và đạt mức 18,1% dân số vào 2049.
Đứng trước tốc độ già hóa dân số ngày càng cao, Việt Nam cần tận dụng ở mức cao nhất bộ phận dân số cao tuổi cho quá trình phát triển, cũng như chuẩn bị tốt nhất cho dân số già trong tương lai. Hiện nay, hiện tượng này đã phổ biến ở hầu hết các nước phát triển, trong khi nó cũng đang diễn ra mạnh mẽ ở các nước đang phát triển. Hiện trạng “già hóa trước khi giàu có” đang trở thành thách thức với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Dựa trên thực trạng hệ thống bảo trợ xã hội đã nêu và xu hướng già hóa dân số trong một vài thập kỷ tới, từ nay cho đến năm 2020 và dài hơn nữa, nhóm em xin đề xuất cải cách hệ thống theo hướng đa dạng hóa hình thức bảo trợ với những chú trọng đặc biệt với hệ thống hưu trí và trợ cấp.
Thứ nhất, với hệ thống bảo hiểm xã hội, mở rộng đối tượng tham gia các hình thức bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện, trong đó bảo hiểm tự nguyện phải trở thành cấu phần quan trọng thu hút mọi người dân tham gia. Nói cách khác, sự phát triển của hệ thống bảo hiểm xã hội phải đi theo hướng phổ cập với một thiết kế chung cho cả khu vực chính thức và phi chính thức với khả năng tiếp cận cao cho nhóm đối tượng dễ tổn thương. Để tăng được mức độ tuân thủ và tỷ lệ tham gia của dân chúng, phải có những chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp tạo việc làm, người lao động nỗ lực và tiết kiệm, cũng như tăng hiệu quả phục vụ của các dịch vụ bảo hiểm quan trọng.
Thứ hai, hệ thống trợ cấp xã hội, đặc biệt là hệ thống dành cho người cao tuổi, cần được mở rộng theo hướng phổ cập, đặc biệt là việc mở rộng hệ thống trợ cấp theo hướng
phổ cập tới người cao tuổi vùng nông thôn và nữ giới cao tuổi sẽ có tác động giảm nghèo lớn trong khi chi phí tương đối thấp và phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam ngay cả trong dài hạn. Việc cung cấp mức hưởng thấp hơn với số lượng người hưởng nhiều hơn sẽ có tác động giảm nghèo cao hơn và chi phí thấp hơn so với hệ thống cung cấp mức hưởng cao nhưng số lượng người hưởng ít.
Thứ ba, mặc dù trình độ giáo dục của người cao tuổi được cải thiện trong thời gian qua nhưng phần lớn người cao tuổi chưa từng đi học hoặc không có bằng cấp chuyên môn. Hơn nữa, phần lớn người cao tuổi đang làm việc đều hoạt động trong khu vực sản xuất nông nghiệp hoặc tự làm trong gia đình – các hoạt động không đem lại thu nhập hoặc thu nhập rất thấp – nên họ có rất ít tiết kiệm hoặc không được hưởng hưu trí. Đây là thách thức lớn đối với chính sách bảo trợ xã hội trong việc bảo vệ người cao tuổi trước các rủi ro, đặc biệt về mặt kinh tế. Việc xây dựng và nâng cấp các gói bảo hiểm ưu tiên dành cho người già, đặc biệt những người thuộc nhóm đối tượng trên theo đó trở thành nhiệm vụ quan trọng. Tiếp theo, cần phát triển, đầu tư vào các dịch vụ y tế, trung tâm hỗ trợ chăm sóc người già và các viện dưỡng lão. Giải pháp thứ ba khó và quan trọng nhất, đó là xây dựng các quỹ hưu trí đặc biệt dành cho đối tượng này để cung cấp cho họ một số lượng tiền mặt nhất định, đủ để trang trải cuộc sống ở độ tuổi này, tuy nhiên sự minh bạch rất cần thiết trong quá trình chọn và loại đối tượng được nhận. Đồng thời, nhà nước nên có những biện pháp thúc đẩy để phát triển các loại hình dịch vụ công cộng dành cho người già của tư nhân.
Thứ tư, hệ thống bảo trợ xã hội cần chú trọng đến việc giảm nghèo cho thanh niên và trẻ em – những thế hệ tương lai của Việt Nam – đặc biệt là các khu vực yếu thế. Trên thực tế, tỷ lệ nghèo của trẻ em và thanh niên Việt Nam cao hơn các nhóm dân số khác trong độ tuổi lao động và tương đương với mức nghèo của nhóm dân số cao tuổi nhất. Bên cạnh đó, các nghiên cứu trước đây cho một số nước trong khu vực và báo cáo Điều tra Y tế và Dân số 2014 cho Việt Nam đều tìm thấy điểm chung là thiếu giáo dục và nghèo đói sẽ dẫn đến tỷ lệ chết trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng cao hơn cũng như nguy cơ sinh con ở tuổi vị thành niên nhiều hơn – những nhân tố tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế bởi chúng tạo ra một lực lượng lao động tương lai yếu kém về thể lực và
trí lực. Trong bối cảnh dòng lao động trẻ di cư ngày càng lớn, chính sách bảo trợ xã hội phải trở thành chính sách hỗ trợ chủ yếu đối với các nhóm đối tượng này vì họ là một trong những nhóm người yếu thế nhất của lực lượng lao động.
Cuối cùng, trong dài hạn, Việt Nam cần tổ chức và nâng cao chất lượng các nhà dưỡng lão hoặc trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đây là chính sách cần thiết để đón nhận dòng người cao tuổi ngày càng lớn và giảm áp lực cho lực lượng lao động trong bối cảnh người cao tuổi ngày càng phải sống độc lập hơn với con cái hoặc người thân thuộc.
KẾT LUẬN
Đánh giá bối cảnh của Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế về năng lực tài chính và quản lý, nhóm khuyến cáo Việt Nam cần phải lựa chọn các ưu tiên cho từng giai đoạn cụ thể. Với giai đoạn 2011 - 2020, cần tập trung chính sách vào các vấn đề như: nâng cao chất lượng chăm sóc dịch vụ chăm sóc bà mẹ cả trước và trong thời kì có thai, dinh dưỡng trẻ em, chất lượng giáo dục; vấn đề chất lượng dân số trong độ tuổi lao động; vấn đề chính sách và chương trình an sinh xã hội toàn diện để giải quyết các rủi ro có thể nảy sinh trong quá trình chuyển đổi kinh tế.
Cùng với việc tận dụng cơ hội dân số "vàng", Việt Nam cũng cần vạch ra các chiến lược, chính sách, chương trình dài hạn khi cơ hội đó kết thúc, đặc biệt khi dân số bước vào thời kỳ già hóa. Biến đổi cơ cấu tuổi dân số tác động đến tiết kiệm, đầu tư, tăng trưởng kinh tế và quan hệ kinh tế, xã hội giữa các thế hệ như thế nào vẫn là một câu hỏi nghiên cứu lớn chưa được thực sự quan tâm ở Việt Nam.
Nghiên cứu này thực sự là một tài liệu hữu ích cho những nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến sự phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách, nhằm tận dụng thành công cơ hội dân số "vàng", lựa chọn, tạo ra hướng đi đúng đắn, vững chắc cho sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.