Thực hiện chủ trương tăng cường công tác tư tưởng trong tình hình mới của Quân uỷ Trung ương và Liên Khu uỷ; Ban chỉ huy Tỉnh đội tổ chức đợt học tập chính trị cho các đơn vị, nội dung học tập chính là: “Quân đội nhân dân luôn là một đội quân chiến đấu cách mạng”. Mục đích là làm cho cán bộ, chiến sĩ nhất là cán bộ nhận rõ vai trò của quân đội nhân dân trong cuộc đấu tranh chính trị hiện tại, xác định rõ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh và trước hết là xây dựng về chính trị và tổ chức; từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp của quân đội, đấu tranh chống những nhận thức tư tưởng sai trái.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc Bắc Giang nói riêng đã hăng hái lao động sản xuất, đạt được kết quả to lớn trong khôi phục và phát triển kinh tế. Nổi bật là cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất mà khởi đầu là quyền sở hữu ruộng đất ở nông thôn. Cuộc vận động giảm tô và cải cách ruộng đất bước sang năm 1956 diễn ra hết sức sôi động, phức tạp và quyết liệt, đợt 5 được tiến hành trong các vùng trước đây bị tạm chiếm. Đến tháng 7 năm 1956, việc cải cách ruộng đất trên địa bàn tỉnh căn bản kết thúc, phần lớn ruộng đất được chia cho dân cày; giai cấp địa chủ và thổ ty phong kiến bị xoá bỏ. Ước mơ ngàn đời của người dân lao động đã trở thành hiện thực làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn. Đợt vận động chỉnh đốn tổ chức được thực hiện, gắn liền với cải cách ruộng đất, làm trong sạch và nâng cao chất lượng chính trị đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, khi đợt 5 cải cách ruộng đất sắp kết thúc thì Đảng ta nhận ra những sai phạm trong quá trình thực hiện. Với tinh thần không che dấu, không sợ khuyết điểm khi đã mắc và nghiêm
khắc tự phê bình, Tỉnh uỷ Bắc Giang phát động phong trào phát huy dân chủ, mở rộng phê bình lãnh đạo.
Trước yêu cầu xây dựng và củng cố, bảo vệ miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, ngày 03 tháng 6 năm 1957, Chủ tịch Hồ chí Minh ký Sắc lệnh số 017/SL thành lập 6 Quân khu, tỉnh Bắc Giang thuộc Quân khu Tả Ngạn. Đối với Đảng uỷ Tỉnh đội đặt dưới sự lãnh đạo của Quân khu uỷ và Tỉnh uỷ. Đảng uỷ Tỉnh đội gồm 5 đến 9 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết.
Quán triệt nghị quyết Trung ương lần thứ 12 và chỉ thị của Ban Bí thư về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng; đồng thời chỉ đạo cải tiến nội dung sinh hoạt của các chi bộ, bảo đảm đủ 3 tính chất: Lãnh đạo, giáo dục và chiến đấu. Sau khi học tập tiến hành tự kiểm điểm ở tất cả các cấp uỷ đảng, chi bộ. Trong cuộc họp ngày 15 tháng 7 năm 1957 tự kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ 12, Đảng uỷ Tỉnh đội đánh giá: “Đã lãnh đạo lực lượng vũ trang tỉnh hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao từ sau ngày giải phóng như: Tiễu phỉ, trừ gian, củng cố chính quyền cách mạng, khắc phục hậu quả sau chiến tranh, giúp nhân dân sản xuất, xây dựng và huấn luyện đơn vị ... Tuy nhiên trong từng mặt công tác không thể tránh được những thiếu sót, khuyết điểm và tồn tại. Nhưng nhìn chung đạt kết quả tốt, hoàn thành nhiệm vụ, được cấp uỷ chính quyền địa phương đánh giá cao”. Về công tác chính trị: “Thấy được giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng là cơ sở để đảm bảo cho bộ đội hoàn thành nhiệm vụ và xây dựng trưởng thành, nhất là trong hoàn cảnh hoà bình lập lại ...”. Song cũng có những thiếu sót, khuyết điểm như: “Không đi sâu tìm cách phát hiện các sai lệch bế tắc cụ thể của dưới mà bàn bạc, thỉnh thị trên tìm cách giải quyết uốn nắn giúp đỡ cụ thể cho dưới vượt khó khăn. Mặt khác không nắm được đầy đủ tình hình tư tưởng của đơn vị, nên phương hướng lớn thì vạch ra được nhưng yêu cầu cụ thể thường thiếu sót hoặc không sát, thiếu sắc bén, nhiều khi bị động, phát sinh vấn đề rồi mới tìm cách giải quyết mà không chủ động phòng ngừa trước...” .Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, kế hoạch đề ra chưa chính xác. Xây dựng lực lượng còn nặng về bộ đội tỉnh, huyện, nhẹ về dân quân du kích. Trong xây dựng đảng, thiếu sót nhất là chưa thực hiện được nguyên tắc lãnh đạo tập thể, chưa đề cao tính dân chủ trong cấp uỷ chi bộ.
