Các giải pháp khác

Một phần của tài liệu THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN THIẾT (Trang 26 - 28)

1. Giải pháp cải cách thực hiện thủ tục hành chính

Song song với các giải pháp trọng tâm nêu trên, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành khác đang cho đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở thuộc nhiều nhóm khác nhau. Đây là việc làm muộn so với quy định của pháp luật nhưng thế cũng là tốt. Một mặt để thực hiện tốt nhiệm vụ hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận vào cuối năm 2013, nhưng mặt khác có tác động tích cực cho việc tăng niềm tin vào thị trường BĐS. Người bỏ rất nhiều tiền ra mua BĐS được Nhà nước bảo hộ về tài sản thông qua việc cấp giấy chứng nhận pháp lý.

2. Các sáng kiến tăng niềm tin đối với thị trường

Hiện nay, niềm tin của người dân vào nền kinh tế cũng như niềm tin của những người đang tham gia góp vốn đầu tư BĐS đang chưa được khôi phục. Nhiều người đã góp vốn vào dự án đầu tư nhưng đang rơi vào hoàn cảnh chủ đầu tư không thực hiện dự án, thậm chí dự án chưa có bảo đảm pháp lý. Người góp vốn đang rơi vào tình trạng hoang mang và mất niềm tin thực sự vào thị trường. Việc lấy lại niềm tin vào thị trường phải bắt đầu từ các chủ đầu tư dự án và sau đó là các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương. Đây là việc khó nhưng có thể làm được, chỉ cần các nhà đầu tư hãy nghĩ đến thương hiệu lâu dài của mình. Trường hợp không thể giữ thì một phương án mua bán bán và sáp nhập cần được xem xét và quyết định. Các cơ quan quản lý cần hướng các chủ đầu tư tới những giải pháp lấy lại niềm tin cho thị trường.

Các nhà đầu tư hiện nay tiếp tục lâm vào tình trạng thiếu vốn, muốn làm nhưng không có vốn. Khi người tiêu dùng thiếu niềm tin vào thị trường thì khó khăn do thiếu vốn được nhân lên nhiều lần. Như vậy, giải pháp vốn là một bài toán khó trong hoàn cảnh khó khai thác nguồn vốn trong dân do mất lòng tin vào lợi ích từ thị trường. Chúng ta lưu ý rằng hiện nay nhiều nhà đầu tư vẫn đang huy động được vốn từ dân, gốc của vấn đề là chữ tín của nhà đầu tư với người tiêu dùng.

3. Sửa đổi pháp luật, nâng cao chất lượng quy hoạch và tái cấu trúc thị trường

Sự trầm lắng của thị trường BĐS là một hệ quả tất yếu của quá trình phát triển đã qua trong ngữ cảnh của nền kinh tế chuyển đổi, trong đó tính chuyên nghiệp còn rất thiếu. Thị trường BĐS đã qua những cơn sốt nhà đất tất yếu khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Hệ thống pháp luật của ta chưa có cơ chế điều tiết quỹ đất khi rơi vào “sốt giá” hoặc “đóng băng”. Khi “sốt giá” thì Nhà nước đưa thêm đất vào thị trường thông qua đấu giá, khi “đóng băng” thì Nhà nước chủ động mua BĐS dư thừa từ thị trường. Hệ thống pháp luật hiện nay mới chỉ tính đến cơ chế Nhà nước thu hồi đất mang tính đặc trưng của cơ chế bao cấp. Công cụ pháp luật đất đai cần được đổi mới sau cho giảm được tham nhũng và khiếu kiện của dân; công cụ pháp luật BĐS phải tập trung vào công cụ tài chính để quản lý rủi ro cho mọi người yên tâm tham gia thị trường.

