I. Bằng chứng về nguồn gốc động vật của loài người 1. Những điểm giống nhau giữa người và thú
Giống nhau về cấu tạo đại thể: cơ thể có đầu, mình, tứ chi, có khoang ngực, khoang bụng... Sắp xếp nội quan giống nhau: hệ tiêu hóa có miệng, hầu, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, hậu môn.
Trên cơ thể người có các cơ quan thoái hóa vốn là những cơ quan trước đây rất phát triển ở động vật: Ruột thừa của người có nguồn gốc từ manh tràng ở động vật ăn cỏ không nhai lại, nếp thịt ở khóe mắt là vết tích của mi mắt thứ 3....
Phôi người lặp lại lịch sử phát triển chủng loại của động vật có xương sống. Khi phôi được 18 - 20 ngày còn có dấu vết khe mang ở phần cổ, được 2 tháng tuổi phôi vẫn còn cái đuôi khá dài. Đến tháng thứ 6 trên toàn bề mặt phôi vẫn còn một lớp lông mịn, chỉ trừ phần môi, gan bàn chân và gan bàn tay, 2 tháng trước khi sinh lớp lông đó mới rụng đi. Ở phôi người thường có vài ba đôi vú, về sau chỉ còn một đôi ở ngực phát triển. Cho đến khi phôi được 3 tháng, ngón chân cái vẫn nằm đối diện với các ngón khác giống như ở vượn.
Một số người cơ thể phủ đầy lông, hoặc có nhiều đôi vú... đó là hiện tượng lại tổ.
Những điểm giống nhau giữa người và thú chứng minh quan hệ nguồn gốc giữa người và động vật có xương sống, đặc biệt là quan hệ rất gần gũi giữa người và thú.
2. Những điểm giống nhau giữa người và vượn người
Về cấu tạo: Vượn người giống người về hình dạng kích thước: cao 1,5 - 2m;nặng 70 - 200 kg, có 12 - 13 đôi xương sườn,5 - 6 đốt xương cùng, 32 răng...
Về sinh lý: Đều có 4 nhóm máu; kích thước, hình dạng tinh trùng, cấu tạo nhau thai giống nhau;,Chu kỳ thai như nhau; ADN giống nhau đến 92% cặp nucleotit...
Về hoạt động thần kinh: Bộ não vượn người cũng khá to, nhiều nếp nhăn, khúc cuộn, vượn người cũng biết vui buồn giận dữ...
Những điểm giống nhau giữa người và vượn người chứng tỏ người và vượn người có quan hệ rất gần gũi, thân thuộc.
3. Những điểm khác nhau giữa người và vượn người
Vượn người đi khom, lồng ngực hẹp về bề ngang, tay dài hơn chân, ngón tay cái đối diện với các ngón khác.
Vượn người hàm thô, không có lồi cằm, không thể hình thành tiếng nói Não vượn nhỏ hơn não người cả về khối lượng lẫn thể tích.
Người đi thẳng, lồng ngực rộng về bề ngang, tay ngắn hơn chân, ngón tay không úp vào các ngón khác. Tay người thoát khỏi chức năng di chuyển
Não người lớn hơn, người có hoạt động ý thức, có hệ thống tín hiệu thứ 2.
Những điểm khác nhau giữa người và vượn người chứng tỏ vượn người ngày nay không phải là tổ tiên của người. Vượn người ngày nay và người là 2 nhánh phát sinh từ một nguồn gốc chung là các vượn người hóa thạch và đã tiến hóa theo 2 hướng khác nhau.
II. Các giai đoạn chính trong quá trình phát sinh loài người Quá trình phát sinh loài người trải qua 4 giai đoạn
1. Các dạng vượn người hóa thạch
Dạng vượn người hóa thạch cổ nhất là Parapitec, sống giữa kỷ Thứ ba, cách đây khoảng 30 triệu năm. Đây là một khỉ, sống trên cây, dùng chi trước để hái quả, cầm nắm thức ăn.
Từ Parapitec đã phát sinh ra vượn, đười ươi ngày nay và Đriopitec đã bị tuyệt diệt. Từ Đriopitec đã dẫn đến gôrila, tinh tinh và nhánh thứ 3 dẫn đến loài người.
