Một số giải pháp:

Một phần của tài liệu Thực trạng tổ chức thực hiện chính sách quản lý nợ công ở việt nam (Trang 28 - 32)

PHẦN III MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ

I.10 Một số giải pháp:

Để chính sách quản lý nợ công ở Việt Nam được thực hiện một cách nghiêm túc, kỉ luật; nợ công được quản lý chặt chẽ từ khâu vay nợ, sử dụng và thanh toán nợ đến hạn; nâng cao hiệu quả sử dụng, giữ vững uy tín quốc gia trong thanh toán nợ; đảm bảo an ninh tài chính đối với các khoản nợ công, hạn chế rủi ro, cần thực hiện tốt những điều sau:

Một là, Việt Nam cần quan tâm hơn đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của mình từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”. Hệ số ICOR của Việt Nam cao hơn đáng kể so với các nước có cùng trình độ phát triển. Chính vì vậy, lợi ích từ tăng trưởng và tăng thu ngân sách chưa bù đắp được các chi phí liên quan đến gia tăng đầu tư công và nợ công, ít nhất là trong ngắn hạn. Rõ ràng, khi tư duy chính sách chuyển dần sang hướng kiến tạo phát triển, dư địa chính sách cho đầu tư công sẽ không còn nhiều nữa và đầu tư công sẽ phải được thực hiện hiệu quả hơn, qua đó giảm áp lực đối với nợ công.

Hai là, Việt Nam phải quan tâm hơn đến kỷ luật ngân sách, nhất là liên quan đến chi tiêu công và đầu tư công. Bên cạnh những hệ lụy đối với bất ổn kinh tế vĩ mô, đầu tư công đang gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Siết chặt kỷ luật đầu tư công và chi tiêu công sẽ làm giảm quy mô chi ngân sách cần thiết để đạt các mục tiêu phát triển, qua đó giúp thâm hụt ngân sách và nợ công trở nên bền vững hơn. Nếu không kiểm soát, ngay cả các nước phát triển ở khu vực đồng Euro còn rơi vào khủng hoảng, kể cả khi được cứu trợ dưới nhiều hình thức. Trong điều kiện của Việt Nam, các biện pháp cứu trợ như vậy sẽ không có nhiều và định hướng tốt là kiểm soát chi ngân sách thay vì tiếp tục duy trì cung cách chi tiêu công và đầu tư công như hiện nay. Tăng kỷ luật chi tiêu công và đầu tư công gồm nhiều nhóm biện pháp, bao gồm cả nâng cao hiệu quả DNNN, tái cấu trúc đầu tư công, xác định các mục tiêu ưu tiên phát triển phù hợp, v.v…

Ba là, Chính phủ cần xây dựng kế hoạch chiến lược về vay nợ công trên cơ sở và phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch thu, chi ngân sách nhà nước trong từng giai đoạn, thời kỳ. Kế hoạch chiến lược về vay nợ công xác định rõ mục đích vay (vay nợ để tài trợ thâm hụt ngân sách, tái cơ cấu nợ và cho vay lại hoặc vay để tài trợ cho các chương trình, dự án đầu tư quan trọng, hiệu quả, vay nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia), mức huy động vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn theo từng đối tượng vay trong nước và ngoài nước, với hình thức huy động vốn và lãi suất thích hợp. Kế hoạch chiến lược về vay nợ công cũng cần chỉ rõ đối tượng sử dụng các khoản vay, hiệu quả dự kiến; xác định chính xác thời điểm vay, số vốn vay từng giai đoạn, tránh tình trạng tiền vay không được sử dụng trong thời gian dài hoặc chưa thực sự có nhu cầu sử dụng.

Bốn là, đảm bảo tính bền vững về quy mô và tốc độ tăng trưởng của nợ công, có khả năng thanh toán trong nhiều tình huống khác nhau và hạn chế rủi ro, chi phí. Muốn vậy, cần thiết lập ngưỡng an toàn nợ công; đồng thời thường xuyên đánh giá các rủi ro phát sinh từ các khoản vay nợ Chính phủ trong mối liên hệ với GDP, thu ngân sách nhà nước, tổng kim ngạch xuất khẩu, cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối, dự trữ tài chính, quỹ tích lũy để trả nợ…

