6. Tiến độ thực hiện
1.7 NGHĨA CỦA VIỆC GIÁO DỤC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
Việc đầu tư kinh phí cho thiết bị, huấn luyện con người để đối phó với thiên tai thường rất lớn và tốn thời gian nhưng mang nhiều ý nghĩa và có hiệu quả kinh tế - xã hội rất cao. Bên cạnh đó sự ổn định xã hội, sự an bình trong dân cư còn mang ý nghĩa về mặt chính trị. Thiên tai là những tai hoạ mang tính khách quan, khó có thể tránh khỏi và loại trừ hoàn toàn. Hiểu rõ bản chất và nguyên nhân hình thành thiên tai cũng như qui luật của nó giúp chúng ta chủ động, bình tĩnh trước sự hiện diện của thiên tai, giúp chúng ta phòng ngừa và giảm thiểu được các thiệt hại. Muốn được như vậy con cháu chúng ta phải được giáo dục về thiên tai, giáo dục phòng chống thiên tai.
Ngày 08/10/2003, ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai được tổ chức tại Hà Nội, với chủ đề: “Sống chung với rủi ro: Đẩy lùi thiên tai để phát triển bền vững”, bà Kanni Wignaraja, Quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng nước ta cần giải quyết 04 vấn đề sau:
- Chuyển đổi phương thức tiếp cận từ ứng phó thiên tai sang giảm thiểu rủi ro. Trong các chương trình qui hoạch phát triển các ngành kinh tế - xã hội nên gắn chiến lược giảm thiểu rủi ro do thiên tai vào quá trình xoá đói giảm nghèo, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo trợ xã hội.
- Tăng cường năng lực cho các cấp địa phương để có khả năng phát hiện nhanh rủi ro, đánh giá tác động của chúng cũng như xây dựng và vận hành các hệ thống dự báo, cảnh báo.
- Chú ý tới tầm quan trọng của việc tiếp cận thông tin, giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân.
- Quản lý rủi ro thiên tai đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức và cá nhân thuộc mọi lĩnh vực.
Như vậy, để phòng chống được thiên tai, để có thể giảm đến mức thấp nhất sự thiệt hại do thiên tai gây ra, vai trò của giáo dục là rất lớn.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG GIÁO DỤC THIÊN TAI TRONG NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