NHẸ THIỆT HẠI.
Chúng ta đều biết loại trừ tai hoạ thiên nhiên, như động đất, sóng thần … là điều không thể làm được, ngay cả khi chúng ta dự báo chính xác về tai họa sẽ xảy ra. Nhưng chúng ta có thể giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất, nếu có sự chuẩn bị đương đầu với chúng. Mọi nổ lực chuẩn bị của từng cá nhân, từng xí nghiệp, từng công sở, từng cơ quan dịch vụ công cộng, từng cơ quan nhà nước đều hướng vào mục tiêu:
- Giảm mức độ thiệt hại do động đất hay sóng thần gây ra, - Triển khai việc chuẩn bị cứu hộ, khi tai họa xảy ra, - Khôi phục nhanh mọi sinh hoạt sau tai họa.
Nói chung, lãnh thổ nước ta và vùng bờ biển nước ta không phải là nơi có nguy cơ cao về động đất và sóng thần, so với các nước trong khu vực như Nhật Bản,
Phillipin, Trung Quốc hay Indonesia. Nhưng nâng cao ý thức của người dân về những tai hoạ thiên nhiên này và có những sự chuẩn bị trước vẫn là điều cần thiết, nhất là đối với những vùng có độ nguy hiểm động đất và sóng thần cao. Một trong những giải pháp quan trọng và có hiệu quả nhất trong việc chuẩn bị phòng chống tai họa là tiến hành phân vùng động đất và phân vùng nguy cơ sóng thần vùng ven bờ biển. Các bản đồ phân vùng này là cơ sở để bố trí các công trình xây dựng và khu dân cư, áp dụng các biện pháp kháng chấn cho các công trình, chuyển các khu dân
cư ra khỏi vùng có khả năng bị sóng thần đe dọa. Dĩ nhiên, điều này chỉ thực hiện được đối với những công trình và khu dân cư mới. Do đó, sự chuẩn bị của từng người, từng gia đình nhằm giảm nhẹ thiệt hại, khi động đất và sóng thần xảy ra vẫn là điều dễ thực hiện nhất và cũng hiệu quả nhất.
1. Sự chuẩn bị ứng phó đối với động đất.
Mọi người đều cần phải có những hiểu biết nhất định về động đất, thông qua đọc sách, theo dõi các mục giới thiệu trên phương tiện truyền thông đại chúng và những cuộc trao đổi kiến thức với những người khác. Sinh viên, học sinh, nhân viên các công ty, viên chức nhà nước nên theo dõi thường xuyên các chương trình về an toàn động đất. Những người lãnh đạo các công ty xây dựng, các kỹ sư chịu trách nhiệm về kỹ thuật an toàn cần có kiến thức sâu về an toàn động đất cho công trình các loại khác nhau. Cũng nên thực tập báo động trong các trường học để phòng khi động đất xảy ra trong giờ học .
Việc chuẩn bị ứng phó đối với động đất bao gồm trong 3 giai đoạn: trước khi xảy ra, trong khi xảy ra và sau động đất.
Phải làm gì trước khi động đất xảy ra ?
- Dự trữ nước uống và đồ hộp, thức ăn khô đủ cho vài ngày, vì điện và nước có thể bị cúp hoặc hư hại,
- Chuẩn bị sẵn đèn pin và dụng cụ sơ cứu (bông băng, thuốc men) để tại vị trí dễ lấy mang đi.
- Phải biết cách tắt điện, tắt gaz nhanh chóng trong nhà.
- Các phương tiện thông tin, liên lạc phải sẵn sàng: rađio dùng pin, điện thoại di động. Phải nhớ số điện thoại cấp cứu y tế, chữa cháy và cảnh sát cơ động.
- Căn dặn trẻ em trong gia đình những việc phải làm khi có động đất. (Nếu các em ở trường học thì tốt nhất ở lại trường cho đến khi người lớn đến đón).
- Không để các vật nặng lên giá đỡ.
- Tháo gỡ những vật dụng nằm ngay phía trên giường ngủ. Không đặt giường ngủ sát cửa kính.
- Các vật dụng có thể ngã đổ nên gắn chặt vào tường và sắp xếp lại cho an toàn. - Những người ở chung cư phải nắm vững lối thoát hiểm .
- Theo dõi thông báo và chỉ dẫn của cơ quan phòng chống thiên tai và cứu hộ. Phải làm gì khi xảy ra động đất.
