Thông thường mỗi hệ thống dao động là một mạch điện gồm điện cảm L và C . Hai thông số quan trọng của mạch là tần số cộng hưởng và hệ số phẩm chất. Ở môn học Lý thuyết mạch, chúng ta đã biết mạch LC cho tần số cộng hưởng riêng là:
0 1 2 f LC (5.1) Còn hệ số phẩm chất: Q 1 L R C
Nhưng ở dải tần số siêu cao (trừ sóng dài của dải sóng m), ta không thể dùng mạch LC cho hiện tượng cộng hưởng, do các nguyên nhân sau:
1. Để nhận được tần số cộng hưởng f0 lớn, ta phải giảm nhỏ các giá trị L và C của cuộn cảm hay tụ điện. Do kích thước chế tạo, ta không thể có các giá trị L và C nhỏ như yêu cầu được.
2. Ở dải sóng siêu cao, kích thước của các cuộn cảm hay tụ điện so sánh được với bước sóng nên tại các tần số này, bản thân mạch dao động cũng đóng vai trò như các phần tử bức xạ năng lượng điện từ làm tăng tiêu hao năng lượng đáng kể trong mạch dao động và mạch không duy trì được dao động ở dải này.
3. Khi tần số tăng, tiêu hao do hiệu ứng bề mặt và tiêu hao trong điện môi của cuộn cảm và tụ điện tăng đáng kể làm giảm phẩm chất của mạch dao động LC, làm cho nó mất tính chọn lọc cộng hưởng.
Vì vậy, ở dải sóng siêu cao, người ta sử dụng các mạch dao động có tham số phân bố, thường gọi là hộp cộng hưởng.
Định nghĩa: Hộp cộng hưởng là một vùng không gian hữu hạn mà ở trong nó sau khoảng thời gian lớn hơn nhiều chu kỳ dao động siêu cao tần có sự tích lũy năng lượng điện từ.
Hộp cộng hưởng thường có dạng kín, tức là được bao bọc bởi thành kim loại. Tuy nhiên cũng có hộp cộng hưởng dạng không kín như hộp cộng hưởng điện môi, hộp cộng hưởng hở ở dải mm hay dải quang học, bao gồm hai bản phản xạ đặt song song cách nhau một khoảng nhất định. Các hộp cộng hưởng kín lại chia làm hai loại:
1. Các hộp cộng hưởng có cấu trúc tương đối đơn giản được tạo nên từ các đoạn ống dẫn sóng đồng nhất rỗng như: hộp cộng hưởng chữ nhật, hộp cộng hưởng trụ tròn, hộp cộng hưởng đồng trục, hộp cộng hưởng xuyên tâm…
2. Các hộp cộng hưởng có cấu trúc phức tạp hơn như: hộp cộng hưởng hình xuyến, hộp cộng hưởng dạng một khâu của đèn Manhetron, hộp cộng hưởng đồng trục có khe hở…
Đối với các hộp cộng hưởng từ đoạn ống dẫn sóng rỗng, do cấu trúc đơn giản nên ta có thể tìm được trường điện từ các dạng tồn tại bên trong chúng bằng cách tìm nghiệm của các phương trình Maxwell với các điều kiện bờ đã cho rồi từ đó tìm được các đại lượng đặc trưng cơ bản là bước sóng cộng hưởng riêng hay tần số cộng hưởng riêng và hệ số phẩm chất của hộp cộng hưởng ứng với các dạng dao động khác nhau trong hộp.
Đối với các hộp cộng hưởng phức tạp thì do cấu trúc điều kiện bờ phức tạp, ta chỉ xét cấu trúc của trường điện từ của các dao động hay sóng trong chúng, kết hợp với tìm biểu thức cho bước sóng hay tần số cộng hưởng riêng của dạng dao động được sử dụng và nêu ứng dụng của chúng.
Khác với các mạch cộng hưởng LC chỉ có một tần số cộng hưởng riêng f0 khi đã cho các giá trị của L và C, trong hộp cộng hưởng với kích thước đã cho có thể tồn tại vô số các dao động riêng có cấu trúc trường khác nhau và tương ứng cho các bước sóng cộng hưởng hay tần số cộng hưởng và hệ số phẩm chất khác nhau.
Các hộp cộng hưởng được ứng dụng trong kỹ thuật siêu cao làm mạch dao động trong các lĩnh vực như: trong chế độ dao động tự do nó được dùng làm hộp tiếng vọng để kiểm tra các trạm phát xung. Trong chế độ dao động cưỡng bức, hộp cộng hưởng đóng vai trò của hệ cộng hưởng chọn lọc cho các thiết bị thu, phát, đo lường. Trong các dụng cụ điện tử và bán dẫn siêu cao, hộp cộng hưởng tạo ra không gian tương tác và trao đổi năng lượng giữa trường điện từ và các điện tử hoặc lỗ trống để tạo hoặc khuếch đại các dao động siêu cao tần.