Kết cấu hình tượng của Thơ mới

Một phần của tài liệu kết cấu thơ trữ tình (nhìn từ góc độ loại hình) (Trang 123 - 146)

6. Cấu trúc của luận án

3.2. Kết cấu hình tượng của Thơ mới

Trong phần viết này, chúng tôi không có tham vọng bàn hết vế mọi đặc điểm kết cấu hình tượng của Thơ mới. Đó là một công việc lớn đòi hỏi sự phối hợp nghiên cứu của nhiều người. Xin chọn cách đi vào mô tả đặc điểm kết cấu hình tượng của một số mảng thơ nổi bật trong Thơ mới như mảng "luận đề"; mảng trữ tình thông qua một câu chuyện, mảng tả cảnh, thiên nhiên, tức những mảng thơ mà đặc điểm kết cấu của chúng chưa được nói kỹ trong phần viết về các nguyên tắc kết cấu của Thơ mới ở trên.

3.2.1. Đặc điểm kết cấu của mảng thơ trực tiếp trình bày một quan niệm, một tư tưởng

Thơ mới có rất nhiều bài mà ở đó cảm hứng chủ đạo là cảm hứng phô bày trực tiếp một quan niệm, một tư tưởng nào đó. Chúng đã tạo thành một mảng rất đậm mang đầy đủ phong cách thời đại và ảnh hưởng không nhỏ đến cả phong trào, với sự góp mặt của nhiều kiện tướng hàng đầu của Thơ mới như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cạn, Vũ Hoàng Chương v.v... Sự xuất hiện của mảng thơ này đã đáp ứng được yêu cầu "chính danh" đối với cuộc cách mạng về thơ mà Thơ mới đã phát động. Nó đã đứng ra đỡ lấy một phần gánh nặng tư tưởng mà Thơ mới phải mang theo do có liên hệ mật thiết với phong trào Duy Tân đầu thế kỷ. Tất nhiên, ở đây chúng tôi sẽ không đi vào đánh giá thực chất, chiều sâu các quan niệm, các tư tưởng đã được đưa vào thơ một cách trực tiếp và đầy ý thức, mà chỉ quan tâm xem chúng đã được đưa vào theo cách nào và cách đưa đó có hiệu quả hay không mà thôi.

Đầu tiên, hãy đi vào một trường hợp tiêu biểu: Xuân Diệu. Trong hai tập Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió(1945), có rất nhiều bài mà các vấn đề nhận thức - tư tưởng tác giả muốn đề cập đã thể hiện rõ ngay từ nhan đề: Cảm xúc, Yêu, Thanh niên, ... Có khí vấn đề được ẩn dưới một hình tượng: Đì thuyền, giờ tàn, Cặp hài vạn dặm, sắt, Núi xa, Chiếc lá, Gửi hương cho gió, Nưới đổ lá khoai, Xuân không mùa, Hy Mã Lạp Sơn ... Lại có khi, vấn đề được báo hiệu từ một tháị độ ứng xử: phải nói, Vội vàng, Giục giã, Ca tụng .... Gần như tương ứng với từng kiểu đạt nhan đề, mỗi cụm

bài lại có một kiểu kết cấu riêng. Ở những bài mà tên tác phẩm đã chỉ rõ vấn đề nhà thơ muốn nói, ngay từ đầu ta đã thấy xuất hiện những định nghĩa - định nghĩa vấn đề đựơc nêu lên, hoặc theo đích trực tiếp, hoặc bằng những phản đề:

Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió

Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây (Cảm súc)

Yêu là chết ở trong lòng một ít Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu (Yêu)

Mai yếu đuối, Sao bằng thông mạnh mẽ? Dáng yêu kiều, sao bằng vẻ hùng anh ...

(Đẹp)

Cứ thế, bài thơ được triển khai, được mở rộng dần theo từng khía cạnh của định nghĩa để cuối cùng đưa đến cho người đọc một nhận thức đầy đủ về vấn đề tác giả muốn nói. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận thấy trong Thơ mới có nhiều câu thơ định nghĩa (Nguyễn Phan Cảnh, Đỗ Lai Thúy, Lê Đình Kỵ...). Có thể nói thêm: những câu thê định nghĩa này xuất hiện trước hết và nhiều nhất trong những bài thơ ưu tiên cho việc trình bày một dòng tư tưởng, sau đó, nó được áp dụng rộng rãi xem như một thí nghiệm đã thành công và hoàn toàn có lý do tồn tại để tăng cường tính duy lý trong thơ, để giúp nhà thơ ở những điều kiện nhất định có khả năng làm nổi bật được bản chất của sự vật, hiện tượng. Khi định nghĩa đã được thực hiện một cách trọn vẹn, nhà thơ kết thúc bằng cách láy lại ý mở đầu như để khẳng định vấn đề thêm một lần nữa. Chẳng hạn ở bài Cảm xúc tương ứng với câu mở đầu đã nêu trên là một chất vấn ngược:

Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm Sao lại trách người thơ tình lơi lả

Hay ở bài Yêu câu kết thúc chính là câu đầu được lặp lại (Yêu, là chết ở trong lòng một ít)làm cho bài thơ có tính khép kín - sự khép kín của một vấn đề đã đã được nhận thức thấu triệt và xong xuôi.