Khi động đất xảy ra, mặt đất sẽ rung động trong một thời gian ngắn có thể vài giây đến vài phút (trường hợp động đất mạnh). Chấn động có thể làm ta hoảng sợ, nhưng không có cách nào khác là phải đợi đến khi kết thúc. Cho nên yêu cầu quan trọng nhất để ứng phó với động đất là phải bình tĩnh.
- Nếu đang ở trong nhà, khi cảm thấy nền đất hay tòa nhà rung động, lập tức chạy đến vị trí an toàn: chui xuống gầm bàn chắc chắn, bàn học hoặc lánh vào góc phòng để tránh các vật nặng hay mảnh vỡ rơi xuống đầu. Qui tắc chung là không chạy ra khỏi nhà khi đang có chấn động do động đất gây ra. Sau khi chấn động ngừng bình tĩnh rời khỏi phòng, nhà nếu cần (tòa nhà bị nứt hay hư hại nặng). Sau khi hết rung động hãy tắt ngay điện, nước, gaz.
- Nếu đang ở nhà cao tầng không chạy vào thang máy vì nó có thể ngưng hoạt động bất ngờ do mất điện. Cũng không nên gây ùn tắt ở cầu thang. Khi di chuyển, nên có vật che đầu, như gối chẳng hạn (các em học sinh có the dùng cặp sách để che đầu)
và dùng đèn pin, tránh dùng nến hay đèn dầu dễ gây hoả hoạn.
- Nếu đang ở ngoài đường thì phải chạy tránh xa các toà cao ốc, tường cao, cây cối và đường dây điện. Nếu đang lái xe, thì ngừng ở lề đường, nhưng tránh xa cột điện, dây điện, gầm cầu. Chú ý chỉ ra khỏi xe khi không còn chấn động. Nói chung, nên đến chỗ trống cách xa các toà nhà và đường dây điện.
- Đừng hoảng sợ, nếu cảm thấy có chấn động mới gây ra do dư chấn. Sau chấn động đầu tiên thường có thời gian yên tĩnh, sau đó có chấn động mới. Hiện tượng này có thể xảy ra sau vài phút, vài giờ thậm chí sau vài ngày tùy thuộc động đất mạnh hay yếu.
- Nếu ở gần bờ biển cần phải đề phòng sóng thần gây ra do động đất xảy ra ở đáy biển.
Những việc phải làm sau trận động đất
Sau khi các chấn động kết thúc có thể có nhiều hư hại và nhiều người bị nạn. Điều đặc biệt quan trọng là mỗi người phải giữ bình tĩnh để giúp đỡ những người khác. Công việc đầu tiên là giúp đỡ những người bị nạn và đề phòng hoả hoạn. Sau đó bắt đầu đánh giá sự hư hại và tiến hành các biện pháp khắc phục.
- Hãy bình tĩnh, đánh giá hiện trạng sau động đất.
- Giúp đỡ những người bị nạn, tổ chức công tác sơ cứu và gọi cấp cứu nếu cần. - Mở rađiô để biết tin tức và hướng dẫn của các cơ quan cứu hộ về công tác khắc phục hậu quả.
- Kiểm tra điện, nước, gaz. Khi tin chắc không bị hỏng hóc, mới được sử dụng. - Không nên ngủ trong nhà, nếu căn nhà bị hư hại lớn.
- Không sử dụng điện thoại trừ trường hợp gọi cấp cứu hoặc thông báo những tình trạng nghiêm trọng (hư hại lớn, hoả hoạn, tội phạm). Sự quá tải của đường dây điện thoại có thể cản trở công tác cứu hộ.
- Luôn luôn mang giày, dép để tránh bị thương do các mảnh kính và các mảnh vỡ sắc nhọn.
- Hãy trấn tĩnh trẻ em, người già, vì động đất dễ gây các cú sốc tâm lý.
- Không nên vội ra đường đến những nơi bị đổ nát, nếu nơi đó không cần sự giúp đỡ của bạn. Không nên ra bờ biển, đề phòng sóng thần.
- Hãy đề phòng các chấn động gây ra do dư chấn. Điều chủ yếu trong mọi trường hợp là phải giữ bình tĩnh.
Động đất, trước hết là động đất mạnh, luôn luôn gây ra những thiệt hại cho các công trình xây dựng và cho con người, nhưng chúng ta không có các biện pháp nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, một số biện pháp có thể áp dụng chỉ trong một số hoàn cảnh nhất định. Tuy nhiên các khuyến cáo nêu trên có thể giúp chúng ta giảm nguy cơ và giảm nhẹ thiệt hại.