2. Người tối cổ
Trong nhánh dẫn đến loài người, từ Đriopitec đã hình thành người tối cổ Pitecantrop. Dạng người này đi thẳng, chưa có lồi cằm, sống cách đay khoảng 1 triệu năm.
Tiếp theo người Pitecantrop là người Xinantrop, họ đã biết chế tạo công cụ bằng đá, biết dùng lửa nhưng vẫn chưa có lồi cằm.
3. Người cổ
Người Neandactan tầm thước gần giống người, có lồi cằm chứng tỏ đã có tiếng nói. Công cụ khá sắc bén, dùng lửa thành thạo.
4. Người hiện đại
Người Cromanhon có cong cụ lao động tinh xảo . Nơi họ ở có các bức tranh mô tả sản xuất. Đây là dạng người kết thúc thời kỳ đồ đá cũ.
III. Các nhân tố chi phối sự phát sinh loài người.
F.Angghen quan niệm con người là một sinh vật xã hội. Các nhân tố sinh học chưa đủ để giải thích quá trình phát sinh loài người mà phải được bổ sung bằng vai trò của các nhân tố xã hội (lao động, tiếng nói, ý thức).
1. Lao động - đặc điểm phân biệt người và động vật
Lao động cần được hiểu theo nghĩa biết chế tạo và sử dụng công cụ lao động. Con hổ săn mồi và con người đi săn hoàn toàn khác nhau về bản chất. Con hổ dùng móng vuốt của mình để vồ mồi, hoạt động của nó là hoạt động bản năng. Con người chế tạo cung tên, dùng để săn thú, đó là hoạt động lao động.
Vượn người ngày nay chỉ biết sử dụng những công cụ sẳn có trong tự nhiên như hòn đá, cành cây và đôi khi chúng có thể cải biến đôi chút như bẻ cành cây dài thành cành cây ngắn để chọc vào tổ mối. Đó là những hoạt động bản năng.
Con người thời tiền sử đã biết dùng hòn đá to đập hòn đá nhỏ để lấy mảnh tước làm dao cắt. Đó là hoạt động lao động
Bằng lao động con người tác động vào tự nhiên, cải tạo hoàn cảnh, làm cho con người bớt phụ thuộc vào tự nhiên, từ đó mà thoát khỏi trình độ động vật.
2. Các sự kiện chính trong quá trình phát sinh loài người 2.1. Sự hình thành đôi bàn tay
Tổ tiên của loài người là dạng vượn người, sống trên cây, đã có sự phân hóa, chi trước cầm nắm leo trèo, chi sau nâng đỡ toàn thân, nghĩa là đã có sự phân hóa chi trước và chi sau, có mầm mống của dáng đứng thẳng.
Vào kỷ thứ Ba, khi băng hà phát triển, những cánh rừng bị thu hẹp,vượn người buộc phải chuyển xuống sống dưới đất. Lúc này mầm mống dáng đứng thẳng tỏ ra có lợi vì dễ kiếm thức ăn, dễ phát hiện kẻ thù từ xa..và được chọn lọc tự nhiên củng cố.
Dáng đi thẳng sẽ kéo theo nhiều biến đổi trên cơ thể, đặc biệt là chi trước được giải phóng, thoát khỏi chức năng vận chuyển, tham gia vào chế tạo và sử dụng công cụ lao động. Qua hàng vạn năm tiến hóa, chi trước của vượn đã hình thành bàn tay của người với những hoạt động tinh xảo.
2.2. Sự hình thành hệ thống tín hiệu thứ 2
Do có lao động, thức ăn tinh cùng với dáng đứng thẳng làm cho hàm bớt thô, xuất hiện lồi cằm. Làm cho lưỡi có khả năng cử động linh hoạt.
Sống dưới đất, sự yếu ớt khi phải chống chọi với thú dữ sẽ được bù đắp bởi lối sống bầy đàn. Sống bầy đàn làm xuất hiện nhu cầu trao đổi thông tin, cùng với sự biến đổi của lồi cằm và lao động dần dần từ tiếng hú của vượn đã trở thành tiếng nói có âm tiết rõ ràng.
Cùng với tiếng nói và sau này là chữ viết đã trở thành hệ thống tín hiệu thứ hai. Hệ thống này làm tăng tốc độ phát triển xã hội loài người.
