Chương 10. Tóm tắt sự phát triển tiến hóa của Động vật có xương sống Nguồn gốc của động vật dây sống Sự phát triển tiến hóa của nhóm Không hàm Sự phát triển tiến hóa của nhóm Cá Sự phát triển tiến hóa của nhóm Lưỡng cư

Một phần của tài liệu Giáo trình Động vật có xương sống (Trang 48 - 51)

TÓM TẮT SỰ PHÁT TRIỂN VÀ TIẾN HÓA CỦA ĐỘNG VẬT CÓ XƯƠNG SỐNG

1. Nguồn gốc động vật dây sống

Tổ tiên của động vật dây sống là động vật hình giun có đối xứng hai bên, thể xoang sinh sau, ít phân đốt và thuộc động vật miệng sinh sau, được gọi là Không sọ nguyên thủy. Từ nhóm Không sọ nguyên thủy phát sinh ra nhóm Có sọ nguyên thủy, nhóm này tiếp tục phát triển theo hai hướng : một nhánh là gốc của nhóm Mang trong (Entobranchiata), nhóm thứ hai gọi là nhóm Mang ngoài (Ectobranchiata) sẽ sinh ra tất cả các lớp động vật có xương sống còn lại. Chúng họp lại thành nhóm động vật Có hàm (Gnathostomata).

2. Sự phát triển tiến hóa của nhóm không hàm

Tới kỉ Silua trên đã xuất hiện động vật không hàm có giáp xương bì bọc ngoài : nhóm Giáp bì (Ostracodermi), nhóm này chia làm 2 lớp : lớp Giáp vây (Pteraspidomorphi) và lớp Giáp đầu (Cephalaspidomorphi), lớp Giáp đầu gồm 2 lớp phụ Giáp xương (Osteostraci) và Giáp thiếu (Anaspida). Cuối kỉ Đêvôn tất cả các loài Không hàm tuyệt chủng, chỉ còn một nhánh bên phát sinh từ nhóm Giáp thiếu, nhờ sự thích nghi với đời sống ký sinh nên tồn tại được đến nay. Đó là lớp Miệng tròn (Cyclostomata).

3. Sự phát triển tiến hóa của nhóm cá

Từ kỉ Silua nhóm Có hàm (Gnathostomata) phát triển mạnh và đa dạng, được các nhà khoa học xếp chung vào lớp cá Móng treo (Aphetohyoidea) và được chia làm 3 phân lớp : Cá gai (Acanthodii), Cá cánh (Pterichthyes), Cá cổ khớp (Arthrodiri), trong đó đặt biệt đáng chú ý là Cá gai cổ (Acanthodii), cấu tạo có đặc điểm của Cá sụn và Cá xương, nên được xem là nơi xuất phát của Cá sụn, Cá xương.

Cá sụn cổ hình thành từ Cá móng treo ở kỉ Đêvôn, đến Pecmơ thì tuyệt diệt. Cá Mang tấm (Elasmobranchiata) được hình thành từ Cá sụn cổ, đến Jura phân theo hai hướng : vận động mạnh cho ra Cá nhám, vận động ít ở đáy cho ra Cá đuối, tồn tại đến ngày nay.

Cá xương cũng bắt nguồn từ phân lớp cá gai, nguyên thủy nhất là tổng bộ Vây tia cổ hình thành nên Cá láng xương ở kỉ Tam điệp. Ở kỉ Jura, Cá láng xương hình thành nên Cá xương, hiện nay cực thịnh.

4. Sự phát triển tiến hóa của lưỡng cư

Tổ tiên của lưỡng cư bắt nguồn từ cá vây tay cổ (Osteolepiformes).

Ở những lớp đất thuộc kỉ Than đá đã phát hiện được nhiều hóa thạch của lưỡng cư cổ, được gọi là Lưỡng cư đầu giáp (Stegocephalia). Lưỡng cư đầu giáp phát triển mạnh trong kỉ Than đá và Péc mơ, có lẽ vào giữa kỉ Jura Lưỡng cư đầu giáp hình thành bộ

Lưỡng cư không đuôi, bộ Lưỡng cư có đuôi ở kỉ Phấn trắng, còn bộ Lưỡng cư không chân chưa rõ nguồn gốc vì chưa phát hiện được di tích hóa thạch.

