Biện pháp chống bán phá giá

Một phần của tài liệu tiểu luận kinh tế học quốc tế II phân tích những tác động của hiệp định thương mại CPTPP và EVFTA đến ngành nông nghiệp việt nam (Trang 30 - 33)

CHƯƠNG 4: GIẢI PHÁP GIÚP NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TẬN DỤNG TỐT CƠ HỘI VÀ VƯỢT QUA THÁCH THỨC

4.1.2.Biện pháp chống bán phá giá

Đây là biện pháp để đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh.

a. Chủ động phòng chống các vụ kiện bán phá giá của nước ngoài

Chính phủ tích cực triển khai đàm phán song phương,đa phương để tranh thủ nhiều nước thừa nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, do đó không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với Việt Nam.

Dự báo danh mục các ngành hàng và các mặt hàng Việt Nam có khả năng bị kiện phá giá trên cơ sở rà soát theo tình hình sản xuất,xuất khẩu từng ngành hàng của Việt Nam và cơ chế chống bán phá giá của từng quốc gia để từ đó có sự phòng tránh cần thiết.

Xây dựng chiến lược đa dạng hoá sản phẩm và đa phương hoá thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một nước vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện bán phá giá. Theo hướng đó các doanh nghiệp cần chú trọng đến các thị trường lớn (Trung Quốc, Nhật Bản..) các thị trường mới nổi (Hàn Quốc, Úc..) các thị trường mới (SNG, Trung Đông, Nam Phi…). Bên cạnh đó cần tăng cường khai thác thị trường nội địa – một thị trường có tiềm năng phát triển. Đây là những kinh nghiệm ta đã rút ra được từ các vụ kiện bán phá giá cá tra, cá basa của Mỹ trước đây.

Tăng cường áp dụng các biện pháp cạnh tranh phi giá để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu thay cho cạnh tranh bằng giá thấp. Đó là phải đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh các dịch vụ hậu mãi, tiếp thị quảng cáo, áp dụng các điều kiện mua bán có lợi cho khách hàng…

Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường xuất khẩu,về luật thương mại quốc tế,luật chống bán phá giá của các nước… và phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp các thông tin cần thiết nhằm tránh những sơ hở dẫn đến các vụ kiện.

b. Các giải pháp đối phó với vụ kiện chống bán phá giá đã xảy ra

* Về phía chính phủ: cần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong kháng kiện

Thành lập quỹ trợ giúp theo đuổi các vụ kiện để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp kháng kiện. Đồng thời, cung cấp cho các doanh nghiệp các thông tin cần thiết về các thủ tục kháng kiện, giới thiệu các luật sư giỏi ở nước sở tại có khả năng giúp cho doanh nghiệp thắng kiện…

* Về phía các hiệp hội ngành hàng: cần phát huy vai trò là tổ chức tập hợp và tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành nhằm nâng cao năng lực kháng kiện của các doanh nghiệp.

Thông qua hiệp hội quy định hành vi bảo vệ lẫn nhau, phối hợp giá cả trên thị trường, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh có thể tạo ra cớ gây ra các vụ kiện của nước ngoài.

Thiết lập cơ chế phối hợp trong tham gia kháng kiện và hưởng lợi khi kháng kiện thành công để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia kháng kiện.

* Về phía các doanh nghiệp: cần chủ động theo đuổi các vụ kiện khi bị nước ngoài kiện bán phá giá.

Hoàn thiện hệ thống sổ sách chứng từ kế toán phù hợp với các quy định của luật pháp và chuẩn mực quốc tế, lưu trữ đầy đủ hồ sơ về tình hình kinh doanh nhằm chuẩn bị sẵn sàng các chứng cứ, các lập luận chứng minh không bán phá giá của doanh nghiệp, tổ chức nhân sự, dự trù kinh phí, xây dựng các phương án bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp…

Tạo ra những mối liên kết với các tổ chức lobby để vận động hành lang nhằm lôi kéo những đối tượng có cùng quyền lợi ở nước khởi kiện ủng hộ mình. Như trong vụ kiện tôm đã có “Liên minh hành động ngành thương mại công nghiệp tiêu dùng Mỹ” (CITAC) “Hiệp hội các nhà nhập khẩu và phân phối tôm Mỹ” (ASDA) đứng về phía các doanh nghiệp Việt Nam chống lại vụ kiện bán phá giá của Mỹ.

Chủ động thương lượng với chính phủ của nước khởi kiện thực hiện cam kết giá nếu doanh nghiệp thực sự có hành vi phá giá, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp cùng ngành hàng của nước nhập khẩu. Cam kết giá là việc nhà sản xuất, xuất khẩu cam kết sửa đổi mức giá bán (tăng giá lên) hoặc cam kết ngừng xuất khẩu với giá bị coi là bán phá giá hàng hoá. Đây là một thoả thuận tự nguyện giữa các nhà sản xuất, xuất khẩu và nước nhập khẩu. Khi một cam kết giá được chấp thuận. quá trình điều tra sẽ chấm dứt. Hiện nay, cam kết giá được coi là một biện pháp đối phó chủ động của các nước xuất khẩu trong các vụ kiện chống bán phá giá, đặc biệt đối với các sản phẩm công nghiệp. Trong giai đoạn 1995-2001 trên thế giới đã có 34 nước thực hiện cam kết giá, trong đó có 10 nước chưa phải là thành viên WTO. Cam kết giá có ưu điểm là nhanh chóng hơn và ít tốn kém hơn so với việc phải hoàn tất cuộc điều tra của cơ quan điều tra về bán phá giá. Hơn nữa các nhà sản xuất, xuất khẩu ở nước bị kiện sẽ được hưởng phần lớn chênh lệch trước và sau cam kết tăng giá bán thay cho việc

nộp thuế chống bán phá giá cho nước nhập khẩu. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu lúc này cũng phải đối mặt với việc giảm khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu,chấp nhận thực hiện các thủ tục hành chính nghiêm ngặt và phức tạp hơn trong giao dịch xuất khẩu… Vì vậy cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố về kinh tế, xã hội, luật pháp, khả năng cạnh tranh… trước khi thực hiện biện pháp này.

Một phần của tài liệu tiểu luận kinh tế học quốc tế II phân tích những tác động của hiệp định thương mại CPTPP và EVFTA đến ngành nông nghiệp việt nam (Trang 30 - 33)