Nhìn chung, kiểu kết cấu vừa mô tả ở trên là một sản phẩm đích thực của thời Thơ mới với ảnh hưởng rõ nét của lối tư duy phân tích phương Tây ưa chẻ ngọn ngành và nói hết các khía cạnh của sự vật.

Bên cạnh những bài thơ có kiểu kết cấunhư trên là những bài mà ở đó thủ pháp hình tượng hóa luận đề có vị trí nổi bật. Thơ cổ điển cũng đã sử dụng lối hình tượng hóa một nhận thức, một suy nghiệm, kiểu như hai câu sau trong bài Thối đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Thớt có tanh tao, ruồi đổ đến Gang không mật mỡ, kiến bò chi

Nhưng dù sao sự hình tượng hóa đó cũng chỉ mới diễn ra ở cấp độ câu chứ chưa diễn ra ở cấp độ bài vì các tác giả cổ điển chưa chú ý xây dựng một hình tượng thống nhất mà mỗi đặc tính của hình tượng lại tương ứng với một khía cạnh cụ thể trong tư tưởng mà nhà thơ muốn tỏ bày. Đến thơ Xuân Diệu, ta đã thấy có nhiều hình tượng mang đặc điểm mới vừa nói. Bài Thời gian đã hình tượng hóa triết lý thời gian của Xuân Diệu bằng hai hình tượng song đôi, gắn bó chặt chẽ với nhau là nước và thuyền:

Dưới thuyên nước trôi; Trên nước thuyền chuồi Và nức, và thuyền

Xuôi dòng đi xuôi

Sự trôi chảy của dòng nước diễn ý sự trôi chảy của thời gian. Sự trôi xuôi của thuyền lại diễn ý sự trôi chảy của một đời người. Mối quan hệ giữa nước và thuyền biểu đạt mối quan hệ giữa đời người với thời gian - tất cả cùng trôi và đều làm rõ những đặc điểm của nhau. Sau khi đã chọn được một hình tượng thích hợp khả dĩ nói hết được quan niệm của mình; nhà thơ đi vào miêu tả từng đặc điểm một của hình tượng để từ đó làm sáng tỏ từng khía cạnh của một tư tưởng.Nước không vội vàng; Thuyền không chậm chạp - đó là đặc tính thứ nhất của nước và thuyền, ứng vứi ý niệm về sự trôi chảy lạnh lùng của thời gian ngoài tầm kiểm soát của con người. Nứơc trôi

vô tri; Vô tình, thuyền đi là đặc tính thứ hai của nước và thuyền, ứng với ý niệm về sự vận hành song song nhưng không đồng nhất giữa thời gian nói chung và thời gian đời người. Nước cũng mất luôn .../ Nhưng nước còn nguồn; Thuyên chìm, trong lúc/ đêm ngày nước tuôn lại là một đặc tính khác của hình tượng cặp đôi nước – thuyền, ứng với ý niệm về sự hữu hạn của đời người và sự vận hành mải miết, vô tận của thời gian. Như vậy, logic kết cấu của bài thơ này là từng đoạn, từng khổ kế tiếp nhau theo yêu cầu làm nổi bật tuần tự từng đặc điểm một của hình tượng (vốn được chọn lựa công phu để tác giả có thể yên tâm ủy thác cho nó sứ mệnh trình bày tưtưởng). Bài thơ kết thúc khi những đặc điểm chính của hình tượng được miêu tả hết, củng cố nghĩa là khi tư tưởng đã được triển khai đầy đủ. Đây cũng chính là kết cấu chung của những bài thơ như Núi xa, Gửi hương cho gió, Hy Mã Lạp Sơn... một kiểu kết cấu không tìm thấy trong thơ cổ điển, mà học được ở thơ ca phương Tây, cụ thể là ởthơ Pháp thế kỷ XIX với những bài thơ như Cái chết của con sói (Yigny), Chim hải âu (Baudelaire), Bình vỡ, Những con mắt (Prudhomme) v.v... Ở đây, cần lưu ý là những hình ảnh nói trên trong thơ Xuân Diệu chưa đạt tới chất tượng trưng thuần tuý như những hình ảnh - biểu tượng trong thơ Baudelaire chẳng hạn, bởi nó vạch ra sự tương ứng quá rõ nét và dễ thấy giữa một đặc điểm của hình ảnh được mượn với các ý tưởng, và do đó đã "xóa mất bí ẩn", "tước bỏ cái niềm vui lớn nhất của tâm hồn người đọc, tức là tin vào những gì họ sáng tạo" (S.Mallarmé).

