- Gia đình: vợ chồng có quyền và nghĩa vụ bình đẳng trong sở hữu tài sản chung, sử dụng thu nhập; có trách nhiệm như nhau trong kế hoạch hóa gia định và nghỉ
4. Trách nhiệm của bản thân người phụ nữ
Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện công cuộc cải cách kinh tế- xã hội, và hội nhập quốc tế, bản thân người lao động nói chung và phụ nữ nói riêng không chỉ phải cần cù chịu khó, chịu đựng gian khổ, mà cần thông minh, nhạy bén với cái mới; phải tháo vát năng động đối phó với các tình huống xảy ra; độc lập suy nghĩ, phát huy năng lực trí tuệ cá nhân, dám quyết đoán và chịu trách nhiệm.
Yêu cầu nêu trên đặt ra cho tất cả mọi người lao động nam, nữ, với mức độ khác nhau, tùy công việc, ngành nghề, vị trí xã hội. Nhưng với phụ nữ lại có đặc điểm riêng do thiên chức làm mẹ và trách nhiệm nặng nề trong việc giáo dục con cái, chăm sóc gia đình. Như vậy, điều kiện làm việc, học tập, sinh sống của họ rõ ràng có nhiều khó khăn hơn nam giới. Câu hỏi đặt ra ở đây là chị em phải phấn đấu như thế nào để có thể tham gia có hiệu quả vào công cuộc đổi mới của đất nước cũng như tự tạo dựng cho bản thân mình và gia đình một cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa? Để làm được điều đó, ngoài những yếu tố khách quan như các chính sách tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của cộng đồng, và xã hội, của những người thân, thì sự phấn đấu và nỗ lực chủ quan của người phụ nữ là hết sức quan trọng và là yếu tố quyết định. Việc phát huy vai trò của người phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng giữa nam và nữ là mục tiêu của phụ nữ Việt Nam, và lực lượng cơ bản để thực hiện mục tiêu đó, trước hết phải là người phụ nữ.
Phụ nữ không thể trông chờ ai làm hộ cho mình mà chính họ phải vươn lên, tự giải phóng và phải đấu tranh để giữ lấy quyền lợi và phát huy vai trò của mình trong đời sống xã hội.
Theo Di chúc của Bác Hồ “Đảng, Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”. Thực hiện lời dạy của Bác, nhiều chị em trong điều kiện không thuận lợi, có trường hợp đặc biệt khó khăn, đã vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác. Thành công của họ chính là do có sự tự phấn đấu là chính. Có thể phác họa những nét chung của sự phấn đấu của chị em như sau: Thứ nhất, đó là tinh thần học tập, kiên trì khắc phục trở ngại để nâng cao trình độ học vấn, trình độ kiến thức đa dạng của mình; ý thức nắm bắt thông tin xã hội qua giao tiếp với bạn bè, sách báo, phương tiện thông tin đại chúng. Thực ra, đây là vấn đề rất khó mà phụ nữ cần phải vượt qua, vì chị em thường bị ngập trong những công việc gia đình, thời gian học tập ít ỏi, cơ hội học tập hiếm, và sự giao lưu xã hội bị hạn chế nhiều so với nam giới.
Thứ hai, biết tính toán công việc chuyên môn, thu xếp cuộc sống cá nhân và
gia đình một cách khoa học, có nề nếp là điều giúp người phụ nữ khắc phục được nhiều khó khăn. Khi chị em có chương trình làm việc lâu dài và trước mắt hợp lý, biết sắp đặt việc nhà, việc cơ quan, việc sản xuất, kinh doanh, họ sẽ có thời gian nghỉ ngơi, từng bước nâng cao trình độ kiến thức; Ngoài ra, bản thân chị em cũng cần có sự chủ động nâng cao hơn nữ nhận thức giới, có kế hoạch trau dồi kiến thức, năng lực công tác. Thứ ba, phụ nữ cần có sự suy nghĩ độc lập, sáng tạo, và phải có chủ kiến của mình; đồng thời cần lắng nghe ý kiến của người xung quanh, với các đồng nghiệp; chú ý trao đổi ý kiến và kinh nghiệm; Thứ tư, yếu tố đặc biệt quan trọng tác động đến hiệu quả công việc của người phụ nữ chính là lòng tự tin vào năng lực bản thân, đánh giá đúng khả năng của mình để có thể tự quyết định công việc một cách chủ động và dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Cùng với các yêu cầu trên, việc xây dựng một tác phong làm việc nhanh nhẹn, tháo vát là hết sức cần thiết đối với người phụ nữ, phù hợp với xã hội công nghiệp và thời đại đầy những biến động nhanh chóng, liên tục.
* * *
Là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và dẫn đầu khu vực châu Á- Thái Bình Dương về tỷ lệ nữ giới trong Quốc hội, Việt Nam được xem là một trong những nước đạt được nhiều tiến bộ trong bình đẳng giới. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã có những chính sách phù hợp nhằm đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ và nam giới và đã có những tiến bộ đáng kể nhằm cải thiện tình hình của phụ nữ nói chung. Tuy nhiên, những thành tựu này vẫn chưa hoàn toàn mang tính đồng bộ với nhiều bất cập vẫn còn tồn tại liên quan đến quyền lợi và sự tham gia vào đời sống kinh tế- xã hội của người phụ nữ. Hơn nữa, cùng với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ngày càng mở rộng, những thách thức của vấn đề bình đẳng giới sẽ còn phức tạp hơn nữa cùng với sự biến đổi của cơ cấu thị trường lao động nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế. Trước tình hình đó, để đạt được sự bình đẳng giới và phát huy một cách có hiệu quả vai trò của người phụ nữ trong tiến trình phát triển, đòi hỏi tất cả các tác nhân trong xã hội, như nhà nước, hội phụ nữ, gia đình..., và bản thân người phụ nữ phải có trách nhiệm trong việc tạo ra, duy trì và phát triển một môi trường thuận lợi ở ngoài xã hội cũng như trong phạm vi mỗi gia đình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- ADB, DFID, CIDA (2006), Đánh giá tình hình giới ở Việt Nam. Hà Nội, NXB Lao động xã hội;
2- Giới và kinh tế chất thải- kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế (2003). Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia;
3- Lại Thu Hà, Một số vấn đề về bình đẳng giới trong lao động việc làm ở nước ta hiện nay. T/c Khoa giáo, No 8, 2007;
4- Lê Thi, Việc làm, đời sống phụ nữ trong chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam (1999). Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội;
5- Ngân hàng Thế giới (2006), Đưa vấn đề giới vào phát triển. Hà Nội, NXB Văn hóa Thông tin;
6- Nguyễn Thị Ninh, Công tác cán bộ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. T/c Cộng sản, No 788, 2008;
7- Trần Anh Tuấn, Vấn đề bình đẳng giới trong quá trình tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức. T/c Tổ chức nhà nước, No 8/2008;
8- Trần Thị Vân Anh, Nguyễn Hữu Minh (2008), Bình đẳng giới ở Việt Nam. Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội;
9- Trần Đức Vui, Bất bình đẳng giới trong thu nhập và việc làm. T/c Lao động và xã hội, No 334, 2008;
10- Trần Thị Hòe, Bảo đảm quyền tham gia chính trị của phụ nữ trong bối cảnh toàn cầu hóa ở nước ta hiện nay. T/c Thông tin Khoa học Xã hội, No 3, 2008;
11- Võ Thị Mai, Về công bằng, bình đẳng giới trong hệ thống chính trị ở Việt Nam, T/c Thông tin Khoa học Xã hội, No 3, 2007.