Việc củng cố các chi bộ huyện đội làm chậm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện các nhiệm vụ.
Sau hội nghị trên, Đảng uỷ Tỉnh đội duy trì nghiêm túc nguyên tắc lãnh đạo tập thể, lãnh đạo lực lượng vũ trang tỉnh tiến hành đồng bộ các mặt công tác, tạo nên sự chuyển biến lớn trong cơ quan đơn vị. Ngoài việc chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện nội dung chương trình huấn luyện, duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt. Đảng uỷ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nội dung trọng tâm, tiếp tục củng cố các chi bộ, các chi đoàn thanh niên mới được thành lập, đẩy mạnh phong trào thi đua ở các đơn vị, tổ chức học tập văn hoá cho cán bộ, chiến sĩ ...
Hơn 3 năm, sau ngày hoà bình lập lại là thời kỳ có nhiều diễn biến hết sức phức tạp không chỉ trong lực lượng vũ trang Bắc Giang. Cùng với việc tự củng cố, xây dựng để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, Đảng uỷ Tỉnh đội đã giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo và thực hiện công tác đảng, công tác chính trị trong mọi hoàn cảnh, lãnh đạo lực lượng vũ trang tỉnh hoàn thành các nhiệm vụ trên giao. Công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng được đặt thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và thường xuyên của các cấp uỷ đảng, là nhân tố quyết định để giữ vững và phát huy bản chất tốt đẹp của lực lượng vũ trang. Trong quá trình hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng uỷ tỉnh đội và hệ thống cơ quan chính trị không tránh khỏi những sai lầm, thiếu sót nhưng đã nhanh chóng được khắc phục. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Quân khu uỷ, lực lượng vũ trang Bắc Giang vượt qua thời kỳ “sóng gió”, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết sẵn sàng bước vào giai đoạn xây dựng chính quy.
Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi, để đối phó với chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Thực hiện chỉ thị của Quân uỷ Trung ương và Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn về “nhiệm vụ xây dựng gấp các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh để đảm bảo cho nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại địa phương....”. Đầu tháng 5 năm 1965, Ban cán sự Tỉnh đội đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban ngành và các địa phương trong tỉnh khẩn trương động viên lực lượng hậu bị là những cán bộ đảng viên ra xây dựng các đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh thuộc các binh chủng như: phòng không, công binh, thông tin. Mặc dù thời gian gấp, lại động viên lực lượng hậu bị với số lượng lớn, nhưng với quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, chỉ trong vòng 20 ngày (từ ngày 16 tháng
5 đến ngày 07 tháng 6 năm 1965), toàn tỉnh đã xây dựng và thành lập được đại đội bộ binh (lấy phiên hiệu là c75), 3 đại đội pháo phòng không 37mm (lấy phiên hiệu c58, c59 và c44), 1 đại đội và 2 trung đội súng máy phòng không 14,5mm (lấy phiên hiệu c40 và b1, b2), 2 đại đội và 1 trung đội công binh (lấy phiên hiệu c21, c22 và b công binh Cầu Lường). Đồng thời Ban cán sự cũng ra quyết nghị thành lập các chi bộ và chỉ định các Bí thư chi bộ.