2.3. Sự hình thành ý thức
Sống có lao động, có hệ thống tín hiệu thứ hai, có chế độ ăn nhiều protein làm cho bộ não ngày càng hoàn thiện. Trên cơ sở đó ý thức hình thành. Ý thức là sự phản ánh thực tiễn khách quan dưới dạng tư duy trừu tượng, khái quát hóa. Nhờ có ý thức, có trí khôn mà con người phát triển vượt lên so với tất cả động vật khác.
2.4. Sự hình thành đời sống văn hóa
Nhờ sự phát triển công cụ lao động, nguồn thức ăn thay đổi về số lượng và chất lượng. Ở một giai đoạn nhất định, tổ tiên loài người đã chuyển từ thức ăn thuần túy thực vật sang việc dùng thịt săn bắn được làm thức ăn, giúp cho việc tăng cường thể lực, thúc đẩy sự phát triển của bộ não. Con người đã biết lợi dụng lửa lấy được trong các vụ cháy rừng rồi biết giữ lửa và làm ra lửa để nấu chín thức ăn. Thức ăn nấu chín đã làm tăng hiệu suất quá trình tiêu hóa, làm cho xương hàm và bộ răng bớt thô, răng nanh thu nhỏ.
loại. Công nghệ và thương mại, tôn giáo, nghệ thuật, khoa học đã ra đời. Từ các bộ lạc đã hình thành các dân tộc, quốc gia với chính trị, luật pháp.
III. Vai trò của các nhân tố sinh học và nhân tố xã hội
Các nhân tố sinh học đã đóng vai trò chủ đạo trong giai đoạn vượn người hóa thạch.
Những biến đổi trên cơ thể các dạng vượn người hóa thạch là kết quả sự tích lũy các đột biến và biến dị tổ hợp dưới tác dụng của chọn lọc tự nhiên.
Để giải thích quá trình biến đổi khá nhanh ở giai đoạn này, G. N Machusin (1982) đã tìm được một số bằng chứngđể đề xuất giả thuyết là trong kỉ Pliôxen ở kỉ Thứ ba, tại vùng Đông Phi, đã xuất hiện những đường nứt sâu trên vỏ Quả đất, hoạt động núi lửa và động đất gia tăng đột ngột, những lò uranium thiên nhiên xuất hiện làm tăng nền phóng xạ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Những tác nhân này đã làm tăng tần số các đột biến, tăng áp lực chọn lọc tự nhiên, do đó tăng tốc độ cải biến di truyền của các nhóm vượn người hóa thạch là tổ tiên của loài người sau này. Theo tác giả, đột biến nhiễm sắc thể ( từ 48 ở vượn người còn 46 ở người kèm theo những biến đổi trong cấu trúc) chắc không chỉ đưa lại những biến đổi thể chất mà còn ảnh hưởng quan trọng tới tiềm năng trí tuệ của loài người.
Từ giai đoạn người tối cổ trở đi, vai trò chủ đạo thuộc về các nhân tố xã hội. Các nhân tố này đã chi phối sự hình thành nhiều đặc điểm trên cơ thể người khác với động vật. Lao động có mục đích đã quyết định hướng tiến hóa của họ người.
Ngày nay, tất cả các qui luật sinh học đặc trưng cho động vật có vú vẫn phát huy tác dụng đối với cơ thể con người nhưng xã hội loài người phát triển dưới tác dụng chủ đạo của các qui luật xã hội. Con người thích nghi với môi trường không phải chủ yếu bằng những biến đổi hình thái, sinh lí trên cơ thể, bằng sự phân hóa và chuyên hóa các cơ quan như ở động vật mà bằng lao động sản xuất, cải tạo hoàn cảnh. Động lực quá trình phát triển xã hội loài người là việc cải tiến công cụ lao động, phát triển lực lượng sản xuất, cải tạo quan hệ sản xuất.
Vì loài người có khả năng thích nghi với mọi điều kiện sinh thái đa dạng, không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và cách li địa lí cho nên về mặt sinh học loài người sẽ không biến đổi thành một loài nào khác nhưng xã hội loài người vẫn không ngừng phát triển.