NAM _ NHỮNG BIỆN PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP
1. ĐÁNH GIÁ VIỆC ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN CỦA VIỆT NAMTHEO TỪNG PHƯƠNG PHÁP THEO TỪNG PHƯƠNG PHÁP
Có hai phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp đang áp dụng hiện nay là phương pháp tài sản và phương pháp dòng tiền chiết khấu. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các tổ chức mới sử dụng phương pháp tài sản.
Song do thiếu thông tin về thị trường để xác định giá trị còn lại của nhà xưởng, máy móc, chưa có tiêu chuẩn cụ thể để định giá thương hiệu, uy tín, mẫu mã của DN nên chưa tính hết được giá trị tiềm năng của DN. Trong khi đó, phương pháp dòng tiền chiết khấu ưu việt hơn lại chưa được áp dụng rộng rãi, một phần do tính phức tạp của phương pháp, phần do tâm lý DN không muốn giá trị được đánh giá quá cao sẽ khó bán cổ phần, bất lợi trong việc phân chia cổ phần ưu đãi trong nội bộ DN.
Những đổi mới của Nghị định 187/CP của Chính phủ và Thông tư số 126/BTC của Bộ Tài chính đã cơ bản đưa việc CPH theo hướng nâng cao tính công khai, minh bạch, tính chuyên nghiệp và gắn với thị trường; gắn việc phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, khắc phục tình trạng CPH khép kín trong nội bộ doanh nghiệp. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại và vướng mắc khi xác định giá trị doanh nghiệp theo các văn bản pháp quy trên.
A. Xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản:
– Đối với những tài sản cố định hữu hình:
Việc xác định giá trị tài sản là hiện vật (tài sản hữu hình) theo Thông tư 126/BTC chỉ xác định giá những tài sản mà Công ty cổ phần tiếp tục sử dụng. Giá trị thực tế của tài sản được tính theo công thức:
GT thực tế của TS = Nguyên giá tính theo giá thị trường x Chất lượng còn lại của TS tại thời điểm thẩm định giá.
Thực hiện theo công thức trên sẽ phát sinh một số vấn đề như sau:
Về nguyên giá: Đối với tài sản là máy, thiết bị, theo Thông tư, bắt buộc phải đánh giá lại nguyên giá tại thời điểm xác định giá. Trong trường hợp tài sản là dây chuyền sản xuất rất lạc hậu về công nghệ, hiện tại không còn được sản xuất, lưu thông trên thị trường và cũng không có tài sản so sánh tương đương thì được xác định theo nguyên giá tài sản ghi trên sổ kế toán. Vấn đề là trong một số trường hợp, giá trị tài sản trên sổ kế toán lại rất cao, bất hợp lý do tài sản đã được đánh giá lại nguyên giá nhiều lần bởi
chênh lệch về tỷ giá theo quy định của Nhà nước trong chế độ kế toán trước đây.
Về chất lượng còn lại: Chất lượng còn lại của tài sản được đánh giá theo hướng dẫn của Bộ quản lý của các ngành kinh tế kỹ thuật. Trên thực tế, các Bộ, ngành kinh tế kỹ thuật thường có khung đánh giá cho tài sản còn đủ điều kiện vận hành tham gia vào sản xuất cao hơn tỷ lệ 20%, như vậy thì chất lượng của tài sản dù thế nào khi được đưa vào CPH cũng không thấp hơn 20%. Đối với những doanh nghiệp có tài sản được hình thành trong thời kỳ bao cấp, cách đây 15-20 năm, dây chuyền thiết bị đã cũ kỹ, lạc hậu nhưng khi tiến hành CPH nếu loại ra hết tài sản sẽ không còn có thiết bị để đưa vào CPH. Để duy trì công ăn việc làm cho công nhân, doanh nghiệp buộc phải giữ lại những tài sản đó (như các nhà máy đay, công ty vận tải thuỷ thuộc các nhà máy xi măng,…). Như vậy: Về chất lượng, các doanh nghiệp này phải chấp nhận chất lượng của các tài sản cũ kỹ, lạc hậu; nhưng về nguyên giá lại phải sử dụng giá trên sổ sách kế toán ở mức quá cao như ở trên đã phân tích. Kết quả là giá trị của tài sản đánh giá theo phương pháp tài sản là cao bất hợp lý, không phù hợp với giá trị thực tế hiện tại của tài sản. Có thể chứng minh trường hợp trên qua ví dụ sau:
Xác định giá trị doanh nghiệp CPH là một nhà máy kéo sợi đay hoàn thành năm 1989 với vốn đầu tư dây chuyền thiết bị kéo sợi đay nhập khẩu từ Italia là 5.362.000 USD. Máy được sản xuất năm 1988 và lắp ráp năm 1989, với tỷ giá áp dụng cố định ban đầu là 225đ/USD. Theo sự chỉ đạo của Nhà nước về đánh giá lại nguyên giá, tài sản có giá trị tăng lên hơn 40 lần, do đó nguyên giá tài sản trên sổ sách kế toán của công ty rất cao: 53.723.317.989 đồng.
Năm 1991, Liên Xô tan rã, thị trường tiêu thụ không còn, sản phầm của Công ty tiêu thụ khó khăn, thua lỗ triền miên, không khấu hao được tài sản cố định, sau 15 năm hoạt động chỉ khấu hao được 18% nguyên giá theo sổ sách kế toán (hơn 9 tỷ đồng). Đến thời điểm CPH, giá trị tài sản trên còn lại là 44.193.399.291 đồng.
