Xuất giải pháp:

Một phần của tài liệu Đề tài: LẠM PHÁT - TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN THỰC TIỄN Ở VIỆT NAM (Trang 42 - 46)

Chính phủ đã thấy rõ được tác hại của lạm phát trên nền kinh tế còn non trẻ của VN, trên cuộc sống của người dân. Đây là lần thứ hai sau 12 năm nền kinh tế nước ta lạm phát tăng lên hai chữ số, tỷ lệ tăng trưởng GDP nhiều năm liên tục đã gây tâm lý chủ quan. Trước tình hình đó, Chính phủ cần phải đưa ra một gói giải pháp đồng bộ, hợp lý và kịp thời nhằm chặn đứng lạm phát, sớm đưa nền kinh tế phục hồi trở lại và tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.

Một cách chi tiết, dựa vào bốn nhân tố: chính sách, cầu, cung và quán tính, các chính sách kiềm chế lạm phát có thể kể ra như sau:

4.1 Chính sách tài chính-tiền tệ:

Cần điều chỉnh một chính sách tài chính-tiền tệ năng động và hiệu quả, cụ thể là điều chỉnh lượng cung tiền phù hợp, điều chỉnh chính sách tài khoá, tích cực quản lý và tăng hiệu quả của chi ngân sách.

Những việc cần làm là giảm nhanh lượng tiền mặt trong lưu thông. Một số giải pháp như điều chỉnh lãi suất vay nóng giữa các Ngân hàng, nới lỏng tỷ giá hối đoái... là rất cần thiết, tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ. Cần phải quản lý lượng cung tiền trong lưu thông chặt hơn nữa, chủ động tăng vòng quay của đồng tiền. Trước mắt là hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng thương mại nhằm hạn chế và kiểm soát lượng tiền tiếp tục được tung vào lưu thông. Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế kiểm tra giám sát các ngân hàng thương mại, nhất là những ngân hàng thương mại lớn trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp tăng vòng quay đồng tiền, quản lý lượng cung tiền cho lưu thông. Nếu không quản lý và tăng vòng quay tiền tệ sẽ hoàn toàn bị động trong quản lý lượng tiền mặt trong lưu thông, lượng tiền sẽ tăng lên nhiều gây ra những hậu quả xấu và dẫn tới lạm phát thường trực. Mặt khác phải xác định được lượng tiền thực có trong lưu thông (T), xây dựng chỉ tiêu vòng quay tiền, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu của toàn ngành. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước chủ động giảm lượng tiền trong lưu thông nhằm thúc đẩy các ngân hàng thực hiện các giải pháp tăng vòng quay đồng tiền của mình. Như vậy lượng tiền sẽ được cung ứng trong giới hạn an toàn đối với nền kinh tế.

Tiếp đó, cần quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách. Cần xem xét lại các chương trình, dự án đầu tư, hoạt động chi tiêu của Chính phủ, của các ban ngành. Tập trung ngân sách vào những công trình cấp thiết, những chương trình không cấp thiết nên chuyển vào những năm sau. Tăng hiệu quả chi tiêu ngân sách bằng việc hoàn thành các chương trình, các dự án đúng thời hạn để sớm phát huy tác dụng. Giảm chi phí trong các cơ quan khối công quyền, tích cực chống tiêu cực và lãng phí.

Các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu điều chỉnh lãi suất ngân hàng năng động hơn. Có thể đảm bảo mức lãi suất bình quân cả năm 12%, song mức hiện tại có thể điều chỉnh cao hơn nhằm rút bớt lượng tiền mặt ra khỏi lưu thông. Tăng lãi suất tiết kiệm trong giai đoạn hiện tại tuy có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán, tới tăng trưởng song trong hiện thời là hợp lý và tác động tích cực tới kiềm chế lạm phát.