5. Sự phát triển tiến hóa của bò sát

Tổ tiên bò sát là những loài lưỡng cư đầu giáp sống ở kỉ Đêvôn. Thằn lằn sọ đủ là những bò sát cổ nhất, còn mang nhiều đặc điểm giống với lưỡng cư đầu giáp cổ.

Thằn lằn sọ đủ phát triển chuyên hoá với các điều kiện sống đa dạng và cho ra nhiều nhóm bò sát cổ khác nhau : Rùa, Chủy đầu, có vảy, khủng long, cá sấu, thằn lằn cánh, bò sát hình thú.

Đến cuối đại Trung sinh nhiều nhóm bò sát cổ đã bị tiêu diệt, chỉ còn một số loài có cõ nhỏ như : thằn lằn, rắn, rùa, cá sấu.... là còn tồn tại và sống sót đến ngày nay.

6. Sự phát triển tiến hóa của chim

Tổ tiên chim là một số loài thằn lằn sống trên cây chuyên ăn sâu bọ, người ta giả thiết rằng đó là loài bò sát cổ Psơdoxusi (Pseudosuchia) nằm trong nhóm thú răng huyệt (Thecodontia).

Hoá thạch chim cổ nhất được phát hiện vào cuối kỉ Jura, có đầy đủ những đặc điểm của chim, song vẫn còn mang nhiều đặc điểm của bò sát. Tuy nhiên chim cổ kỉ Jura không phải là tổ tiên trực tiếp của loài chim, tổ tiên trực tiếp của chim phải ở dạng nguyên thủy hơn, có lẽ chim hiện đại được hình thành từ cuối kỉ Phấn trắng hoặc đầu kỉ Đệ Tam của đại Cận sinh.

7. Sự phát triển tiến hóa của thú

Tổ tiên của thú là nhóm bò sát răng thú (Theriodonta) ở kỷ Pecmi thuộc đại Cổ sinh. Nhóm bò sát răng thú này rất gần với lưỡng cư.

Thú túi có lẽ xuất hiện vào đầu kỉ Phấn Trắng. Thú nhau cũng có một gốc chung và phát triển song song với thú túi.

Những thú nhau cổ nhất là Thú nguyên ăn thịt và Thú nguyên ăn sâu bọ.

Nhóm Thú nguyên ăn sâu bọ phát triển theo nhiều hướng cho : bộ Tê tê và bộ Thiếu răng; bộ Gặm nhấm và bộ Thỏ, bộ Cánh da, bộ Ăn sâu bọ và bộ Khỉ hầu.

Nhóm Thú nguyên ăn thịt phát triển theo hai hướng: một hướng cho bộ Ăn thịt cổ cho nguồn gốc những bộ Ăn thịt, bộ Chân màng, bộ Cá voi và bộ Guốc chẵn; một hướng cho bộ có Guốc cổ, bộ này cho bộ Voi, bộ Bò nước và bộ Guốc lẻ.

Câu hỏi:

1. Nguồn gốc tiến hóa của nhóm Không hàm (Agnatha) 2. Nguồn gốc tiến hóa của các nhóm Cá

3. Nguồn gốc tiến hóa của Lưỡng cư (Amphibia) 4. Nguồn gốc tiến hóa của Bò sát (Reptilia) 5. Nguồn gốc tiến hóa của Chim (Aves) 6. Nguồn gốc tiến hóa của Thú (Mammalia)

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

KHOA SINH-MÔI TRƯỜNG



ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG

ĐỘNG VẬT HỌC 2

Người biên soạn : TS. Đinh Thị Phương Anh

Đà Nẵng, tháng 3 năm 2008

Một phần của tài liệu Giáo trình Động vật có xương sống (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(51 trang)
w