Khảo sát chương trình “Cửa sổ tình yêu”

Một phần của tài liệu PHÁT THANH TƯƠNG TÁC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 26 - 38)

2.1. Khái quát chung

- Chương trình Cửa sổ tình yêu lúc mới ra đời có thời lượng 30 phút, phát sóng đầu tiên ngày 7/3/1999, lúc 10h – 10h30, phát lại 23h chủ nhật hàng tuần, trên sóng Hệ Văn hóa – Đời sống - Khoa giáo VOV2.

- Cửa sổ tình yêu là chương trình mang tính chất đối thoại với thính giả, đáp ứng nhu cầu tư vấn về tình yêu - hôn nhân của nhóm thính giả trẻ. Chương trình không có kịch bản chi tiết. Nội dung của chương trình được tạo nên bởi những cuộc đối thoại của chuyên gia (khách mời phòng thu) và thính giả (gọi điện thoại đến phòng thu).

- Nhóm thực hiện chương trình gồm: Người dẫn chương trình – Chuyên gia – Kỹ thuật viên. Hiện có 4 chuyên gia: 2 chuyên gia tư vấn về tâm lý và 2 chuyên gia là bác sĩ tư vấn về sức khỏe sinh sản trao đổi trực tiếp với thính giả qua điện thoại. Người dẫn chương trình có nhiệm vụ kết nối thính giả với chuyên gia.

- Quy trình thực hiện: Cửa sổ tình yêu là một dạng chương trình tương tác trong phòng thu, có khách mời, nhưng không phát sóng trực tiếp và không có kịch bản chi tiết. Chương trình sẽ được thu trước, trong khi phát chương trình đã thu đó, người làm chương trình và các chuyên gia đồng thời nhận cuộc gọi của thính giả, trả lời trực tiếp, sau đó biên tập lại và phát sóng.

- Từ 7/9/2003, Cửa sổ tình yêu tăng thời lượng phát sóng từ 30 phút lên 45 phút. Từ 10h00 đến 10h35 và phát lại lúc 22h30 đến 23h15 trên Hệ Văn hóa – Đời sống - Khoa giáo VOV2.

- Trong 4 năm (1999 – 2003), chương tình Cửa sổ tình yêu nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật cũng như kinh phí của Tổ chức Dân số thế giới (UNFPA). Sự hỗ trợ này nằm trong chương trình hoạt động của dự án VIE97/P19: “Nâng cao năng lực tuyên truyền vận động dân số và phát riển đội ngũ cán bộ thông tin đại chúng”.

- Từ 2003 – 2005: Cửa sổ tình yêu được Đại sứ quán vương quốc Đan Mạch tài trợ thông qua dự án: “Đan Mạch hỗ trợ tư vấn trên sóng phát thanh về sức khoẻ sinh sản vị thành niên”.

- Từ 1/1/2005, chương trình có sự cải tiến: Dành khoảng 10 phút cuối chương trình để trả lời thư của thính giả gửi đến trong tuần, nhằm hướng đến thính giả ở vùng sâu vùng xa, biên giới và hải đảo, những nơi chưa có điều kiện thực hiện cuộc tư vấn qua điện thoại.

- Sau gần 10 năm họat động, Cửa sổ tình yêu đã thu hút hàng triệu thính giả trẻ, trang bị cho họ kiến thức bình đẳng giới, phòng chống bạo hành gia đình, định hướng tình bạn, tình yêu và trang bị kiến thức, kỹ năng sức khỏe sinh sản vị thành niên.

- Đến nay, Cửa sổ tình yêu vẫn là chương trình được nhiều bạn trẻ đón đợi, lắng nghe và tham gia.

2.2. Tiêu chí khảo sát

Khảo sát 52 chương trình Cửa sổ tình yêu trong năm 2011. Theo các tiêu chí sau:

- Khảo sát về nội dung chính của chương trình.

- Khảo sát số lượng khán giả liên lạc về chương trình và số lượng thính

giả được tư vấn trên sóng.

- Khảo sát ý kiến của thính giả về chương trình. 2.3. Kết quả khảo sát

* Nội dung chính của chương trình:

Với 52 chương trình từ năm 2011, Cửa sổ tình yêu tập trung vào 2 nội dung:

- Hỏi – đáp, tư vấn về tình bạn, tình yêu, hôn nhân: chiếm 55%. - Tư vấn về sức khoẻ sinh sản: chiếm 45%.

