Đối với ngành thuỷ sản

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đến năm 2020 (Trang 27 - 29)

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu

Ngành thuỷ sản cần xúc tiến xây dựng các bộ phim tài liệu để quảng bá về thuỷ sản Việt Nam, giúp doanh nghiệp tham gia các hội chợ thuỷ sản quốc tế để xây dựng và quảng bá thương hiệu ra thị trường thế giới. Chương trình thương hiệu quốc gia phải tích hợp được các chương trình thương hiệu doanh nghiệp. VASEP phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức các sự kiện thủy sản Việt Nam (triển lãm, hội chợ…).

Xây dựng hệ thống hạ tầng và dịch vụ xuất khẩu thuỷ sản

Ngành thuỷ sản cần tập trung xây dựng các cảng cá, các trung tâm thương mại thuỷ sản (như các chợ đầu mối, siêu thị thuỷ sản, …), đảm bảo cung cấp nước sạch cho chế biến, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Phát triển các dịch vụ tài chính, vận tải, logistics.

KẾT LUẬN

Trong những năm qua, DNXKTS Việt Nam đã có bước phát triển nhanh và mạnh mẽ, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển của DNXKTS vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của đất nước, mà nguyên nhân chủ yếu là do NLCT còn thấp.

Để triển khai đo lường năng lực cạnh tranh, luận án đã sử dụng phương pháp ma trận do Thompson – Strickland đề xuất. Hai công việc quan trọng được thực hiện là: đo lường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và đo lường một số yếu tố môi trường bên ngoài ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thang đo Likert 5 bậc được sử dụng. Đối tượng khảo sát là các doanh nhân kinh doanh thuỷ sản và một số chuyên gia am hiểu vấn đề.

Kết quả khảo sát cho thấy, đối với doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, có một số điểm mạnh cần phát huy là: năng lực cạnh tranh về giá, năng lực quản trị, năng lực nghiên cứu và triển khai và năng lực công nghệ sản xuất.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có những điểm yếu cần khắc phục là: năng lực xử lý tranh chấp thương mại, năng lực phát triển quan hệ kinh doanh, sức cạnh tranh thương hiệu, năng lực marketing và nguồn nhân lực.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng, một số yếu tố môi trường bên ngoài có ảnh hưởng tích cực đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó là sự gia tăng sản lượng thuỷ sản của Việt Nam; chính sách khuyến khích xuất khẩu của Chính phủ. Những yếu tố ảnh hưởng xấu đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trước hết phải kể đến: sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường nguyên liệu; lạm phát gia tăng; việc quản lý môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm chưa tốt; quản lý xuất nhập khẩu còn nhiều bất cập; hệ thống giao thông và cung cấp điện, nước chưa đạt yêu cầu là những yếu tố khách quan ảnh hưởng lớn đến các hoạt động khai thác và xuất khẩu thuỷ sản của nước ta.

Trong những năm tới, bên cạnh nhiều cơ hội lớn để phát triển, các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cũng gặp không ít thách thức, khó khăn. Hàng rào phi thuế quan dựng lên ngày càng nhiều, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe, tình hình cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt. Để cải thiện năng lực cạnh tranh của mình, doanh nghiệp cần phải tự thân là chính. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh là quá trình phấn đấu lâu dài, với việc thực hiện đồng bộ nhiều khâu, tác động đến nhiều nhân tố. Trong quá trình này, giải pháp đối với từng doanh nghiệp không thể giống nhau.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tác giả đề xuất 3 nhóm giải pháp, đó là: -Nhóm giải pháp phát huy điểm mạnh, bao gồm 4 giải pháp;

-Nhóm giải pháp khắc phục điểm yếu, bao gồm 5 giải pháp; -Nhóm giải pháp hỗ trợ, gồm 4 giải pháp.

Các kiến nghị đối với nhà nước và ngành thuỷ sản cũng được đề cập trong luận án nhằm giúp cho các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản nói riêng nâng cao thêm năng lực cạnh tranh của mình trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới./.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đến năm 2020 (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(27 trang)
w