Trên thực tế, do sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật, dây chuyền sản xuất này đã quá cũ kỹ, lạc hậu, vỡ vậy không thể tìm được dây chuyền mới tương đương trên thị trường. Như vậy, nếu thực hiện theo Thông tư 126, giá trị của lô dây chuyền đay này được xác định theo nguyên giá trên sổ sách kế toán là 53.723.317.989 đồng, chất lượng còn lại tạm tính là 20%, áp dụng công thức trên tính được giá trị lô dây chuyền này là khoảng 10,7 tỷ đồng. Trong khi đó, giá của những tài sản tương đương có cùng công suất tính năng và thời gian đưa vào sử dụng ở trên thị trường máy cũ trong thời gian gần đây chỉ vào khoảng 2 tỷ đồng.
– Đối với tài sản cố định vô hình
Theo hướng dẫn của Thông tư 126, giá trị tài sản vô hình (nếu có) được xác định theo giá trị còn lại đang hạch toán trên sổ sách kế toán (đối với giá trị quyền sử dụng đất có hướng dẫn riêng). Trong Quyết định 206 của Bộ Tài chính về xác định thời gian sử dụng tài sản vô hình (không phải quyền sử dụng đất) thì "doanh nghiệp tự xác định thời gian sử dụng tài sản cố định vô hình nhưng tối đa không quá 20 năm".
Ở đây vấn đề đặt ra là tài sản cố định vô hình đã khấu hao hết và thu hồi đủ vốn mà công ty cổ phần vẫn tiếp tục sử dụng nhưng lại không được đánh giá lại để đưa vào giá trị doanh nghiệp. Đặc biệt với những doanh nghiệp có tỷ trọng giá trị tài sản vô hình lớn, nhưng không thuộc đối tượng xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp DCF; hoặc trong trường hợp do doanh nghiệp tự quy định thời gian khấu hao cho tài sản vô hình, thường có xu hướng khấu hao nhanh, thời gian khấu hao rút ngắn nên đến cuối kỳ khấu hao giá trị còn lại trên sổ sách kế toán có thể rất thấp, nhưng giá trị thực tế còn cao.
B. Xác định giá trị tài sản theo phương pháp DCF:
Thông tư 126 quy định phương pháp DCF chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp "có ngành nghề kinh doanh chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, tư vấn, thiết kế xây dựng, tin hoặc và chuyển giao công nghệ có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn Nhà nước bình quân 5 năm liền kề cao hơn lãi suất trả trước của trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 10 năm trở lên". Như vậy, phạm vi áp dụng của phương pháp DCF bị thu hẹp theo các điều kiện về ngành nghề kinh doanh. Mặt khác, với tình trạng hoạt động của các DNNN từ năm 2000 đến nay, thì có thể nói là khó tìm ra được doanh nghiệp nào đáp ứng được quy định về tỷ suất lợi nhuận này.
Trong khi việc xác định giá trị doanh nghiệp bằng phương pháp tài sản ròng không tính hết được các giá trị tiềm năng của doanh nghiệp, mà chỉ căn cứ trên cơ sở các tài sản thực có tại thời điểm xác định giá trị, việc hạn chế áp dụng phương pháp DCF sẽ một phần ảnh hưởng đến độ chính xác của giá trị doanh nghiệp; đặc biệt là các doanh nghiệp đang làm ăn có lãi, có thương hiệu và thị phần ổn định trên thị trường.
Trên thực tế, phương pháp DCF khó có thể áp dụng trên diện rộng trong thời gian hiện nay vì những lý do sau:
– CPH hoặc chuyển đổi doanh nghiệp là một bước ngoặt lớn có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vậy, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, rất khó ước đoán được doanh thu hay dòng tiền của doanh nghiệp trong những năm hậu chuyển
đổi. Không xác định được những đại lượng này, việc áp dụng phương pháp DCF là không thể làm được.
– Thực tế kinh doanh trong những năm qua, các DNNN thường có hiệu quả hoạt động kém, lãi suất thấp hoặc thậm chí lỗ. Đối với những doanh nghiệp như vậy, nếu áp dụng phương pháp DCF dựa trên các số liệu hiện tại, giá trị doanh nghiệp thường thấp hơn giá trị tài sản hoặc thậm chí âm, không phù hợp với thực tế.
– Hệ thống số liệu thống kê của nước ta chưa phát triển, việc xác định các chỉ số bình quân của từng ngành (P/E, IRR,…) là rất khó và không phải lúc nào cũng làm được. Thiếu những chỉ số này làm chuẩn sẽ rất khó xác định được tỷ lệ chiết khấu thích hợp cho phương pháp dòng tiền chiết khấu.
– Phương pháp DCF đòi hỏi rất nhiều giả định dựa trên kinh nghiệm, trình độ của cán bộ định giá. Các giả định này thường rất khó kiểm chứng, hơn nữa, đội ngũ cán bộ của ta trong lĩnh vực này chưa nhiều và trình độ chuyên môn chưa cao.
– Phương pháp DCF thường phải sử dụng thị trường chứng khoán hoặc các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán làm chuẩn. Để đáp ứng được yêu cầu này, thị trường chứng khoán và các công ty chứng khoán phải thực sự là đại diện cho nền kinh tế. Hiện nay thị trường chứng khoán của nước ta còn rất mới, với quy mô nhỏ chưa tới 2.000 tỷ đồng vốn đăng ký, các công ty đều nhỏ và cũng không đặc trưng cho ngành, nên không thể sử dụng làm chuẩn một cách chính xác.