Các vấn đề cụ thể mà thính giả quan tâm là: Quan hệ tình dục trước hôn nhân; Mang thai ngoài ý muốn và các biện pháp tránh thai; Các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và cách phòng tránh; Sự phát triển về tâm sinh lý ở tuổi dậy thì; Chất lượng cuộc sống, tình bạn, tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc gia đình.

* Khảo sát lượng thính giả liên lạc với chương trình và lượng thính giả được tư vấn trên sóng

Cửa sổ tình yêu là chương trình có lượng thính giả đông đảo. Trung bình hàng tuần, chương trình nhận được khoảng 300 thư, cá biệt có ngày nhận được 200 đến thư của thính giả khắp mọi miền đất nước. Nội dung thư phần lớn bày tỏ nhu cầu được tư vấn, giải đáp thắc mắc của thính giả trẻ về các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản vị thành niên, về tình yêu, hôn nhân gia đình.

Không chỉ có thính giả trẻ viết thư về chương trình mà đó còn là các bậc cha mẹ, giáo viên, những người quan tâm đến công tác giáo dục thế hệ trẻ. Điều đó khẳng định sự thành công và hiệu quả xã hội của Cửa sổ tình yêu. Đồng thời cũng cho thấy nhu cầu được tư vấn về lĩnh vực tình yêu, hôn nhân gia đình và sức khỏe sinh sản là rất lớn.

Theo số liệu thống kê khảo sát thính giả cuối năm 2011 của Ban thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, số cuộc gọi đến trong mỗi lần phát sóng giao động từ 50 – 70 cuộc gọi (tương đương 50 – 70 người). Như vậy trung bình có khoảng 60 người gọi đến chương trình mỗi lần phát sóng.

Số thính giả được tư vấn trong mỗi chương trình là 9 thính giả. Trung bình mỗi thính giả được tư vấn khoảng 5 phút trên sóng.

Biểu đồ 6: Khảo sát lượng thính giả liên lạc với chương trình lượng thính giả được tư vấn trên sóng

* Khảo sát tỷ lệ thính giả theo vùng miền

Các cuộc gọi đến chương trình Cửa sổ tình yêu trải dài khắp 64 tỉnh thành, cả những huyện đảo xa xôi, điều kiện liên lạc khó khăn như: Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ, Phú Quốc, Côn Đảo. Theo thống kê khảo sát thính giả cuối năm của Ban thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, tỷ lệ thính giả theo khu vực như sau:

Biểu đồ 7: Tỷ lệ thính giả theo vùng miền

* Khảo sát tỷ lệ thính giả theo độ tuổi

Theo số liệu thống kê khảo sát thính giả cuối năm 2011 của Ban thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, tỷ lệ thính giả theo độ tuổi của chương trình

Cửa sổ tình yêu như sau:

Biểu đồ 8: Tỷ lệ khán giả tính theo độ tuổi

2.3. Nhận xét *Ưu điểm:

- So với các chương trình phát thanh truyền thống, chương trình Cửa sổ tình yêu ra đời năm 1999 trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam có hình thức tương tác tương đối hấp dẫn. Hình thức hỏi – đáp giữa các nhà tâm lý học, bác sĩ với thính giả đã khẳng định sức cuốn hút của phát thanh tương tác, nhất là khi đối tượng cụ thể của chương trình được xác định rõ ràng.

- Bản chất của chương trình Cửa sổ tình yêu là tư vấn về sức khỏe sinh sản trên sóng phát thanh. Tuy là tư vấn cho một người nhưng đồng thời cũng là tư vấn cho hàng triệu người. Tính tương tác của chương trình tạo điều kiện cho đông đảo thính giả tham gia.

Chương trình Cửa sổ tình yêu đã chuyển tải một khối lượng thông tin đáng tin cậy bằng một hình thức hấp dẫn bởi sự tương tác. Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu khám phá bản thân giới trẻ và giải tỏa được những những bức xúc của lứa tuổi vị thành niên trong quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách, giúp họ có thêm bản lĩnh, tri thức để tự bảo vệ mình, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thông qua chương trình, giới trẻ có được quan niệm đúng đắn về tình bạn, tình yêu và hôn nhân, được trang bị những kiến thức cơ bản về tâm sinh lý lứa tuổi, biết cách phòng tránh thai, phòng tránh bệnh lây lan qua đường tình dục.