Xin nói sang dạng kết cấu thứ ba của những "bài thơ tư tưởng". Những bài thơ Phải nói, Vội vàng, Dục giã có chung một logic trình bày như sau: đầu tiên, nhà thơ nêu lên một hành động, một ứng xử có nhiều nét khác lạ, bất ngờ, sau đó lý giải nguyên nhân (đồng thời thể hiện điều cốt lỗi nhất trong tư tưỏng) và cuối cùng khẳng định lại ứng xử cần có kia trên một cơ sở mới. Ta hãy đi vào bài thơ Vội Vàng để thấy rõ hơn dạng kết cấu này. Bài thơ mở đầu bằng bốn câu năm chữ thể hiện nhu cầu hành động rất khác thường:

Tôi muốn tắt nắng đị Cho màu đừng nhạt mất, Tôi muốn buộc gió lại Cho hương đừng bay di.

Đúng là một khao khát lạ lùng, mạnh mẽ, chưa từng có, vì nó có vẻ hoang đường, vô lý. Nhưng những đoạn thơ tiếp sau, cái vô lý kia được giải thích, mà giải thích một cách cặn kẽ, có sức thuyết phục. Dường như ta nghe được lời tác giả nói: sở dĩ "tôi muốn" như vậy là vì cuộc đời này đẹp quá , luôn bày ra mời mọc, nhưng đời người thì ngắn mà thời gian thì trôi nhanh, tất cả mọi thanh sắc cuộc đời đang phôi pha không đếm xỉa gì đến lòng người khao khát. Trong phần cuối của bài thơ, tác giả tuyên bố lại niềm khao khát của cái tôi, nhưng giờ đây, lời tuyên bố kia có một sắc thái hiển nhiên, hoàn toàn thuận lý, không thể nghi ngờ:

Mauđi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm, -Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi

Nhìn theo cách khác, có thể hình dung, kết cấu bề mặt của những, bài thơ như Vội vàng, Phải nói, Giục giã gồm có ba phần: Nêu giả thuyết -Chứng minh - Khẳng định "tính đúng đắn của giả thuyết. Dĩ nhiên cái khung được dựng lên ở đây chưa phải là tất cả bài thơ nhưng rõ ràng nó chính là một yếu tố rất cơ bản quy định màu sắc riêng của bài thơ - màu sắc luận lý. Bài thơ Phải nói mở đầu bằng một nỗi ham hố được nhận thức trong nghi vấn: Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ? Kết bài thơ, câu thơ đầu được lặp lại nhưng dấu hỏi đã mất đi: Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ. Dấu hỏi mất vì vấn đề đã được chứng minh, thắc mắc đã được giãi tỏa và nhu cầu nhận thức đã được thỏa mãn.

Nhìn chung, kiểu kết cấu vừa được trình bày ở trên là rất mới, không thấy trong thơ cổ điển, nhất là thơ cổ điển Việt Nam, bởi người Việt có thói quen thích đặt nguyên nhân trước kết quả, điều kiện trước hành động (điều này thể hiện rõ trong ngữ pháp tiếng Việt trước khi xảy ra cuộc tiếp xúc ngôn ngữ Việt - Pháp). Trức đây, hiếm có hiện tượng nhà thơ vào bài bằng một thúc dục đường đột, ầm ỹ kiểu như Mau lên chứ vội vàng lên với chứ rồi sau đó mới giải thích dần tại sao lại phải "mau", phải "vội vàng".

Ba dạng kết cấu nói trên tuy có những nét khác biệt nhưng lại thống nhất với nhau ở dáng vẻ "nghị luận" của nó. Chất nghị luận này càng đuợc làm rõ thêm bởi các hư từ trỏ quan hệ được sử dụng khá thừa thãi - một điều mà thơ cổ điển rất không kỵ, mặc dù có dùng trong một số trường hợp đặc biệt: nghĩa là, mà, nhưng, dù, cho ...

