Hồi kết của cuộc khủng hoảng

Một phần của tài liệu Cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba (Cuban missile crisis) (Trang 25 - 27)

Ngày 11/11/1962, Khrushchev viết thư gửi Kennedy. Trong thư, ngoài việc biểu thị sự bất bình của mình, Khrushchev đã có biểu hiện xuống thang khi cho biết nếu Mỹ bảo đảm không xâm lược Cuba, Liên Xô sẽ đồng ý về nguyên tắc việc rút Il-28 khỏi Cuba. Ngay ngày hôm sau, Kennedy đã trả lời rằng nếu Liên Xô đồng ý rút các máy bay ném bom Il-28 khỏi Cuba trong 30 ngày, Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với Cuba. Ngày 13/11, Khrushchev lại viết một bức mật thư khác gửi Kennedy, đề nghị việc rút Il-28 khỏi Cuba sẽ diễn ra trong 2-3 tháng và yêu cầu Mỹ đình chỉ việc giám sát đường không đối với Cuba và ký hiệp định cùng Cuba với sự tham gia của Tổng Thư ký LHQ, U Thant.

Lãnh tụ Cuba, Fidel Castro và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev

Tuy nhiên, Kennedy vẫn kiên quyết yêu cầu Liên Xô phải rút Il-28 khỏi Cuba trong 30 ngày và cam kết không vận chuyển vũ khí tiến công đến Cuba nữa. Chỉ có như vậy, Mỹ mới có thể xem xét việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với Cuba. Đồng thời, Kennedy còn đưa ra tối hậu thư, yêu cầu Khrushchev phải trả lời thỏa mãn điều kiện của Mỹ trong vòng 24 giờ. Kennedy bỏ lửng, không nói rõ hậu quả sẽ ra sao trong trường hợp Khrushchev không đáp ứng yêu cầu của tối hậu thư. Nhưng trên thực tế, Lầu Năm góc lập tức tăng cường giám sát đường không và tuần tra trên biển đối với Cuba. Kết quả, Khrushchev lại phải nhượng bộ một lần nữa. Đêm 19/11, Khrushchev viết tiếp một bức mật thư nữa gửi Kennedy, đồng ý rằng Liên Xô sẽ rút Il-28 khỏi Cuba trong 30 ngày nhưng với điều kiện Mỹ phải dỡ bỏ lệnh phong toả đối với Cuba.

Tàu khu trục Barry của Mỹ giám sát tàu chỏ máy bay Anosov của Liên Xô ở Đại Tây Dương ngày 10/11/1962.

Việc trao đổi với người Mỹ cơ bản đã hoàn tất, vấn đề khó khăn bấy giờ đối với Khrushchev là thuyết phục người Cuba. Sứ mệnh nặng nề ấy được giao cho Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Anastas Hovhannesi Mikoyan. Ngày 2/11, Mikoyan tới La Habana, bắt đầu chuyến thăm Cuba, mục đích, theo hãng thông tấn TASS, là “trao đổi ý kiến về tình hình quốc tế với chính phủ Cuba”. Trong thời gian ở Cuba, Mikoyan đã nhiều lần hội đàm với Fidel, Raul và một số nhà lãnh đạo cao cấp khác của Cuba. Nội dung cụ thể của các cuộc hội đàm tới nay vẫn được giữ kín, nhưng với những gì diễn ra sau đó cho thấy lập trường hai bên cách xa nhau. Mikoyan khuyên Cuba đáp ứng những điều kiện tối thiểu của người Mỹ. Fidel kiên trì lập trường 5 điểm, lấy đó làm tiền đề đảm bảo Mỹ không xâm lược Cuba. Sự căng thẳng giữa hai bên còn được thể hiện ngay trong buổi chiêu đãi kỉ niệm Cách mạng tháng Mười ở Cuba. Hôm đó, Fidel đã không đề nghị nâng cốc vì tình hữu nghị giữa hai nước. Mikoyan cũng không cần giữ lễ tiết, chủ động nói nâng cốc “vì tổ quốc và thắng lợi”. Ban đầu, chuyến thăm Cuba của Mikoyan dự định diễn ra trong một tuần, nhưng do chưa hoàn thành sứ mệnh được giao, nên Mikoyan đành phải ở lại, thậm chí không thể về nhìn vợ lần cuối (vợ Mikoyan mất ngày 3/11/1962).

