1. Khái niệm, đối tượng nghiên cứu, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa
tội phạm học và các môn khoa học khác.
1.1 Khái niệm.
Để đáp ứng nhu cầu nhận thức và cải tạo thế giới phục vụ lợi ích xã hội, loài người đã không ngừng tìm tòi nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên và xã hội. Điều đó là cơ sở nảy sinh và phát triển nhiều ngành khoa học khác nhau.
Đã từ lâu, vấn đề đấu tranh ngăn chặn tiến tới làm giảm và loại trừ tội phạm đã trở thành một trong những mối quan tâm chú ý của các Nhà nước dưới mọi chế độ chế độ xã hội khác nhau. Để đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm – hiện tượng xã hội tiêu cực và phức tạp, đòi hỏi con người cần phải không ngừng nghiên cứu để nhận thức đầy đủ về hiện tượng này. Tội phạm là gì? Nó được hình thành phát triểnvà tồn tại theo những quy luật nào? Để đấu tranh với nó cần phải tiến hành bằng những phương pháp tác động ra sao?...Công việc đó được tiến hành gắn liền với thực tế đấu tranh chống tội phạm ở mỗi quốc gia, qua mỗi giai đoạn phát triển của xã hội. Kết quả của quá trình đó đem laị cho loài người những tri thức phong phú cần thiết về hiện tượng tội phạm và những kinh nghiệm quý báu trong đấu tranh chống tội phạm.
Những tri thức và kinh nghiệm về tội phạm và phương pháp phòng chống tội phạm ngày càng được tích luỹ đầy đủ. Bước đầu được phản ánh tản mạn riêng lẻ, sau đó được đúc rút hệ thống lại và được nghiên cứu tỉ mỉ sâu sắc hơn trong các tài liệu chuyên khảo của các ngành khoa học pháp lý, khoa học xã hội. Trong điều kiện các lĩnh vực khoa học phát triển, mạnh mẽ theo hướng chuyên sâu, vấn đề nghiên cứu về tội phạm và biện pháp đấu tranh chống tội phạm được nâng lên và tách riêng thành bộ môn khoa học độc lập chuyên nghiên cứu về những quy luật hình thành, phát sinh phát triển của tội phạm
cùng với các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nhằm loại bỏ và hạn chế sự tác động của hiện tượng này. Như vậy, ngành khoa học nghiên cứu về tội phạm đã ra đời và phát triển.
Xem xét về thuật ngữ, các nhà nghiên cứu thấy rằng: “Tội phạm học” là một cụm từ ghép bao gồm: Crimin: tội phạm (theo ngôn ngữ la tinh) và Logos có nghĩa là: Học thuyết hoặc khoa học (theo tiếng Hy Lạp). Vậy tội phạm học có nghĩa là “học thuyết về tội phạm” hay “khoa học nghiên cứu về tội phạm”. Tuy nhiên, nếu nói là “nghiên cứu về tội phạm” thì nhiều ngành khoa học nghiên cứu về vấn đề này, như: khoa học luật hình sự, khoa học luật tố tụng hình sự, Điều tra hình sự, tâm lý học, xã hội học…Vì vậy, cá nhà nghiên cứu tội phạm học xác định phạm vi nghiên cứu của tội phạm học được giới hạn bởi đối tượng nghiên cứu chủ yếu của nó là:
- Tình trạng tội phạm.
- Nguyên nhân, điều kiện của tội phạm. - Nhân thân người phạm tội
- Biện pháp phòng ngừa tội phạm.
Trên cơ sở đó, có thể nêu khái niệm về Tội phạm hộc như sau:
Tội phạm học là ngành khoa học, nghiên cứu về tội Tình trạng tội phạm, nguyên nhân và điều kiện phát sinh phát triển của tình trạng tội phạm và các loại tội phạm cụ thể, nghiên cứu nhân thân người phạm tội và các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn nhằm hạn chế, tiến tới loại trừ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội.
Trong điều kiện phát triển của sự nghiệp cách mạng hiện nay ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã xác định vị trí quan trọng đặc biệt của công cuộc bảo vệ vững chắc nền an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đấu tranh kiên quyết và triệt để chống các loại tội phạm hình sự. Điều đó đang đặt ra những nhiệm vụ nặng nề cho các nhà nghiên cứu và cán bộ thực tế trong nghiên cứu tội phạm, xây dựng phương pháp đấu tranh ngăn chặn một cách có hiệu quả với
chúng. Nghiên cứu và phát triển hoàn thiện khoa học tội phạm là vấn đề có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đấu tranh chống các loại tội phạm hình sự, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.