1.Kết luận
1.1. Luận án tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn với mục đích đưa ra những biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông giáo dục giá trị sống ở Báo Giáo dục và Thời đại.
1.2. Luận án đã nghiên cứu một cách có hệ thống về lý luận quản lý, quản lý giáo dục, tầm quan trọng của thông tin trong quản lý, đồng thời chú trọng phân tích những đặc trưng riêng biệt của công tác quản lý truyền thông, từ đó xây dựng khái niệm quản lý truyền thông giáo dục, quản lý truyền thông giáo dục giá trị sống.
Luận án cũng đưa ra hệ thống các quan điểm làm sáng tỏ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục về phát triển giáo dục giá trị sống. Các cơ sở lý luận cho phép khẳng định: Hoàn toàn có thể và cần vận dụng vào công tác quản lý truyền thông giáo dục nói chung và về giáo dục giá trị sống nói riêng. Việc nghiên cứu lý luận nói trên đã định hướng và tạo nên cơ sở để tác giả nghiên cứu thực trạng, từ đó có cơ sở để đề xuất một số biện pháp quản lý truyền thông giáo dục giá trị sống ở Báo Giáo dục và Thời đại.
1.3. Luận án đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát và đánh giá thực trạng công tác quản lý truyền thông giáo dục giá trị sống của Báo Giáo dục và Thời đại, từ đó rút ra kết luận: Cán bộ quản lý, đội ngũ phóng viên, biên tập viên và những người làm báo đã phần nào nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục giá trị sống cũng như truyền thông giáo dục giá trị sống, tuy nhiên, vì nhiều lý do, công
tác này vẫn chưa được thực sự chú trọng. Mặt khác, việc quản lý chưa thể hiện được vai trò trong truyền thông giáo dục giá trị sống, và cần có những biện pháp kịp thời để nâng cao hiệu quả của công tác này. Từ thực tiễn đó, luận án đã đề xuất 6 biện pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông giáo dục giá trị sống cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh hiện nay.
2.Một số kiến nghị
2.1. Với Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Quan tâm hơn nữa đến truyền thông giáo dục giá trị sống, có những chỉ đạo thích hợp, kịp thời, sâu sát đến các cơ sở giáo dục; đưa cơ chế phối hợp thông tin vào nhiệm vụ năm học để tăng cường truyền thông giáo dục giá trị sống trên các phương tiện thông tin đại chúng; Ưu tiên cung cấp thông tin đầu nguồn cho Báo; Tăng cường công tác kiểm tra - đánh giá truyền thông giáo dục giá trị sống.
2.2. Với Báo Giáo dục và Thời đại:
- Sớm xây dựng một kế hoạch dài hạn cho truyền thông giáo dục giá trị sống tương xứng với vị trí của công tác này; Có chế độ, chính sách thu hút nhân tài; động viên và hỗ trợ đội ngũ phóng viên, biên tập viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ qua các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn (đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ).
- Dành sự ưu tiên nhiều hơn nữa trong việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho truyền thông giáo dục giá trị sống; Có chế độ khen thưởng thoả đáng những phóng viên, biên tập viên có thành tích trong truyền thông giáo dục giá trị sống; Tăng cường liên kết với các tổ chức, cơ quan để cùng thực hiện những chương trình truyền thông lớn, mang tính xã hội cao về giáo dục giá trị sống.
2.3.Với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường trung học phổ thông, đại học
Có quy định cụ thể trong việc phối hợp giữa nhà trường và các cơ quan ngôn luận, đặc biệt là báo ngành Giáo dục trong thực hiện truyền thông các hoạt động giáo dục giá trị sống trong nhà trường; Hàng năm, có sự thống nhất ký kết truyền thông giáo dục và phân công trách nhiệm của nhà trường và báo trong tổ chức thực hiện tuyên truyền giáo dục giá trị sống, tổ chức các sự kiện như tường thuật trực tuyến, giao lưu trực tuyến với báo nhằm nhân rộng hiệu quả giáo dục giá trị sống của đơn vị.
Quan tâm đến các cơ quan truyền thông, đặc biệt là những cơ quan truyền thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Báo Giáo dục và Thời đại.