Làng nghề mây tre đan xưa và nay

Một phần của tài liệu Xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề phục vụ hoạt động du lịch Vĩnh Phúc (Trang 34 - 37)

Nghề mây tre đan là nghề truyền thống phát triển lâu đời gắn liền với sinh hoạt đời sống và sản xuất của người dân nông thôn, song chỉ có một số làng nghề phát triển thành làng nghề sản xuất hàng hoá.

Xưa làng nghề mây tre đan ở xã Triệu Đề rất phát triển do nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, cho nên nhà nào cũng làm như là một nghề kinh tế chính và làm quanh năm. Nhờ vậy mà người dân ở đây có thêm thu nhập vào thời gian rảnh rỗi, lúc nông nhàn. Năm 2008, doanh thu từ nghề mây tre đan đạt gần 60 tỷ đồng. Để tiếp tục đẩy mạnh ngành nghề này, trong thời gian tới, Trung tâm khuyến công tỉnh cho biết: Định hướng đến năm 2010 doanh thu từ nghề mây tre đan đạt 90 tỷ đồng. Tuy nhiên liệu ngành mây tre đan có

đạt được doanh thu như định hướng vì hiện tại số hộ làm mây tre đan đã giảm xuống, lực lượng kế tục ít. Cô Lưu Thị Phục có 4 người con cho biết: 2 người con gái của cô vẫn làm nghề đan mây tre nhưng 2 người con trai đã đi làm thuê xa do thu nhập từ mây tre đan không cao. Mỗi gia đình ở thôn Triệu Xá không làm bao gồm nhiều loại sản phẩm mà mỗi gia đình chỉ sản xuất chuyên môn 1 hoặc 2 sản phẩm. Nhà bác Đường chỉ sản xuất rá, nhà cô Phục sản xuất mủng và nia.

Hiện nay, trong làng đa số sản xuất các sản phẩm từ tre do giá mây cao. Làng nghề mây tre đan đang được quan tâm hơn để phát triển với những chính sách hỗ trợ vay vốn của nhà nước.

2.2.3.3 Những sản phẩm truyền thống

Sản phẩm truyền thống của làng là các sản phẩm thiết yếu dùng trong

sinh hoạt sản xuất hàng ngày như: thúng, mủng, nong, nia, rổ, rá…

2.2.3.4 Tổ chức quản lý, quy trình sản xuất và hoạt động sản xuất

Tổ chức quản lý.

Năm 2003 sở công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc lập quy hoạch phát triển cụm công nghiệp làng nghề tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Phúc giai đoạn 2005 – 2010, được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 2943/ QĐ-UB ngày 02/07/2003. Theo quy hoạch đã được phê duyệt thì đến năm 2010 sẽ hình thành 28 cụm tiểu thủ công nghiệp, trong đó có làng nghề mây tre đan Triệu Đề.

Quy trình sản xuất.

Quy trình sản xuất bao gồm 3 công đoạn. Công đoạn thứ nhất: Chọn nguyên liệu

Với mỗi loại sản phẩm khác nhau có cách chọn nguyên liệu khác nhau. Bác Đường cho biết: Với nguyên liệu làm rá thì phải chọn tre mai ( loại tre có đốt dài hơn tre thường), tre phải già, tươi. Sau khi chặt tre ra từng đốt phải phơi cho tre se se bớt hơi nước khoảng 30 phút. Còn với nguyên liệu làm mủng và nia thì cô Phục cho biết : Nếu mua được tre tươi thường và già là tốt

nhất, sau đó chẻ nan to khoảng từ 1 - 1,5 cm, tuỳ theo vật dụng cần làm mà nan tre có độ dài , ngắn là khác nhau. Nếu mua tre khô thi phải ngâm rồi mới tiến hành đan được.

Công đoạn thứ hai: Chế tác sản phẩm.

Sau khi đã làm xong công đoạn chọn nguyên liệu, những người thợ thủ công tiến hành đan bước đầu: Đan phần đáy và thân sản phẩm.

Với rá thì sử dụng phương pháp đan nong mốt, nghĩa là một nan lên một nan xuống. Với mủng lại sử dụng phương pháp đan nong tứ, tức là cất 2 nan, rồi cất 4 nan sau đó đè 3 nan. Với cách đan này, đáy mủng sẽ có hoa văn là những hình thoi vói kích thước nhỏ dần, đồng tâm tại đáy rất đẹp mắt.

Sau khi đan xong phần đáy và thân sẽ tiến hành hun khói nhằm phong tránh mọt cắn trong quá trình sử dụng. Phương pháp hun được tiến hành như sau:

Trước tiên cần đào một hố sâu khoảng 0,5m, độ rộng tuỳ theo sản phẩm là rá hay nia mà hố có đường kính khác nhau. Sau đó dùng rạ, rơm lót phía duới cùng rồi nhóm lò, sau đó rắc một lớp chấu nhằm tránh ngọn lửa to làm cháy phần phên tre đã đan phía trên. Tiếp theo là xếp các phên tre đã đan lên phía trên và cuối cùng là lớp bao tải chắn khói phía trên. Trong quá trình hun không được để không khí lọt vào trong lò, vì không khí lọt vào trong lò sẽ làm lửa cháy to, dẫn đến cháy phên. Và khi có khói màu xanh nghĩa là phên sắp cháy. Nếu tiến hành hun cẩn thận thì có thể đi làm đồng cả buổi rồi về ra lò cũng không sao.

Sau khi lấy phên ra khỏi lò, đợi phên tre nguội thì tiến hành làm cạp. Cạp rổ rá là cạp khung, được uốn và nẹp sẵn còn cạp của nia thì uốn tuỳ ý, tức là nia rộng tới đâu thì uốn đến đó chứ không làm khung trước.

Sau khi tra cạp, tiến hành cắt bớt các phần thừa và lứt cạp. Lứt cạp sử dụng mây được tước nhỏ hoặc dây nhựa công nghiệp. Dùng đầu sắt nhọn đục lỗ phần thân, dưới cạp rồi xỏ dây từ phần thân, vòng qua cạp rồi thắt nút. Cứ 1,5cm lại đục một lỗ vá tiến hành tương tự cho đến hết vòng cạp là hoàn thành một sản phẩm.

Công đoạn hoàn thiện sản phẩm.

Sau khi hoàn thành, các sản phẩm được kiểm tra lại, đảm bảo độ bền chắc và không méo mó.

Hoạt động sản xuất.

Hiện nay, khi đến xã Triệu Đề đa số các hộ vẫn làm nghề này nhưng quy mô không đều. Tuy đã có dự án quy hoạch từ năm 2003 nhưng đến nay các hộ vẫn hoạt động sản xuất riêng lẻ, tự quản lý sản phẩm mình làm ra từ khâu lấy nguyên liệu tới khâu tìm đầu ra cho sản phẩm. Đa số các sản phẩm được bán ở chợ quê hoặc các hộ thu mua với số lượng lớn rồi mang đi các tỉnh khác.

Thu nhập từ nghề mây tre đan là chưa cao. Giá của mỗi chiếc rá nhỏ chỉ từ 3.000đ tới 5.000đ, mỗi đôi mủng có giá từ 16.000 – 20.000đồng. Với rá thì trung bình 5 sản phẩm/người/ngày, với mủng thì trung bình 2 sản phẩm/ người/ ngày. Vậy thu nhập trung bình sẽ là 750.000- 1.000.000đồng/ tháng.

Một phần của tài liệu Xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề phục vụ hoạt động du lịch Vĩnh Phúc (Trang 34 - 37)