II. PHẦN LÀM VĂN Câu 1 (3,0 điểm)
a. Cảm nhận về hình tượng âm thanh tiếng đàn:
* Tiếng đàn là thân phận Lor-ca, thân phận của nghệ thuật nói chung trong một thực tại mà cái ác ngự trị.
- Những tiếng đàn bọt nước mong manh và ngắn ngủi được đặt trong sự tương phản, đối lập với sắc đỏ gắt của trận đấu bò sinh tử, của nền chính trị độc tài thân phát xít đang thiêu đốt tự do dân chủ, gợi liên tưởng tới thân phận đơn độc nhỏ nhoi, khiêm nhường, số phận mong manh, ngắn ngủi của Lor-ca trong bối cảnh chính trị căng thẳng, dữ dội. Đây là một trận chiến lớn giữa một bên là khát vọng dân chủ của nhân dân nói chung, của Lor-ca nói riêng với nền chính trị độc tài. Xét trong lĩnh vực nghệ thuật, đó là cuộc xung đột giữa khát vọng cách tân của nhà
thơ với nền nghệ thuật già nua. Xét ở phương diện nào thì Lor-ca cũng một nghệ sĩ- chiến sĩ đơn độc.
- Tiếng ghi ta vỡ tan và ròng ròng máu chảy: Tiếng đàn đã thành thân phận đau thương của Lor-ca, của nghệ thuật trước sự hủy diệt tàn bạo của kẻ thù. Hai tiếng “vỡ tan”, vừa là sự vỡ ra của bọt nước vừa là sự phập phồng thổn thức của tiếng đàn. Nó đã cất lên lời ca tranh đấu lên án bè lũ phát xít đã hủy diệt cái tài, hủy diệt cái đẹp. Và vì thế, bản ghi ta bi tráng đẩy đến độ cao trào của sự bi phẫn, nó ròng ròng máy chảy, nó uất nghẹn, tức tưởi đến bật máu thành từng dòng đau thương trong một bản đàn giao hưởng hào sảng. Nỗi đau của tiếng đàn cũng là nỗi đau của người nghệ sĩ khi khát vọng chưa thành. Âm thanh tiếng đàn như tiếng kêu cứu của con người, của cái đẹp trước thời khắc bị đẩy tới chỗ tuyệt diệt. Thì ra, nghệ thuật trong bản thể của nó cũng là một sinh mệnh.
* Tiếng đàn là vẻ đẹp tâm hồn Lor-ca, là sức sống bất diệt của nghệ thuật.
- Tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta lá xanh: Tiếng đàn mang âm vang và sắc màu của một tâm hồn rạo rực, say đắm trong tình yêu, thiết tha, khắc khoải với sự sống của người nghệ sĩ đa tài. Màu nâu xuất hiện suy tư, trầm tĩnh đến lạ thường. Đó là màu nâu của vỏ cây đàn, màu nâu của đất đai, màu nâu của làn da, mái tóc cô gái Digan. Trước giây phút từ li, chàng đã ngước lên nhìn bầu trời xanh tha thiết, bầu trời khát vọng, bầu trời yêu thương nơi có bóng hình nàng Maria thủy chung. Đó là màu xanh, là sự hóa thân của Lor-ca và tiếng đàn vào thiên nhiên mang sức sống cỏ cây. Hai tiếng “biết mấy” nằm ở cuối câu vừa là sự tha thiết trong tình cảm của người nghệ sĩ Thanh Thảo vửa tôn thêm vẻ đẹp của tuổi trẻ Lor-ca – vẻ đẹp của người chiến sĩ suốt đời hi sinh vì lý tưởng.
- Tiếng đàn mãi trường tồn “không ai chôn cất tiếng đàn/ tiếng đàn như cỏ mọc hoang”: “tiếng đàn” tượng trưng cho nghệ thuật của Lor- ca, cho tình yêu tự do, yêu con người mà suốt đời ông theo đuổi; đó là cái
đẹp không thể bị hủy diệt, nó sẽ sống, sẽ lan truyền mãi, giản dị mà kiên cường như cỏ dại. Giai điệu li-la li-la li-la mãi vang ngân là một ẩn dụ tượng trưng cho sức sống bất diệt của Lor-ca, của nghệ thuật, của những giá trị chân chính trên cõi đời này. Tiếng đàn mang tên loài hoa Li La như sự sống vẫn lặng lẽ tỏa hương, hiện hữu giữa cuộc đời.
(Lưu ý: HS có thể trình bày theo cách khác nhưng phải làm nổi bật được vấn đề: Ví dụ:
- Hình ảnh đầu tiên mà Thanh Thảo gợi ra là những tiếng đàn bọt nước. (0,25)
- Hình tượng tiếng ghi ta trong những giây phút bi phẫn trong cuộc đời Lor-ca. (0,75)
- Hình ảnh tiếng đàn sau cái chết của Lor-ca. (0,5)