Đưa tập ảnh đầu vào đã chuẩn bị ở mục 3.2.1 (gồm 30 mẫu) vào chương trình và chấm thi. Kết quả hoàn toàn trùng khớp với dữ liệu bài thi đã chuẩn bị (bảng 3.1), độ chính xác đạt 100%.
Hình 3.49 Kết quả chấm thi trên các mẫu đã chuẩn bị
Thời gian xử lý là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ hoạt động của hệ thống. Thực nghiệm chấm thi trên máy tính DELL Optiplex 380, bộ vi xử lý Intel Core 2 Duo E7500 tốc độ 2,93Ghz, RAM 4Gb tại các thời điểm khác nhau với 30 mẫu trên, tốc độ chấm thi nằm trong khoảng 13 - 16s. Như vậy tốc độ nhận dạng khoảng 433 - 533ms/bài thi.
3.3. Đánh giá kết quả
Sau khi hoàn thiện thuật toán nhận dạng thông tin trên phiếu thi, qua thực nghiệm trên phần mềm chấm thi trắc nghiệm với các module: quản lý kỳ thi, chấm điểm từ file, chấm điểm trực tiếp từ camera, tôi có nhận xét:
• Với quy mô của luận văn này, module quản lý kỳ thi đạt được yêu cầu đề ra là quản lý các tham số của một kỳ thi, giúp người dùng tạo, sửa, xóa: kỳ thi, môn thi, đề thi, đáp áp bằng giao diện trực quan. Tuy nhiên, để phát triển thành một ứng dụng thực sự, module này cần phải phát triển thêm một số chức năng khác để có thể quản lý tham số như:
o Quản lý ngân hàng đề thi, trộn và tạo đề thi.
o Thông tin chi tiết của thí sinh, lưu trữ bài thi của thí sinh để thực hiện việc lưu trữ và phúc khảo lại bài thi.
o Hội đồng thi, phòng thi.
o Quản lý điểm, điểm ưu tiên, điểm khu vực. o Tìm kiếm, tạo và xuất các loại báo cáo.
o Tạo CSDL để lưu trữ, thuận tiện trong việc chia sẻ, sử dụng ứng dụng từ xa, đảm bảo tính bảo mật dữ liệu.
• Module chấm điểm từ file đã cho thấy độ chính xác, độ tin cậy và tốc độ hoạt động của chương trình với các mẫu đầu vào được in trên giấy thông thường, các mẫu có chất lượng không quá cao. Đây là module cơ bản và quan trọng nhất của phần mềm OMR.
• Module chấm điểm bằng camera: mô phỏng khả năng giao tiếp giữa máy tính và camera, tạo tiền đề cho việc phát triển giao tiếp giữa máy tính với hệ thống tời giấy, điều khiển tốc độ của hệ thống tời giấy, phối hợp đồng bộ với camera để việc thu nhận ảnh, lấy mẫu đạt kết quả tốt nhất.
Như vậy khả năng ứng dụng vào thực tế của hệ thống chấm thi trắc nghiệm bằng camera đề xuất là rất khả quan. Hướng phát triển trong tương lai chủ yếu đó là hoàn thiện và tối ưu hóa bộ phận cơ khí, bao gồm cơ cấu tời giấy và chụp ảnh. Mục tiêu hướng đến là phát triển thêm các tính năng mà luận văn này chưa hoàn thiện được và tích hợp toàn bộ hệ thống thành một khối thống nhất, ổn định, linh động, đảm bảo tính tự động, tốc độ chấm thi càng nhanh càng tốt, đồng thời giảm thiểu chi phí đầu tư, chi phí vận hành, bảo trì. Có như vậy thì hệ thống mới có tính khả dụng cũng như tính cạnh tranh của hệ thống trong thực tế.