- Cửa sổ tình yêu đã phát huy được vai trò của truyền thông đại chúng, hướng tới xã hội hóa việc cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, cung cấp kỹ năng sống giúp giới trẻ có những quyết định đúng, có trách nhiệm với hành vi của mình, có trách nhiệm với người thân và xã hội. Chương trình cũng kích thích được nhu cầu thông tin của các nhóm xã hội khác, góp phần làm thay đổi quan niệm và hành vi về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục nhân cách cho vị thành niên. Số lượng lớn cuộc điện thoại, thư của các bậc cha mẹ gửi về cho chương trình đề nghị được tư vấn về những vấn đề mà con cái họ đang gặp phải trong khi cha mẹ lúng túng chưa tìm ra cách giải quyết phù hợp khẳng định điều này.

* Hạn chế:

- Do thời lượng chương trình có hạn, số cuộc gọi về chương trình quá lớn nhưng mỗi chương trình phát sóng chỉ đáp ứng được 1 phần nhỏ. Mỗi chương trình chỉ tư vấn trực tiếp cho 9 thính giả trong tổng số 50 – 70 cuộc gọi. Số lượng thư gửi về chương trình nhiều, song cuối mỗi chương trình cũng chỉ trả lời được cho 3 thính giả (chiếm khoảng 1,5%).

- Về hình thức tương tác: Cửa sổ tình yêu hiện vẫn thực hiện tương tác trực tiếp với thính giả, nhưng không phát sóng trực tiếp. Tuy nhiên, hình thức tương tác chậm cũng có ưu điểm: Biên tập viên có thời gian biên tập lại âm thanh, cắt gọt phần rườm rà, những trường hợp nói ngọng, nói lắp, cho nên chương trình phát sóng khá chỉn chu, sạch sẽ, nhiều thính giả được “lên sóng” hơn.

3. Những vấn đề đặt ra trong việc nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh tương tác trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình có giao lưu, tương tác với thính giả không nhiều. Những chương trình hội đủ các yếu tố của phát thanh tương tác là rất ít.

- Về mặt lý thuyết, dựa trên tiêu chí trọng tâm của phát thanh tương tác là thính giả tác động trực tiếp vào nội dung của chương trình thì chỉ các chương trình có giao lưu với thính giả phát sóng trực tiếp mới hội đủ các yếu tố của phát thanh tương tác. Tuy nhiên, thực tế ở Đài tiếng nói Việt Nam, ngoài kênh

VOV Giao thông, các chương trình có đông thính giả tham gia vào chương trình, làm nên nội dung chương trình lại là các chương trình không phát sóng trực tiếp như: Bạn hãy nói với chúng tôi, Cửa sổ tình yêu. Theo tôi, sở dĩ các chương trình trên thu hút được nhiều thính giả là vì đã xác định rõ nhóm đối tượng để lựa chọn chủ đề. Đặc biệt là đã cấu trúc chương trình theo hướng tương tác với thính giả.

- Thực tế, những chương trình phát sóng trực tiếp để dễ bề giao lưu, tương tác với thính giả như Diễn đàn kinh tế, Khách mời chủ nhật… lại ít thính giả tham gia. Ở các chương trình Diễn đàn kinh tế mà đề tài khảo sát, yếu tố tương tác với thính giả bị hạn chế nhiều. 45 phút phát sóng trực tiếp nhưng hầu như không có ý kiến của thính giả nào. Là chương trình tương tác phát sóng trực tiếp - một cơ hội lớn để thính giả tương tác trực tiếp, nhưng thính giả lại không mặn mà. Điều này cho thấy, việc xác định đối tượng thính giả của chương trình, chọn chủ đề cho chương trình, việc quảng bá nội dung chương trình ở các chương trình này đang còn nhiều hạn chế.

- Thính giả ít được “lên sóng” ở các chương trình tương tác phát sóng trực tiếp như Diễn đàn kinh tế, Khách mời chủ nhật, Diễn đàn tài nguyên môi trường... Ý kiến của thính giả (nếu có) chỉ được biên tập viên dẫn lại chứ không đưa tiếng nói của họ lên sóng. Do vậy, tính xác thực của việc thính giả tham gia vào chương trình thiếu sức thuyết phục. Khi tính tương tác giao lưu với thính giả không đạt được, công cụ phát thanh trực tiếp cũng không phát huy được lợi thế của mình.