Năm là, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay về cho vay lại và các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Chính phủ vay về cho vay lại và bảo lãnh vay là các hoạt động thường phát sinh khi doanh nghiệp cần huy động một lượng vốn lớn trên thị trường vốn quốc tế, nhưng không đủ uy tín để tự mình đứng ra vay nợ. Khi đó, Chính phủ có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận được với các nguồn vốn quốc tế với quy mô lớn, lãi suất thấp. Các khoản vay và bảo lãnh này thực chất là nghĩa vụ ngân sách dự phòng, làm nảy sinh nguy cơ ngân sách nhà nước phải trang trải các khoản nợ của khu vực doanh nghiệp trong tương lai, khi doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc mất khả năng thanh toán. Nguy cơ này sẽ càng cao hơn nữa khi Chính phủ vay và phát hành bảo lãnh không dựa trên những phân tích thận trọng về mức độ rủi ro cũng như năng lực trả nợ của doanh nghiệp. Do đó, việc vay về cho vay lại và bảo lãnh vay cần hết sức thận trọng, chỉ nên ưu tiên cho các chương trình, dự án trọng điểm của Nhà nước hoặc thuộc các lĩnh vực ưu tiên cao của quốc gia. Kiểm soát chặt chẽ các khoản vay nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và việc cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay nợ trong nước; khuyến khích phát triển mô hình hợp tác công - tư (PPP).

Sáu là, nâng cao hiệu quả và tăng cường kiểm soát việc sử dụng vốn vay, vốn được Chính phủ bảo lãnh. Đây là vấn đề cốt yếu đảm bảo cho khả năng trả nợ và tính bền vững của nợ công. Chính phủ là người đứng ra vay nợ, nhưng không phải là người sử dụng cuối cùng các khoản vốn vay, mà là các chủ dự án, các đơn vị thụ hưởng ngân sách, các doanh nghiệp... ; trong mọi trường hợp, ngân sách nhà nước phải gánh chịu hậu quả, rủi ro trong toàn bộ quá trình vay nợ. Để bảo đảm hiệu quả trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay cần phải tuân thủ 2 nguyên tắc cơ bản là: không vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn, vay thương mại nước ngoài chỉ sử dụng cho các chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp và bảo đảm khả năng trả nợ; đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên quá trình sử dụng các khoản vay nợ, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, nhất là tại các đơn vị sử dụng trực tiếp vốn vay như: tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.

Bảy là, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nợ công. Việc công khai, minh bạch nhằm tăng cường trách nhiệm trong quản lý, sử dụng các khoản nợ công và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nợ công. Để thực hiện tốt nguyên tắc quan trọng đó, nợ công cần phải được tính toán, xác định đầy đủ

trong quyết toán ngân sách nhà nước và phải được cơ quan chuyên môn độc lập kiểm tra, xác nhận.

Tám là, hằng năm, cập nhật diễn biến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, sự thay đổi thị trường trong và ngoài nước… để chủ động xây dựng phương án điều chỉnh tổng mức vay và hạn mức nợ tương ứng để đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia

Cuối cùng, Việt Nam cần đẩy mạnh quá trình hợp tác với các nước khác nhằm hướng tới bảo đảm an ninh tài chính chung ở khu vực. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, những khó khăn tài chính ở các quốc gia xung quanh sẽ nhanh chóng gây ra các tác động lây lan đối với nền kinh tế Việt Nam và ngược lại. Chính vì vậy, chủ động hợp tác vì an ninh tài chính ở khu vực sẽ là một định hướng tốt nhằm nâng cao khả năng ứng phó với rủi ro liên quan, trong đó có rủi ro nợ công.

KẾT LUẬN

Như vậy, có thể khẳng định rằng, nợ công là một vấn đề vô cùng nhức nhối đối với nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế vừa chân ướt chân ráo bước từ khu vực các nước nghèo để bước sang khu vực của mức thu nhập trung bình. Nợ công, vì vậy, là con dao hai mặt, là chiếc bẫy vô hình đặt trước ngay trước cửa ngõ của con đường quá độ, chuyển mình và phát triển của nền kinh tế nước nhà, và nó hoàn toàn có thể kéo tụt chúng ta quay trở lại là một nước nghèo bất kì lúc nào.

Do đó, quản lý nợ công sẽ vấn đề then chốt với Nhà nước, Chính phủ nước ta nói chung, các Bộ, Ban ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, … nói riêng. Đánh giá đúng các nhu cầu về vốn nợ, xây dựng các “sân chơi” nợ công có nguyên tắc, xây dựng các chính sách quản lý nợ công hợp lý, tuân thủ các chính sách đó một cách kỷ luật và nghiêm túc để các thành phần trong kinh tế có thể tận dụng nguồn lực nợ công là điều hết sức khó khan với các cơ quan hữu quan, nhưng đó là điều cần thiết để giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển một cách bền vững.

Một phần của tài liệu Thực trạng tổ chức thực hiện chính sách quản lý nợ công ở việt nam (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(32 trang)
w