Nghĩa của việc duy trì tính bền vững của nợ công

Một phần của tài liệu Phương pháp đánh giá tính bền vững của nợ công và các nhân tố ảnh hưởng đến tính bền vững của nợ công (Trang 28 - 32)

Tính bền vững của nợ công giúp một đất nước phát triển kinh tế- xã hội một cách ổn định bền vững, tránh được các thiệt hại nặng nề của việc nợ công tăng quá cao, cụ thể như:

2.1Ổn định nền kinh tế chính trị

Khi nợ công quá lớn, việc thắt chặt chi tiêu, thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" để giảm thâm hụt ngân sách là điều kiện phải đáp ứng để được nhận sự hỗ trợ cần thiết từ các tổ chức tín dụng quốc tế, thế nhưng, "thắt lưng buộc bụng" lại dẫn tới những cuộc biểu tình phản đối của quần chúng, gây căng thẳng, bất ổn chính trị, xã hội, bởi những người nghèo, những người yếu thế trong xã hội là những người bị tác động mạnh nhất từ chính sách cắt giảm phúc lợi, cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Chẳng hạn, để được nhận gói cứu trợ nhằm giải quyết khủng hoảng nợ, Chính phủ Hy Lạp đã phải quyết định tăng nhiều loại thuế, từ thuế giá trị gia tăng đến thuế thu nhập, thuế bất động sản; và đánh thuế vào nhiều sản phẩm như rượu, thuốc lá…, đồng thời chấp nhận áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh tay. Để phản đối chính sách này của chính phủ, các cuộc tổng đình công đã diễn ra, hàng chục ngàn người đã tham gia biểu tình trên khắp đất nước Hy Lạp, nhất là tại thủ đô A-ten. Cách đây 14 năm, năm 2001, Argentina đã phải đối mặt với tình trạng rối loạn nghiêm trọng do các làn sóng biểu

tình khắp nơi phản ứng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", để rồi Tổng thống Argentina khi đó là ông Fernando de la Rúa đã phải từ chức, và 4 ngày sau đó, người kế nhiệm là Adolfo Rodríguez Saá phải tuyên bố tình trạng vỡ nợ quốc gia, với khoản nợ 90 tỉ USD – mức nợ lớn nhất trong lịch sử đất nước này.

2.2Ổn định ngân sách để chống chọi với các cuộc khủng hoảng

Trong thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế toàn cầu mới thoát khỏi khủng hoảng, bắt đầu có dấu hiệu phục hồi do kết quả của các gói kích thích kinh tế mà chính phủ các nước đã chi ra trong những năm trước đây, thì việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế sẽ làm giảm đầu tư, kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế, làm chậm tốc độ tăng trưởng, thậm chí có thể đẩy nền kinh tế vào "khủng hoảng kép". Nghiêm trọng hơn, việc tung ra các gói kích thích kinh tế chính là một trong những nguyên nhân làm tăng nợ công của các chính phủ, vậy nếu như khủng hoảng “tái xuất” thì liệu các chính phủ có còn đủ khả năng xoay sở, cứu vãn nền kinh tế của mình? Vấn đề đặt ra cho các chính phủ là phải chèo lái để giải quyết được thâm hụt ngân sách nhưng không đẩy nền kinh tế trở lại tình trạng suy thoái, trong khi các biện pháp để giải quyết hai vấn đề này lại có tác động không thuận chiều.

2.3Giải quyết nạn đầu cơ – nguy cơ kéo sụp cả hệ thống kinh tế

Khi nợ công liên tục tăng cao, nền kinh tế bị hạ bậc tín nhiệm theo báo cáo của các tổ chức chuyên đi đánh giá tín nhiệm các công ty và quốc gia khác, niềm tin của người dân và giới đầu tư bị lung lay, khi đó nền kinh tế dễ trở thành mục tiêu tấn công của các thế lực đầu cơ quốc tế. Thí dụ, đối với Hy Lạp, khi tổ chức xếp hạng tín dụng Standard &Poor’s hạ bậc tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ của Athens, các quỹ đầu tư lớn lập tức bán ra loại trái phiếu này, đồng thời từ chối mua vào trong các đợt phát hành tiếp theo. Nếu chính phủ muốn huy động tiền từ thị trường tài chính sẽ phải chấp nhận chi phí vốn cao hơn và sau đó, rơi vào vòng xoáy: tiếp tục bị tụt bậc tín nhiệm. Việc đưa ra xếp hạng tín nhiệm trong thời điểm nhạy cảm, dễ tổn thương của

nền kinh tế có nguy cơ làm cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng, có tác dụng như một "cú huých", đẩy nền kinh tế lún sâu thêm vào khó khăn, bế tắc