2. Sự chuẩn bị ứng phó đối với sóng thần
Khác với động đất, sóng thần chỉ đe dọa vùng ven bờ biển. Ơ Thành Phố Hồ Chí Minh, có lẽ chỉ huyện Cần giờ cần có sự chuẩn bị ứng phó đối với nguy cơ sóng thần. Dân cư ở vùng ven biển và du khách nghỉ ngơi vùng ven biển phải có hiểu biết nhất định về sóng thần.
Phần lớn các sóng thần xuất hiện do các động đất xảy ra dưới đáy đại dương và xuất hiện nhiều nhất dọc theo vùng biển gần bờ Thái Bình Dương. Các vùng thấp dọc bờ và hải cảng đều có nguy cơ tiềm ẩn của sóng thần xa nếu cao trình nhỏ hơn 30 mét.
- Sóng thần không phải là sóng đơn độc mà gồm một loạt đợt sóng. Do đó phải ở xa vùng nguy hiểm (hải cảng, vịnh, cửa sông hay bờ biển) cho đến khi tất cả các đợt sóng đi qua; thời gian có thể kéo dài vài giờ.
- Mọi sóng thần đều có nguy cơ tiềm ẩn. Hiện nay độ cao của sóng thần tiến vào bờ chưa thể dự báo được : nơi này có thể không lớn, nhưng nơi khác có thể trở thành khổng lồ. Do đó không thể chủ quan quay về nhà sát bờ.
- Hãy theo dõi các cảnh báo về sóng thần khi xuất hiện động đất xa. Năm 1960 ở Hawai thiệt mạng 61 người và bị thương vài trăm người, mặc dù đã báo trước 10 giờ trước khi đợt sóng đầu tiên ập vào bờ.
- Mọi động đất gần bờ đều có thể gây ra sóng thần địa phương. Do đó, nếu cảm thấy chấn động cần lập tức rời khỏi bờ biển. Tháng 5 – 1983, mặc dù mọi người trên bờ đảo Honshu (Nhật Bản) cảm nhận chấn động và nhận được cảnh báo, nhưng do chủ quan trong ứng phó nên hơn 100 người thiệt mạng.
- Khi sóng thần sắp tiến vào bờ mực nước biển có thể dâng cao hay hạ xuống khá nhanh dọc bờ biển. Đây là một tín hiệu cảnh báo cần chú ý.
- Không được lội xuống nước để chiêm ngưỡng và chụp ảnh sóng bạc đầu. Khi thấy sóng tiến đến gần thì việc chạy trốn sóng thần đã muộn.
Khi xảy ra sóng thần, nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại trên bờ là những đợt sóng bạc đầu ập vào và cuốn sạch mọi vật. Chúng ta có thể liệt kê những hậu quả chính như sau:
- Gây ngập do mực nước biển dâng nhanh, - Gây hư hại hay phá huỷ cá công trình ven bờ. - Cuốn trôi đất nền do dòng chảy có tốc độ cao.
- Va đập của các mảnh vỡ từ các ngôi nhà hay tàu thuyền bị hư hại dễ gây thương vong cho người.
- Tàu thuyền trong bến bị hư hại do sự va đập và thay đổi nhanh mực nước.
Các đê chắn sóng chỉ có hiệu lực đối với sóng thông thường, còn đối với sóng thần lớn, các đê này cũng bị phá huỷ.
Để tránh những thiệt hại có thể xảy ra biện pháp tốt nhất là xây dựng nhà ở và các công trình bên ngoài vùng có nguy cơ chịu tác động của sóng thần. Thực tế, biện pháp này khó thực hiện, vì trước hết phải dự báo được độ cao của sóng thần khi ập vào bờ đồng thời phải phân vùng nguy cơ sóng thần một cách chính xác. Chúng ta có thể giảm nhẹ thiệt hại bằng nhiều biện pháp khác. Thí dụ, nhà được xây sao cho trục nhà (cạnh dài) nằm dọc theo đường đi của sóng thần; khi đó ngôi nhà sẽ ít chịu lực va chạm của sóng. Người ta cũng có thể áp dụng biện pháp để trống tầng trệt để cho sóng dễ xuyên qua. Ở Hawai, người ta áp dụng giải pháp này để xây dựng các khách sạn ven biển và nhiều nhà ở cũng xây dựng theo kiểu này với tầng trệt bỏ trống. Chúng ta có thể nhìn thấy những ngôi nhà xây trên các cột cao (kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc ở nước ta). Không gian ở mặt đất hoàn toàn để trống dùng để đậu xe. Bảo vệ con người là quan trọng nhất, nên khi nhận được cảnh báo sóng thần, biện pháp thụ động, nhưng hữu hiệu nhất là di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.