Posted by nqcenter on April 22, 2008
Một trong những yếu tố tạo dấu ấn trong các tổ chức và doanh nghiệp hiện nay là việc lựa chọn và xây dựng được một hệ thống quản lý hiệu quả công việc.
Hệ thống này bao gồm rất nhiều công cụ quản lý và đánh giá, trong số đó nổi lên một công cụ được coi là chiến lược đánh giá hiệu quả và phù hợp-Đó là phương pháp Bảng điểm cân bằng (Balance Scorecard –BSC).
Bảng điểm cân bằng là một phương pháp nhằm chuyển tầm nhìn và chiến lược của tổ chức thành những mục tiêu cụ thể, những phép đo và chỉ tiêu rõ ràng bằng việc thiết lập một hệ thống đo lường hiệu quả trong quản lý công việc.
Những phép đo của BSC thể hiện sự cân bằng giữa bốn khía cạnh: Tài chính, khách hàng, quá trình nội bộ, đào tạo và phát triển.
Các phép đo được lựa chọn là công cụ dành cho người lãnh đạo truyền đạt tới người lao động và các bên liên quan những định hướng về kết quả và hiệu quả hoạt động mà qua đó tổ chức sẽ đạt được những mục tiêu chiến lược của mình.
Như vậy, BSC được đưa ra trên tinh thần không giấu diếm chiến lược, sẵn sàng chia sẻ và chuyển chiến lược của tổ chức thành những mục tiêu, phép đo và những chỉ tiêu cụ thể và thể hiện trong mỗi khía cạnh của hệ thống quản lý đánh giá.
Việc giải thích định hướng chiến lược yêu cầu xác định cụ thể những gì còn mập mờ, mơ hồ trong định hướng chiến lược của tổ chức.
Bên cạnh đó, để thực hiện chiến lược thành công thì mọi phòng ban, bộ phận trong tổ chức đều phải hiểu rõ chiến lược và thực hiện công bằng, không phân biệt. Việc phổ biến và truyền đạt hệ thống đánh giá cũng là cơ hội liên kết mọi người, mọi bộ phận trong tổ chức.
Những phân tích trên đây cho thấy rõ ý nghĩa của hệ thống đánh giá BSC đối với tổ chức và đặc biệt là bộ phận quản lý nhân sự.
Với chức năng là cầu nối cho lợi ích của cá nhân và tổ chức, bộ phận quản lý nhân sự phải xây dựng nên một hệ thống đảm bảo đánh giá được mức độ đóng góp của từng thành viên đối với tổ chức – từ lãnh đạo các cấp cho tới nhân viên.
Để xác định được điều này một cách khách quan và toàn diện, cán bộ quản lý nhân sự không chỉ nhìn nhận bằng con mắt của một người quản lý trong nội bộ tổ chức mà còn đứng trên quan điểm của một khách hàng.
Mục đích cuối cùng của tất cả các công tác này là hài hòa được lợi ích cho cả hai bên – cá nhân và tổ chức.
Theo Bà Nguyễn Nam Phương, giảng viên cao cấp của nhiều chương trình đào tạo “Nghề Nhân sự” của Trung tâm Đào tạo Quản trị Kinh doanh INPRO, ưu điểm của BSC là quán triệt và đồng nhất được mục tiêu chiến lược của cả cấp trên và cấp dưới, hướng toàn bộ tổ chức vào những khâu chính để thực hiện sự đột phá.
Tuy nhiên, đây là một phương pháp rất khó áp dụng, nó đòi hỏi sự đồng tâm của toàn tổ chức, cần nhiều thời gian và nguồn lực. Để thực hiện thành công công cụ này, bên cạnh việc áp dụng tốt, các tổ chức nên có sự điều chỉnh liên tục để BSC ngày càng phù hợp với chiến lược, mục tiêu và hoạt động của mình?
Theo HNM