2.4Củng cố sự độc lập về chính trị và tăng niềm tin của dân chúng vào khả năng lãnh đạo của bộ máy nhà nước:

Các quốc gia phải chịu sức ép từ phía chủ nợ và các tổ chức tài chính quốc tế về việc phải thắt chặt chi tiêu, tăng thuế, giảm trợ cấp xã hội, và xa hơn nữa là những yêu cầu về cải cách thể chế, thay đổi bộ máy quản lý, thay đổi các định hướng kinh tế... Ngoài ra, việc lệ thuộc quá nhiều vào các khoản vay nợ nước ngoài cũng sẽ làm giảm vị thế của quốc gia trong các mối quan hệ song phương, đa phương với các đối tác là các nước chủ nợ.

Còn khi nợ công cao đến ngưỡng mà Chính phủ không thể trả nổi và buộc phải tuyên bố vỡ nợ, nền kinh tế trong nước sẽ suy sụp, mà biểu hiện là:

- Thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ và điểm tín dụng xuống cấp thê thảm.

- Mọi cơ chế tài chính sẽ đóng cửa. Tiền mất giá, lạm phát leo thang, trái phiếu và đồng nội tệ sẽ chỉ còn là mớ giấy lộn. Tiền gửi trong ngân hàng sẽ“bốc hơi” vì mất giá trị.

- Mọi chương trình do chính phủ tài trợ đều ngưng hoạt động (y tế, cảnh sát, an ninh, quốc phòng, giáo dục, cầu, đường, năng lượng v…v…). Quỹ hưu trí tan vỡ, nhà thương, trường học ngưng hoạt động.

- Các thương vụ đóng cửa và nạn thất nghiệp tràn lan. Mọi mặt hàng khan hiếm kể cả nhu yếu phẩm. Giá cả tăng vọt. Đời sống của người dân sẽ bị đảo lộn hoàn toàn.

- Nội loạn sẽ xảy ra và không có người để duy trì trật tự công cộng. Nạn đói và cướp bóc sẽ xảy ra. Hiện tượng vô kỷ luật, vô trật tự, vô tổ chức sẽ hoành hành.

Đó là trong ngắn hạn. Còn dài hạn thì con cháu của quốc gia đó sẽ phải trả nợ – có thể suốt đời, và nhiều thế hệ. Tiền trả các món nợ đó sẽ cướp đi cơ hội đầu tư để phát triển đất nước. Quốc gia đó sẽ tiếp tục đi giật lùi so với đà phát triển của thế giới, và có

thể bị chi phối, khai thác, thao túng bởi những thành phần xấu trong cộng đồng dân tộc cũng như ngoại bang. Vì vậy việc duy trì tính bền vững của nợ công hết sức quan trọng với mỗi quốc gia.

KẾT LUẬN

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra ngày một mạnh mẽ, nợ công là một yếu tố cần thiết thúc đẩy phát triển của quốc gia. Nợ công làm gia tăng nguồn lực cho nhà nước, từ đó tạo điều kiện cho nhà nước tăng cường nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng và tăng khả năng đầu tư đồng bộ của nhà nước. Bên cạnh đó, huy động nợ công còn góp phần tận dụng được nguồn tài chính nhàn rỗi trong dân cư. Một bộ phận dân cư trong xã hội có các khoản tiết kiệm, thông qua việc Nhà nước vay nợ mà những khoản tiền nhàn rỗi này được đưa vào sử dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cho cả khu vực công lẫn khu vực tư. Hơn thế nữa nợ công còn tận dụng được sự hỗ trợ từ nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế. Tài trợ quốc tế là một trong những hoạt động kinh tế – ngoại giao quan trọng của các nước phát triển muốn gây ảnh hưởng đến các quốc gia nghèo, cũng như muốn hợp tác kinh tế song phương.

Nợ công vừa có nhiều tác động tích cực nhưng cũng có một số tác động tiêu cực. Nhận biết những tác động tích cực và tiêu cực nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực là điều hết sức cần thiết trong xây dựng và thực hiện pháp luật về quản lý nợ công.. Kiểm soát nợ công, duy trì tính bền vững của nợ công là một bài toán khó cho các cấp lãnh đạo, song lại là nhân tố cần thiết cho các nước nếu muốn duy trì sự tăng trưởng nhanh và bền vững cho quốc gia.

Một phần của tài liệu Phương pháp đánh giá tính bền vững của nợ công và các nhân tố ảnh hưởng đến tính bền vững của nợ công (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(33 trang)
w