Trong công tác xây dựng các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, Ban cán sự và Ban chỉ huy Tỉnh đội đã chú ý tới việc giáo dục truyền thống cho các đơn vị ngay từ đầu, việc đặt phiên hiệu cho các đơn vị đầu mang tính truyền thống của bộ đội địa phương tỉnh trong kháng chiến chống thực dân Pháp như: c59, c44 và ngày chiến thắng lịch sử của dân tộc như (ngày 07 tháng 5) Cuối tháng 7 năm 1965, các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh đã hoàn thành chương trình huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị và bước ngay vào nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu với tinh thần “Quyết đánh thắng trận đầu”.
Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 07 tháng 7 năm 1965 về việc “Thành lập Đảng uỷ Tỉnh đội”, ngày 05 tháng 8 năm 1965, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết nghị thành lập Đảng ủy Tỉnh đội và chỉ định 7 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ, đồng chí Lê Nguyễn - Chính ủy làm Bí thư Đảng uỷ. Đảng ủy Tỉnh đội đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Tỉnh ủy và dưới sự chỉ đạo của Quân khu về mặt quân sự.
Quan hệ của Đảng ủy Tỉnh đội: Với các huyện ủy, thị ủy là quan hệ phối hợp công tác. Các huyện ủy, thị ủy có nhiệm vụ lãnh đạo các huyện đội, thị đội chấp hành các mệnh lệnh, chỉ thị của Tỉnh đội gửi cho huyện đội, thị đội. Khi cần thiết huyện ủy, thị ủy và Đảng ủy Tỉnh đội trực tiếp trao đổi với nhau để giải quyết; với các ban chuyên môn của Tỉnh ủy (Tuyên Huấn, Tổ chức,...) là quan hệ ngang nhưng Đảng ủy Tỉnh đội chịu sự chỉ đạo về mặt nghiệp vụ của các ban đó.
Trước tình hình cả nước có chiến tranh, quân số tăng nhanh, tổ chức biên chế phình ra rất lớn. Để nắm chắc tình hình chính trị tư tưởng, bảo đảm sự thuần khiết nội bộ trong lực lượng vũ trang tỉnh. Ngay từ đầu năm 1965, Phòng Chính trị Tỉnh đội đã có Kế hoạch 15/KH - CT hướng dẫn cụ thể về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Trong đó chú ý đến số mới được động viên vào quân đội, đội ngũ cán bộ, bộ phận trọng yếu, cơ quan chỉ huy các cấp. Kiên quyết xử lý đối với những phần tử chống đối phá hoại trong quân đội. Kết hợp với địa phương
nắm tình hình chính trị trong số sĩ quan dự bị. Đối với lực lượng hậu bị, hướng dẫn cho các huyện, thị đội, kết hợp với công an nắm chắc tình hình chính trị trong các lực lượng vũ trang cầm súng, nhất là những vùng xung yếu, nơi có công trình quốc phòng, kho tàng…
Vào thời điểm này, công tác tư tưởng và công tác tuyên truyền giáo dục trong lực lượng vũ trang tỉnh tập trung vào quán triệt nghị quyết của các cấp uỷ đảng, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ ở hai miền Nam - Bắc, tuyên truyền thắng lợi và kinh nghiệm chiến đấu của quân dân hai miền, đặc biệt là kinh nghiệm chiến đấu của quân và dân Quân khu 4, phát động lòng căm thù giặc, học tập gương chiến đấu dũng cảm của anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân. Chống tư tưởng hữu huynh, hòa bình chủ nghĩa, lỏng lẻo ý chí chiến đấu, ngại khổ, ngại hy sinh, xây dựng tinh thần triệt để cách mạng, ý chí quyết tâm chiến đấu. Về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghị quyết của Đảng uỷ Tỉnh đội các tháng còn lại năm 1965 đã xác định: “Tiếp tục giáo dục tình hình nhiệm vụ mới, đường lối chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, đường lối cách mạng miền Nam. Yêu cầu chuyển biến mạnh mẽ về chính trị tư tưởng, nâng cao tinh thần triệt để cách mạng, tinh thần trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, ý chí quyết tâm, tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Tăng cường giáo dục chính trị cho các đơn vị bộ đội pháo cao xạ, bộ binh, công binh,...”.