Mặc dù tất cả những điều trên, các "bài thơ tư tưởng" kia vẫn giữ được phẩm chất trữ tình là phẩm chất chính của mình, bởi nguyên tắc trình bày lôgic, sáng của một tư tưởng còn được phối hợp với nguyên tắc thể hiện sao cho đúng những cảm nhận trực tiếp của nhân vật trữ tình. Trở lại với bài Vội vàng, chúng ta thấy rõ khi sáng tác bài này, Xuân Diệu nhằm tới hai "mục tiêu". "Mục tiêu" thứ nhất là làm sao làm nổi bật được triết lý của mình về thời gian, về tuổi trẻ, tình yêu, và "mục tiêu" thứ hai là làm sao thể hiện được đầy đủ những xúc cảm đắm đuối của mình về vẻ đẹp của thiên nhiên, của cuộc đời. Nhìn trên bề mặt bài thơ, có vẻ như "mục liêu" thứ nhất là "mục tiêu" chủ yếu, được ý thức đầy đủ hơn, và kết quả là bài thơ được cấu tạo theo một cái khung luân lý khá vững chắc. Người đọc có cảm tưởng bao nhiêu đoạn thơ là bấy nhiêu luận điểm khẳng định cơ sở của hành động "vội vàng". Giữa chúng, tưởng có thể đặt thêm những quan hệ từ như "bởi lẽ" (sau 4 câu đầu), "nhưng” (sau 9 câu tiếp đó), "vì vậy" (trước câu “Mau đi thôi!”). Cảm tưởng này của người đọc hoàn toàn có cơ sở bởi chính trong bài thơ, nếu không có những quan hệ từ vừa kể thì các dạng câu và lớp từ rất đặc trưng của một văn bản đối hỏi phải có sự lập luận logic đã xuất hiện khá dày (các câu: "Muốn ... cho "Nói làm chi ... nếu các từ "nghĩa là “nên", "phải chăng", "cho” ...). Những bài thơ nếu chỉ có thế thì không còn là thơ nữa, bởi vậy cái khung luận lý kia phải được phá đi một cách có điều kiện bằng một loạt thao tác. Chính ở đây, "mục tiêu" sáng tạo thứ hai (có thể chưa được nhà thơ ý thức đầy đủ) đã nổi lên đóng vai trò chủ đạo trong những tình huống cụ thể, đưa lại cho bài thơ một vẻ đẹp tươi tắn với rất nhiều chi tiết sống động đập mạnh vào giác quan của người đọc, khiến cho ta, từng lúc một, tưởng như quên đi mục tiêu triết lý mà nhà thơ nhắm tới cũng như muốn người đọc lĩnh hội một cách đủ đầy. Thoạt đầu, sự xuất hiện của hai "nhân vật" chính của bài thơ là "tôi" và "cuộc đời" (hay thời gian) có vẻ giống như sự hình tượng hóa của luận đề mà nhà thơ muốn đềcập. Nhưng Xuân Diệu đã không bằng lòng với sự xuất hiện nhợt nhạt của "nhân vật", và ông đã tìm mọi cách cho nó sống dậy với rất nhiều đặc điểm riêng. Cuối cùng các "nhân vật" này thoát khỏi vòng kiềm tỏa của luận đề để đến với người đọc trong một vẻ đẹp đầy cảm giác và có giá trị tự thân. Chất thơ và giọng điệu trữ tình nồng nàn của tác phẩm có được là nhờ vào tính độc lập tương đối của hình tượng mà nhà thơ đã mượn để cho ý tưởng, cho luận đề hóa thân, cũng như nhờ vào niềm xúc động thật của tác giả - nhân vật

trữ tình trước hình tượng đó. Rõ ràng, Vội vàng là một bài thơ rất tiêu biểu mà đó ta nhận thấy có sự giao thoa, phối hợp của hai dạng kết cấu (tạm gọi là "kết cấu luận đề" và "kết cấu trữ tình") để tạo nên một dạng kết cấu mới có nét đặc thù .Đây chính thực là một dạng kết cấu mới sản phẩm của một thời mà óc duy lý phương Tây chi phối cách nhìn nhận, cảm xúc của nhà thơ và "thời của cái tôi đang mở mắt nhìn đời theo một cách nhìn không tiên nghiệm, không định kiến. Ở trường hợp thành công nhất, tư tưởng, luận đề đã được "trung tính hóa" theo cách nói của V.Shklovsky, đã trở thành "vật liệu" để sáp nhập vào một kết cấu thơ đích thực, hài hòa.

Chúng tôi đã đi sâu phân tích những bài thơ trực tiếp trình bày quan niệm, tư tưởng trong sáng tác của Xuân Diệu với mục đích chỉ ra một cái gì có tính ổn định ở kết cấu hình tượng của mảng thơ này trong Thơ mới. Sở dĩ Xuân Diệu được chọn làm điểmnghiên cứu bởi vì cái tôi cá nhân thời Thơ mới dường như đã tìm được một định nghĩa khá đầy đủ về mình ở thơ của vị "hoàng tử thi ca" này và những phát ngôn của Xuân Diệu hẳn có một giá trị đại diện cao. Điều này càng được khẳng định khi ta nhìn rộng ra sáng tác của một số nhà thơ khác như Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương ... Trước

Một phần của tài liệu kết cấu thơ trữ tình (nhìn từ góc độ loại hình) (Trang 123 - 146)