5.1. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức
Hội họp thường rất phức tạp, người tham gia rất đông và thuộc mọi thành phần trong xã hội. Khi tụ họp đông người hoặc biểu tình không đúng luật, lấy ai ra để quy trách nhiệm không phải đơn giản. Tuy vấn đề quy trách nhiệm khó khăn nhưng để đảm bảo trật tự của xã hội và tính nghiêm minh của pháp luật thì không thể không xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm. Điều 4 (Luật số 101) đã xác định “người tổ chức cuộc hội họp phải chịu trách nhiệm về cuộc hội họp”. Thật ra, hội họp trái pháp luật nhiều khi không phải hoàn toàn do lỗi của người tổ chức, cũng có thể do những người hội họp khác. Việc xác định những người không phải là người tổ chức để quy trách nhiệm rất khó. Bởi vì, lượng người trong một cuộc tụ họp hay biểu tình rất lớn. Luật số 101 đã chỉ đích danh người tổ chức phải chịu trách nhiệm về cuộc hội họp. Quy định theo cách như vậy có điểm hay đó là, việc xác định người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật dễ dàng. Nhược điểm của quy định này là bỏ sót những người tụ họp trái luật mà không phải là người tổ chức. Nếu chúng ta xác định được chính xác những người không phải là người tổ chức tụ họp trái luật mà không bị xử lý là một nghịch lý.
Bên cạnh các quy định về quy trách nhiệm cho những người tổ chức, người tham gia biểu tình mà có những hành vi không đúng thì pháp luật cần phải có những quy định về trách nhiệm đối với những trường hợp cản trở việc thực hiện
quyền biểu tình của công dân. Chúng ta nên kế thừa những quy định tại Điều 6 (Luật số 101) “Người nào ngăn cản hoặc phá hoại các cuộc hội họp hợp pháp của
người khác, ép buộc người khác tham dự vào các cuộc hội họp bất hợp pháp, bất cứ bằng cách nào, có thể bị cảnh cáo hoặc bị truy tố trước toà án và bị xử phạt tù từ một tháng đến một năm”. Đặc biệt đối với những trường hợp lợi dụng các quyền
tự do biểu tình để mưu đồ bất chính thì phải nghiêm trị. Đây là quan điểm đã được thể hiện trong Điều 7 (Luật số 101) “Người nào lợi dụng quyền tự do hội họp để
hoạt động trái pháp luật, chống lại chế độ, chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, chia rẽ dân tộc, phá tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, tuyên truyền chiến tranh, âm mưu phá hoại sự nghiệp đấu tranh cho hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ, hành động có phương hại đến trật tự an ninh chung, hoặc đến thuần phong mỹ tục, sẽ bị truy tố trước toà án và xử phạt theo luật lệ hiện hành, và cuộc hội họp sẽ bị cấm hoặc bị giải tán”.
Dù chưa có quy định về vấn đề quy trách nhiệm cho các tập thể trong việc tổ chức biểu tình trong các văn bản đã phân tích nhưng theo quan điểm của các tác giả thì việc quy trách nhiệm cho các tổ chức cũng nên được đặt ra.
Để khắc phục nhược điểm trên khi xây dựng luật biểu tình, các tác giả có kiến nghị đối với vấn đề này như sau:
Trách nhiệm cá nhân:
Luật biểu tình phải xác định rõ trách nhiệm của những người khi tiến hành hoạt động biểu tình nhưng đã gây ra những hệ quả xấu cho cộng đồng, xã hội…theo ý
kiến của các tác giả thì người phải chịu trách nhiệm đầu tiên là những người tổ chức biểu tình. Trách nhiệm của họ có thể được miễn trong trường hợp những sự cố nằm ngoài tầm kiểm soát và hoàn toàn không có lỗi gây ra những thiệt hại. Bên cạnh đó, nếu xác định được người tham gia gây thiệt hại thì tùy theo mức độ nặng nhẹ mà họ có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự.
Đối với những người không tham gia biểu tình nhưng có hành vi cản trở hoặc lợi dụng biểu tình để thực hiện những hành vi trái pháp luật cũng phải bị xử lý theo quy định.
Trách nhiệm của tổ chức:
Một tổ chức đứng ra tổ chức biểu tình mà có sai phạm dẫn đến thiệt hại hoặc nguy cơ đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính hoặc cả hai.
5.2. Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước
Mở đầu của các quy định về quyền tự do hội họp của công dân, Luật số 101 đã dành hẳn một điều để nói về trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo thực
hiện quyền này của công dân. Điều 1 (Luật số 101) quy định “Quyền tự do hội họp
của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do hội họp”. Qua sự ghi nhận này, Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa một
lần nữa khẳng định quyền tự do hội họp là một quyền cơ bản của công dân. Mọi người dân có quyền hưởng nó chứ không phải được Nhà nước ban phát. Nhà nước thể hiện sự “tôn trọng” bằng cách thừa nhận thông qua những quy định cụ thể của Pháp luật. Nếu chỉ dừng lại ở sự thừa nhận của Pháp luật thì không có ý nghĩa trên thực tế. Bởi vì, cái mà người dân cần đó chính là sự thực thi quyền này như thế nào. Việc “bảo đảm” cho quyền tự do hội họp được thực hiện cũng là một điều kiện cho quyền biểu tình được thực hiện trên thực tế.
Với một quy định rất ngắn gọn, Điều này đã nêu lên được hai vấn đề quan trọng thuộc về trách nhiệm của Nhà nước đối với người dân. Thứ nhất: sự thừa nhận quyền tự do hội họp là một quyền cơ bản của công dân. Thứ hai: sự bảo đảm của Nhà nước để quyền này được thực hiện. Tuy nhiên, Điều luật chỉ nêu đơn thuần sự bảo đảm mà chưa có quy định cụ thể bảo đảm như thế nào. Vì vậy, khi công dân thực hiện quyền biểu tình nếu có không có sự bảo đảm từ phía Nhà nước người dân cũng không có cơ sở để phản ánh và đòi hỏi. Khi ấy, trách nhiệm của Nhà nước chỉ mang tính hình thức và quyền lợi của người dân không được đảm bảo. Tức là việc quy trách nhiệm của Nhà nước trong việc không đảm bảo ấy là chưa có đủ căn cứ.
Biểu tình là một quyền cơ bản của công dân. Hiến pháp đã thừa nhận Nhà nước có trách nhiệm trong việc đảm bảo cho nhân dân thực hiện quyền này. Vì thế, trong điều kiện có thể mà Nhà nước không làm tròn trách nhiệm của mình thì cũng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Luật biểu tình phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức trong những trường hợp sau.
Thứ nhất: hạn chế hoặc cấm biểu tình không đúng luật.
Thứ hai: thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo thực hiện quyền biểu tình của người dân.