Trước tình hình chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngày càng quyết liệt, nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh ngày càng nặng nề, nảy sinh nhiều vấn đề mới về tư tưởng. Ngày 27 tháng 12 năm 1965, Nghị quyết Trung ương lần thứ 12 (Khoá III) đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới trong nước, vạch rõ tính chất của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh giá chỗ mạnh, chỗ yếu của Mỹ, ngụy, đã giải đáp được những vấn đề lớn đặt ra như: Mỹ đổ quân vào miền Nam nhưng vẫn không đảo lộn được tình thế chiến lược, quân và dân miền Nam vẫn giữ vững và phát triển thế tiến công, đối tượng tác chiến của ta là cả quân Mỹ và quân ngụy. Ta nhất định đánh thắng Mỹ.
Trước những đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, yêu cầu phải nhanh chóng nâng cao chất lượng chiến đấu của lực lượng vũ trang. Quân uỷ Trung ương đã phát động cuộc vận động: “Tăng cường giáo dục,
rèn luyện kỷ luật, tự giác nghiêm minh trong quân đội”. Sau khi nghiên cứu quán triệt mục đích ý nghĩa, yêu cầu, nội dung cuộc vận động, căn cứ tình hình cụ thể của các lực lượng vũ trang tỉnh. Ngày 30 tháng 9 năm 1971, Đảng uỷ Tỉnh đội đã có chỉ thị về tổ chức thực hiện cuộc vận động quan trọng này: Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, người chỉ huy phấn đấu dứt điểm các loại vi phạm kỷ luật về ý chí chiến đấu, thoái thác nhiệm vụ, do dự, trần trừ khi nhận nhiệm vụ. Đối tượng của cuộc vận động là tất cả các đơn vị thường trực, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng. Cuộc vận động tập trung làm chuyển biến căn bản tình hình kỷ luật của bộ đội, nhưng phải trên cơ sở mở rộng dân chủ, để tăng cường kỷ luật đảng, kỷ luật quân đội.
Chấp hành chỉ thị của Đảng uỷ Tỉnh đội, Phòng Chính trị đã tổ chức một đợt giáo dục, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ, trọng tâm là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tập trung làm chuyển biến hai vấn đề cơ bản đó là: Giáo dục nâng cao ý thức tự giác chấp hành kỷ luật của bộ đội và công tác tổ chức quản lý duy trì kỷ luật, duy trì các chế độ quy định của đội ngũ cán bộ các cấp. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành kỷ luật của bộ đội về chất lượng thực hiện các nhiệm vụ, chấm dứt những vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Do được giáo dục, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp uỷ, chỉ huy các cấp, cuộc vận động “Rèn luyện kỷ luật tự giác nghiêm minh của quân đội” đã đi vào mọi hoạt động sẵn sàng chiến đấu, công tác, học tập, sinh hoạt của lực lượng vũ trang tỉnh. Tạo nên những chuyển biến quan trọng thực hiện nhiệm vụ.
Bước vào năm 1972, tình hình cách mạng nước ta có nhiều chuyển biến lớn và mau lẹ. Trước nguy cơ chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” bị thất bại hoàn toàn, đế quốc Mỹ đưa một lực lượng quân sự lớn trở lại miền Nam, đưa lực lượng không quân tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai.
Ngày 11 tháng 4 năm 1972, Chính phủ ta ra tuyên bố khẳng định: “Không một sức mạnh tàn bạo nào, không một sự đe dọa láo xược nào lay chuyển được quyết tâm của nhân dân Việt Nam chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc”.
Ngày 16 tháng 4 năm 1972, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước tăng cường đoàn kết, quyết tâm chiến đấu để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc.
Với quyết tâm thực hiện Nghị quyết lần thứ 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh của cấp trên. Nghị quyết của