Tối hậu thư của Kennedy buộc Khrushchev phải đạt được thoả thuận khẩn cấp với Cuba. Nhằm phá vỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán với Cuba, Khrushchev đành phải nhượng bộ Fidel, đưa ra nhiều cam kết ủng hộ Cuba về chính trị và kinh tế nhằm đổi lấy sự “bỏ qua” của Cuba trong vấn đề triệt thoái vũ khí khỏi đảo quốc này. Căn cứ vào hiệp định mậu dịch và ủng hộ được kí kết giữa Liên Xô và Cuba vào tháng 2/1962, Liên Xô cam kết trong 5 năm, mỗi năm mua 1 triệu tấn đường của Cuba, cung cấp cho Cuba máy móc, thiết bị công nghiệp cũng như các loại thương phẩm cần thiết và khoản vay trị giá 100 triệu USD. Bị kẹp giữa cuộc đấu của hai “ông lớn”, sau khi cân nhắc tất cả mọi mặt, cuối cùng, Fidel cũng đưa ra phản ứng thích hợp, ngày 19/11, cùng Mikoyan viết thư gửi U Thant, đồng ý rút 42 bệ phóng tên lửa và những chiếc Il- 28; về nguyên tắc, cho phép các thanh sát viên LHQ đến Cuba làm công tác giám sát. Rốt cuộc, Mikoyan đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về Mátxcơva.

Người Mỹ vẫn chưa thoả mãn với kết quả đàm phán giữa Liên Xô và Cuba. Ngày 21/11, Kennedy viết thư gửi Khrushchev trách cứ: “Tôi rất lấy mà tiếc vì ngài đã không thể thuyết phục được Fidel chấp nhận một hình thức giám sát hoặc kiểm tra tại Cuba”. Quá mệt mỏi, Khrushchev không muốn sóng gió lại nổi lên trên biển Caribê, ngày hôm sau viết thư trả lời Kennedy, biểu thị: “Mọi người cần hiểu cho lập trường của các nhà lãnh đạo Cuba. Cuba là một nước nhỏ nằm ngay bên cạnh một cường quốc như Mỹ. Ngay từ khi cách mạng Cuba bắt đầu, Mỹ đã không hữu hảo đối với Cuba. Hơn nữa, không ai có thể quên được Mỹ đã từng một lần xâm lược Cuba”.

Ngày 20/11, trong một cuộc họp báo, Kennedy tuyên bố: do Liên Xô đồng ý rút máy bay Il-28. Mỹ quyết định dỡ bỏ lệnh phong toả quân sự đối với Cuba. Trong hai bức thư cuối cùng Kennedy và Khrushchev gửi cho nhau, người ta đã thấy xuất hiện nhưng cụm từ như: “cảm ơn vì sự thấu hiểu”, “hài lòng vì thái độ linh hoạt”. Đặc biệt, cuối thư hai nhà lãnh đạo đã viết: “gửi lời chúc tốt đẹp của tôi và phu nhân của tôi tới phu nhân ngài và toàn thể thành viên trong gia đình ngài”, chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng trên biển Caribê, kéo dài gần một tháng.

Tài liệu tham khảo:

1. https://nghiencuuquocte.org/2015/10/03/khung-hoang-ten-lua-cuba/ 2. https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/khung-hoang-ten-lua-cuba-cu-soc-lich-su-he-lo- 92874.html 3. https://soha.vn/khung-hoang-ten-lua-cuba-13-ngay-can-nao-truoc-nguy-co-chien-tranh- hat-nhan-2018102323323734.htm 4. https://viettimes.vn/cuoc-khung-hoang-ten-lua-cuba-cang-thang-tot-do-trong-quan-he- xo-my-ky-3-363523.html 5. https://www.history.com/topics/cold-war/cuban-missile-crisis 6. https://www.britannica.com/event/Cuban-missile-crisis 7. https://history.state.gov/departmenthistory/short-history/cubanmissile 8. https://www.atomicheritage.org/history/nuclear-close-calls-cuban-missile-crisis

Một phần của tài liệu Cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba (Cuban missile crisis) (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(27 trang)
w