CHƯƠNG III: NHỮNG BÀI HỌC VÀ KINH NGHIỆM CHO ASEAN VÀ VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Brexit và tác động của nó đến hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 26 - 29)

ASEAN VÀ VIỆT NAM

Tương tự EU, các nước ASEAN thiết lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) trong những năm đầu thập niên 1990, AFTA tạo điều kiện để các nước thành viên hưởng lợi từ thương mại và đầu tư nội khối. Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã đánh dấu một nỗ lực thúc đẩy sự tự do hóa thương mại và dịch vụ trong Hiệp hội.

ASEAN với mô hình và phương thức hoạt động tuy có khác biệt so với EU, nhưng cũng đang nhắm tới mô hình EU như một tấm gương để học tập ở cả những bài học hay và cả những kinh nghiệm tiêu cực. Vì thế, quyết định rời EU của cử tri Anh (Brexit) đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để ASEAN cân nhắc tiến trình hội nhập. Châu Âu hậu Brexit chính là bài học về phương hướng và việc định hướng trong tương lai cho nhóm các nước thành viên ASEAN nói riêng cũng như cả châu Á.

Bài học chính từ Brexit đối với châu Á là phải theo đuổi hợp tác lâu dài trong khu vực mà không cần phải hội nhập bằng mọi giá. ASEAN đã trở thành điểm tựa cho việc xây dựng kiến trúc khu vực ở châu Á, nhưng thành công chưa thể sánh với EU. Nếu châu Âu đã tiến quá xa trong hội nhập kinh tế và liên minh chính trị, thì ASEAN mới chỉ đang tiến từng bước. Vẫn cần phải làm nhiều hơn trong việc thể chế hóa các không gian hợp tác của ASEAN. Một thành tựu của ASEAN gần đây là sự ra đời của Cộng đồng ASEAN. Tuy nhiên, ASEAN hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Các khó khăn và thách thức chủ yếu xuất phát từ khác biệt về thiết chế chính trị, về nhận thức trong một số vấn đề như quan niệm về an ninh, quan hệ chủ quyền quốc gia và dân chủ, nhân quyền; mâu thuẫn về chủ quyền và lãnh thổ giữa các nước thành viên chưa được giải quyết; các thách thức xuyên quốc gia như suy thoái môi trường, dịch bệnh, khủng bố, hàng hải, cướp biển, biến động tài chính… Khu vực ASEAN hiện đang là nơi có nhiều điểm nóng có thể trở thành xung đột, thế chiến III như các tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Về phương cách hội nhập, ASEAN cần có những lựa chọn phát triển của riêng mình và không nên theo đuổi một hình mẫu mang tính rập khuôn nào. Thực tế, chính việc EU quá cứng nhắc trong các nguyên tắc hoạt động đã khiến các thành viên EU bị giới hạn về phạm vi hoạt động. Một khuôn khổ cởi mở cho các trao đổi và tranh luận cũng bị giới hạn theo hướng hành chính hóa và ràng buộc về những điều kiện hội nhập. Trước những hạn chế đó, ASEAN cần chú trọng linh hoạt trong phương cách ứng xử với các thành viên cũng như tôn trọng các giá trị văn hóa và bản sắc riêng của từng quốc gia.

Việc can thiệp quá sâu vào nội bộ quốc gia có khả năng tạo nên những phản ứng không tích cực và gây nên tâm lý bất mãn trong nội bộ khối. Ở phương diện nào đó, những nguyên tắc mà ASEAN theo đuổi đều phản ánh tính chất linh hoạt và thực dụng để phù hợp với sự vận động của thời đại. Các quốc gia thành viên ASEAN vẫn giữ được quyền tự chủ về đối nội và đối ngoại. Quan trọng là trong khi EU hội nhập cả về kinh tế và chính trị thì ASEAN đặt trọng tâm hội nhập trên phương diện kinh tế và không hướng đến một tham vọng “siêu nhà nước” như EU. Với ASEAN, các hoạt động dựa trên phương cách đồng thuận, không có việc biểu quyết đa số hoặc bất kỳ cơ chế giải quyết tranh chấp có hiệu lực nào, chủ quyền quốc gia được duy trì tốt.

