Hiện nay, nền kinh tế thế giới đang phục hồi và tăng trưởng chậm đã tạo tín hiệu tích cực đối với lĩnh vực dệt may Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may bước vào năm 2017 với nhiều tác động bất lợi từ các thị trường XK chính như việc ký kết TPP với Mỹ không đạt như kỳ vọng, hậu Brexit của Anh vẫn còn ảnh hưởng đến thị trường… Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, các DN trong ngành đã nhanh chóng cải thiện hệ thống sản xuất, tập trung vào một số mặt hàng thế mạnh, đồng thời đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường nên tình hình XK của ngành được cải thiện đáng kể.
Trong thời gian qua, mặc dù xuất hiện xu hướng dịch chuyển đơn hàng XK dệt may sang một số thị trường lân cận có chi phí sản xuất cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại cho sự phát triển của ngành dệt may trong giai đoạn tới vì doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn hoàn toàn đủ sức cạnh tranh, không lo mất đơn hàng sang các thị trường khác. Hiện tại, chúng ta đang có lợi thế nhất định để đẩy mạnh tăng trưởng và đạt mức cao trong nhóm những nước xuất khẩu dệt may. Tay nghề của người lao động trong ngành ngày một nâng cao, năng suất được cải thiện, chất lượng ngày càng tốt hơn và quan trọng là uy tín của doanh nghiệp với các đối tác mua hàng khá tốt. Mối quan hệ với các khách hàng, nhà mua hàng và cung cấp sản phẩm lớn trên thế giới đều ưu tiên và lựa chọn Việt Nam, chỉ chuyển một số đơn hàng nhỏ sang các nước như Myanmar, Campuchia. Hơn nữa, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành đang từng bước đầu tư công nghệ mới, thiết bị tự động, nâng cao năng suất từ đó dùng lợi nhuận tái đầu tư cho công nghệ mới, cải thiện hệ thống sản xuất, tập trung vào một số mặt hàng thế mạnh, bắt kịp xu hướng phát triển nhanh của thế giới để đáp ứng nhu cầu thị trường,, nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới.
Mặc dù có những triển vọng phát triển rất khả quan của thị trường dệt may trong thời gian tới, tuy nhiên ngành dệt may đã, đang và sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức chủ quan và khách quan, cản trở mục tiêu mở rộng sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu của toàn ngành. Trong đó thách thức lớn nhất là áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Myanmar, Campuchia... vì trên thực tế, các nước này không chỉ đột phá về thị phần xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước, các chính sách về bảo hiểm, đất đai, thuế... đều thấp. Trong khi đó, tại Việt Nam các chi phí này đều cao hơn các nước bạn. Do vậy, dù kim ngạch, doanh thu của ngành dệt may có tăng trưởng thì lợi nhuận sẽ không cao. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của ngành dệt may cũng chưa
thực sự thuận lợi, xu hướng thời trang nhanh khiến yêu cầu về thời gian giao hàng ngày một ngắn lại, từ 30 - 45 ngày xuống còn 15 ngày cũng tạo áp lực lớn cho nhà sản xuất.