Ngoài ra, cũng cần phải quản lý chặt chẽ hoạt động chi tiêu thu đổi ngoại tệ trên thị trường. Tích cực thu hút ngoại tệ trong dân bằng việc khuyến khích gửi tiết kiệm ngoại tệ với lãi suất hấp dẫn; thực hiện tỷ giá hối đoái linh hoạt giữa tiền Việt với một số ngoại tệ, nhất là ngoại tệ mạnh chi phối hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam như USD, EURO, Yên, Nhân dân tệ... đảm bảo tác động khách quan vào xuất nhập khẩu, không gây thiệt hại chung cho nền kinh tế. Khuyến khích chi tiêu không dùng tiền mặt, đặc biệt là khách nước ngoài, cần tạo cơ chế để nhóm khách này có thể giam gia, nhất là đối với thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, Chính phủ nên thực hiện bán trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc cho dân, thu hồi tiền mặt. Hoạt động này có tác dụng rất tích cực làm giảm nhanh lượng tiền mặt trong lưu thông và tác động trực tiếp tới giảm lạm phát. Trong trường hợp cấp bách hiện nay, không nên đấu thầu trái phiếu và tín phiếu qua trung gian. Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước nên triển khai bán trực tiếp cho dân. Bán trực tiếp sẽ tránh được các khâu trung gian nên mức lãi suất đối với người mua sẽ cao hơn, thu hút được nhiều người tham gia. Có thể tổ chức thành những chiến dịch phân phối tín phiếu, trái phiếu trong thời gian cụ thể với cơ chế thuận lợi kết hợp với sự tuyên truyền cổ động mạnh mẽ để động viên mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức xã hội tham gia.

4.2 Điều chỉnh tăng trưởng kinh tế:

Trước thực trạng nền kinh tế phát triển quá nóng, cần phải giảm tốc độ tăng trưởng, duy trì tốc độc tăng trưởng xoay quanh 8% là hợp lý. Cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư cả trung ương và địa phương, đầu tư của các thành phần kinh tế, chủ động điều chỉnh kế hoạch triển khai các dự án đầu tư, có thể chuyển những dự án chưa cấp thiết xuống tiếp những năm sau nhằm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án, các công trình đầu tư. Khẩn trương hoàn thành các dự án, các công trình, đặc biệt là những công trình trọng điểm, hoàn thành dứt điểm các công trình dây dưa kéo dài để chúng sớm phát huy tác dụng.

Đẩy mạnh sản xuất hàng hoá vật chất, tăng năng suất lao động hơn nữa, nhất là sản xuất vật tư, nguyên vật liệu, hàng hoá tiêu dùng nhằm tăng năng lực của nền kinh tế, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng để thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Kiểm tra, xem xét các doanh nghiệp lớn đã cổ phần hoá, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư huy động từ thị trường chứng khoán. Hạn chế các doanh nghiệp loại này chuyển hướng kinh doanh từ sản xuất hàng hoá hiện hữu sang dịch vụ, đặc biệt là kinh doanh tiền tệ.

4.3 Hạn chế tăng chi phí:

Giảm mức tăng chi phí phải thực hiện tiết kiệm trong sản xuất. Để làm được điều này, bản thân các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý sản xuất theo định mức, kiểm tra chặt chẽ các yếu tố đầu vào theo đúng quy cách, phẩm chất, chủ động nghiên cứu tìm vật tư thay thế với chi phí thấp, nhất là đối với vật tư nguyên liệu nhập khẩu. Một giải pháp giảm mức tăng chi phí khác có thể áp dụng là hoàn thiện công nghệ, đổi mới công nghệ, cải tiến tố chức quản lý nhằm tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên, để thực hiện kiềm chế lạm phát trong giai đoạn này, Việt Nam sẽ phải chấp nhận từ bỏ một số mục tiêu khác. Do đó, Nhà nước cần có sự tham khảo ý kiến của

các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác trên thế giới để có những quyết sách đúng đắn, kịp thời.

KẾT LUẬN

Nói tóm lại, kinh tế Việt Nam vừa trải qua một giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách. Vấn đề lạm phát những năm vừa qua đã để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm lớn, đòi hỏi nhân dân và Chính phủ phải có những biện pháp tích cực để đối phó. Lạm phát là hiện tượng của kinh tế thị trường mang tính khách quan, dù muốn hay không chúng ta cũng vẫn phải đón nhận. Chính vì vậy, cần phải bình tĩnh nhìn nhận tìm hiểu bản chất sự việc để có những phản ứng điều chỉnh. Tuy việc áp dụng các giải pháp kiềm chế

lạm phát từ lý thuyết vào thực tiễn nền kinh tế là một vấn đề không dễ, nhưng bước đầu Chính phủ ta đã có những kết quả khả quan, có thể nhận thấy rõ ở tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2009. Điều này tạo đà thuận lợi cho chúng ta tiếp tục có những chính sách hiệu quả trong công cuộc quản lý vĩ mô, đưa nền kinh tế ngày càng phát triển vững mạnh, hội nhập và phát triển cùng kinh tế thế giới.

Một phần của tài liệu Đề tài: LẠM PHÁT - TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN THỰC TIỄN Ở VIỆT NAM (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(48 trang)
w