Quy hoạch là một lĩnh vực luôn được coi là yếu kém ở Việt Nam, cụ thể gồm: (a) mối quan hệ giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chưa được xác lập trong mối quan hệ hữu cơ; (b) nội dung các loại quy hoạch còn nhiều chồng chéo, gây lãng phí và còn tồn tại quá nhiều loại quy hoạch khác nhau; (c) phương pháp luận về quy hoạch không gian chưa được áp dụng đầy đủ, nhất là quy hoạch sử dụng đất; (d) quy hoạch thường mang tính chủ quan hơn là các giải pháp khả thi trên cơ sở chấp nhận thực tế.

Tái cấu trúc thị trường BĐS để có một thị trường hợp lý, tránh tư tưởng thả cho thị trường phát triển tự do không được điều chỉnh và cũng cần tránh tư tưởng áp đặt theo kiểu bao cấp lên thị trường. Các doanh nghiệp BĐS cần được cấu trúc lại để loại bỏ đi kiểu kinh doanh “tay không bắt giặc”. Tiêu chí của doanh nghiệp BĐS cần được xác lập, chỉ số thị trường cần được thống kê thường xuyên. Muốn vậy, thị trường BĐS phải bảo đảm tính minh bạch.

4. Giải pháp từ phía nhà đầu tư BĐS

Cổ nhân đã có câu “cùng tắc biến, biến tắc thông”, câu này rất phù hợp với cách hành xử đối thị trường BĐS nước ta hiện nay. Nói như vậy không có nghĩa là nhà đầu tư ngồi chờ để thị trường BĐS “sẽ thông”.

Trong quy luật này đã chứa đựng nỗ lực tự giải cứu của người trong cuộc là các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư phải tìm cách cứu mình trước khi tính đến các khả năng trợ giúp của Nhà nước. Tại điểm trầm lắng cùng cực của thị trường BĐS sẽ xuất hiện một thị trường BĐS mới hiệu quả hơn, phát triển vì mục tiêu có nhà ở cho tất cả mọi người và cũng mang lại lợi ích xứng đáng cho các nhà đầu tư.

7. Kết luận

Sự phục hồi của thị trường BĐS phụ thuộc chủ yếu vào các chính sách của Nhà nước, sự nỗ lực của các nhà đầu tư và niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường. Từ phía các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương cũng như địa phương, cần tôn trọng nguyên tắc minh bạch và công bằng để thực hiện tốt Nghị quyết 02. Mọi tư duy về tư lợi đều làm hại chung cho thị trường BĐS đang yếu ớt hiện nay. Nỗ lực tiếp theo của các cơ quan nhà nước là sớm nhất rà soát hệ thống pháp luật, quy hoạch để tạo cơ hội mới cho thị trường BĐS.

Tất cả mọi việc cần tập trung vào nhiệm vụ tái cấu trúc thị trường BĐS, trong đó nhiều việc đã được đưa ra trong Nghị quyết 2 từ việc đổi mới pháp luật, thể chế tới quy hoạch, chuyển đổi dự án, giải pháp huy động vốn, v.v. Các nhà đầu tư cũng cần tính tới việc tái cấu trúc doanh nghiệp mình trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua một lộ trình dài hạn.

Người tiêu dùng với lượng vốn ước tính khoảng 400 tấn vàng còn trữ trong dân sẽ có vai trò rất lớn trong phục hồi thị trường BĐS nếu niềm tin được khôi phục. Bên cạnh đó, cơ chế phù hợp để động viên vàng tham gia vào thị trường BĐS cũng cần tới một sự khôn ngoan về chính sách. Người dân thấy có lợi là tham gia khi vàng đang không có đường lưu thông để trở thành vốn.

Chúng ta hãy xem khủng hoảng thị trường BĐS hiện nay như đang trong cơn đau sinh nở, một mầm non BĐS mới khỏe mạnh sắp xuất hiện. Nghị quyết 02 như một phương án đỡ đẻ tốt, bà đỡ cụ thể là các cơ quan quản lý nhà nước và các cán bộ quản lý nhà nước. Người đẻ chính là các nhà đầu tư BĐS cần vận dụng cao nhất sự thông minh của người trong cuộc để “vượt cạn” dễ dàng.

Một phần của tài liệu THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN THIẾT (Trang 26 - 28)