- Kết qủa khảo sát 3 chương trình Cửa sổ tình yêu, Bạn hãy nói với chúng tôi, Diễn đàn kinh tế cho thấy thính giả chỉ tích cực tham gia chương trình, làm nên một phần của nội dung khi chương trình đó xác định rõ nhóm đối tượng phục vụ của mình, có nội dung hướng về thính giả, đáp ứng nhu cầu thông tin và chia sẻ thông tin của thính giả. Nếu không xác định rõ ràng đối tượng thính giả của chương trình, phát thanh tương tác sẽ không tạo được chỗ đứng trong lòng thính giả.

- Những chương trình mà đề tài khảo sát hầu hết chỉ có một người dẫn chương trình. Sự tương tác giữa những người dẫn chương trình không có. Một người dẫn một chương trình trực tiếp dài 45 phút như Diễn đàn kinh tế không chỉ mệt mỏi đối với người dẫn mà còn mệt mỏi với cả người nghe. Với chương

trình Bạn hãy nói với chúng tôi, tuy có hai người dẫn, nhưng cả hai đều đọc theo văn bản soạn sẵn, không có sự tương tác giữa hai người dẫn chương trình. Sự “đối thoại” với thính giả cũng mang tính một chiều, không có sự trao đi đổi lại.

- Công tác quảng bá cho các chương trình phát sóng ở Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung và việc quảng bá cho các chương trình phát thanh tương tác chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đây là công việc hết sức cần thiết để thu hút thính giả tham gia chương trình.

- Nhiều chương trình có đông thính giả tham gia, hội tụ nhiều yếu tố và khả năng tương tác nhưng lại không phát sóng trực tiếp (Bạn hãy nói với chúng tôi, Cửa sổ tình yêu). Điều này làm hạn chế sự trao đổi, giao lưu trực tiếp với thính giả. Số lượng thính giả được “lên sóng” còn quá ít so với nhu cầu.

- Việc tạo dựng bản sắc cho chương trình phát thanh tương tác cũng chưa được chú trọng. Tạo dựng bản sắc cho chương trình từ kết cấu, giọng điệu dẫn chương trình, hệ thống nhạc cắt riêng biệt... chưa được đặt ra một cách cấp thiết.

- Hầu hết yếu tố kỹ thuật của các chương trình phát thanh tương tác vẫn chưa được chú trọng. Trong khi để có một chương trình phát thanh tương tác trực tiếp, một chương trình mở thực sự đòi hỏi phải có một cấu hình kỹ thuật phù hợp, tức là studio “hai ngăn” với các thiết bị đàm thoại qua tai nghe. Theo đó là một đội ngũ đạo diễn, dẫn chương trình, kỹ thuật viên chuyên thực hiện phát thanh tương tác mới có thể làm việc theo đúng chức năng của mình.

- Hiện nay, các chương trình mang tính chất tư vấn cho thính giả như

Cửa sổ tình yêu, chuyên mục “9386667 xin nghe” của chương trình Diễn đàn các vấn đề xã hội đang có sự tài trợ của dự án. Khi dự án kết thúc, việc duy trì hình thức tương tác sẽ gặp khó khăn về kinh phí cho cước phí điện thoại và thù

lao cho chuyên gia tư vấn. Vấn đề đặt ra là cần có kinh phí cho những chương trình tương tác, có sự tham gia của khách mời, chuyên gia.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả các chương trình phát thanh tương tác trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đòi hỏi một tư duy phát thanh hiện đại và sự đồng bộ về trình độ nhân lực (phóng viên, đạo diễn, dẫn chương trình, kỹ thuật viên…) cũng như một cấu hình kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ.

- Xét về mặt ưu thế tương tác thì phát thanh có nhiều thế mạnh hơn so với truyền hình, thế nhưng hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam chưa khai thác hết thế mạnh này.

KẾT LUẬN

Ngày nay, phát thanh đang trong quá trình cải biến về nội dung và cách thức để cạnh tranh với các loại hình báo chí khác. Mô hình phát thanh trực tiếp, phát thanh tương tác với các chương trình chất lượng cao, mang tính diễn đàn cho thính giả đang là lựa chọn của nhiều đài phát thanh trong cuộc cạnh tranh thông tin gay gắt hiện nay.

Một phần của tài liệu PHÁT THANH TƯƠNG TÁC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 26 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(38 trang)
w