Trong bối cảnh ASEAN đang nỗ lực gắn kết để trở thành một Cộng đồng ASEAN đúng nghĩa thì việc đặt người dân vào trọng tâm trong quá trình hội nhập có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực tế, các chính sách của ASEAN cần xuất phát và hướng đến người dân, thay vì phục vụ cho mục tiêu của giới lãnh đạo. Hay nói cách khác, người dân phải thật sự nhận thức được tính gắn kết của quốc gia trong ASEAN như là cơ sở để hội nhập và phát triển. Trên cơ sở đó, chính người dân sẽ là lực lượng giữ vai trò quan trọng thúc đẩy tính hiệu quả của ASEAN. Do đó, ASEAN cần đảm bảo tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích cho nhân dân trước tiên.

Đối với ASEAN, đây cũng là lúc để xem xét có thể hội nhập chính trị và kinh tế đến mức nào và châu Âu đã thu lại được những gì từ điều này. Brexit sẽ dẫn đến việc châu Á được chú ý nhiều hơn khi sự dịch chuyển quyền lực và của cải toàn cầu sang khu vực đông dân nhất hành tinh, có diện tích đất liền lớn nhất và sở hữu tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất

thế giới. Các nước ASEAN cần thận trọng trong việc hội nhập về chính trị, an ninh cũng như trong một số lĩnh vực nhạy cảm như di cư hay thị trường lao động và thực tế là ASEAN cũng có mức độ hội nhập chọn lọc và hạn chế hơn so với EU.

Với việc Việt Nam tham gia vào AEC đầu năm 2016 là một bước tiến quan trọng nhất trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu của nước ta. Tuy nhiên, đứng trước cánh cửa hội nhập AEC, ngoài những cơ hội sẽ đan xen không ít thách thức. Nếu biết tận dụng tốt cơ hội từ AEC thì kinh tế Việt Nam có thể bứt phá ngoại mục, khẳng định vị thế nền kinh tế lớn trong khu vực và vươn ra thế giới. Nếu không, cơ hội sẽ trở thành thách thức. Và từ thách thức trong khu vực sẽ buộc chúng ta phải thay đổi, phải vượt lên chính mình lẫn đối thủ cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội.

Với Việt Nam, bài học mà Brexit mang đến là sự thận trọng trong việc lựa chọn đường hướng phát triển quốc gia trên cơ sở cân nhắc tính hợp lý giữa lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế. Đặc biệt, cần chú ý đến tăng cường nhận thức của người dân về vai trò, vị thế của quốc gia trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa gắn liền với chủ nghĩa khu vực. Ngoài ra, các quốc gia không thể tồn tại và phát triển một cách biệt lập mà luôn cần tìm kiếm lợi ích riêng trong lợi ích chung. Với thế và lực của mình, Việt Nam có thể hướng đến vị thế của một cường quốc tầm trung trong khu vực thông qua việc tích cực đóng góp vào quá trình hội nhập và phát triển của ASEAN.

Như vậy, trước mắt, Việt Nam cần phát huy vai trò tiên phong trong việc đề xuất và thúc đẩy các sáng kiến khu vực, giữ vai trò điều hòa quan hệ quốc tế tại khu vực với tư cách là một thành viên năng động, tích cực và chủ động.

Để làm được điều đó, cần xây dựng và phát triển một nguồn nhân lực chất lượng cao và chủ động trong hội nhập quốc tế, đồng thời vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này cũng vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm nặng nề của các trường đại học Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế.

Một phần của tài liệu Brexit và tác động của nó đến hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(30 trang)
w