1.1. Mục đích, ý nghĩa của việc cho trẻ làm quen với chữ
Mục đích của việc cho trẻ làm quen với chữ không chỉ nhằm giúp trẻ nhận biết được các mặt chữ để phát âm chính xác khi nói và còn tạo cho trẻ hứng thú học tiếng mẹ đẻ, làm tiền đề cho trẻ thích ứng với việc tập đọc, tập viết ở lớp một.
Làm quen với chữ không phải là một môn học độc lập, riêng biệt mà nó là một phần, một bộ phận của việc phát triển ngôn ngữ trong chương trình chăm sóc – giáo dục trẻ 5 – 6 tuổi. Vì vậy, nó có ý nghĩa trực tiếp trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Trước hết là rèn luyện kĩ năng nghe nói và giúp trẻ phân biệt được các âm khó, thông qua các chữ cái. VD: x – s, l – n. Sau khi đã học các âm riêng lẻ cần giúp trẻ phân biệt được các âm trong từ, bằng cách đưa ra một chữ cái bất kì yêu cầu trẻ gọi tên đồ vật có những âm bắt đầu bằng chữ cái đã cho để trẻ phân biệt (cái làn, cái lược, cái nón, cái nơ…).
Thông qua việc làm quen với chữ, vốn từ của trẻ được nâng cao, bởi vì khi làm quen với chữ, trẻ không chỉ làm quen với các chữ ở dạng tồn tại tự nhiên của chữ viết, mà các chữ đó được gắn vào các từ, thông qua các đối tượng cụ thể, các từ đó có các âm đầu là các chữ cái đã học, nhằm rèn luyện cách phát âm cho trẻ. Cho trẻ làm quen với chữ viết còn giúp cho trẻ hiểu được mối quan hệ giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, trẻ hiểu như thế nào là “đọc và viết” sau này ở trường phổ thông. Thông qua việc tìm kiếm các chữ cái khác nhau ở các vị trí khác nhau của từ giúp trẻ phát triển óc quan sát, ghi nhớ, chú ý có chủ định.
Cho trẻ làm quen với chữ còn góp phần kích thích, phát triển tư duy, thể hiện ở chỗ trẻ đã xác định được tính chất, đặc điểm của chữ đó bằng cách tìm kiếm các từ, tiếng thông qua các đồ vật. Trẻ tìm đúng các âm theo các chữ mà trẻ đã nhận ra. Như vậy trẻ nhận ra chữ thông qua việc phát âm chứ không phải thông qua mặt chữ. VD: trò chơi “Tai ai thính”, “Tìm chữ cho tranh”…Đây là cơ sở quan trọng để trẻ tiếp nhận tri thức của trường phổ thông.
Trong khi cho trẻ làm quen với chữ và chữ cái, cần giúp trẻ một số kĩ năng cầm bút, cầm sách, mở từng trang sách, tư thế ngồi của một học sinh.
Việc cho trẻ làm quen với chữ không chỉ thông qua các tiết học mà đối với trẻ mẫu giáo phải thông qua nhiều hoạt động khác nhau như hoạt động tạo hình (vẽ, xé, cắt dán các chữ cái…), đặc biệt là các trò chơi. Những trò chơi phát triển giác quan, phát triển các cơ của ngón tay là điều quan trọng để trẻ cầm bút sau này.
Cho trẻ làm quen với chữ phải tạo ra được hứng thú, ham muốn đi học, tránh làm thay cho công việc lớp 1. Thật sai lầm khi bắt trẻ tập viết vào một khuôn khổ nhất định, trong khi trẻ chưa được chuẩn bị những kĩ năng cần thiết trước khi tập viết, như vẽ các nét giống với chữ viết được gọi là “tiền chữ viết”. Còn tập viết thực sự là nhiệm vụ của lớp 1 và chỉ đến lớp 1 trẻ mới có thể làm việc này một cách có kết quả. Không nên dạy trước những gì mà trẻ phải học một cách bài bản ở phổ thông.
1.2. Nội dung làm quen với chữ
- Dạy trẻ nhận biết và phát âm đúng 29 chữ cái tiếng Việt
- Dạy trẻ nhận biết các chữ cái thông qua việc tri giác bằng âm thanh - Dạy trẻ nhận biết các kiểu chữ (in hoa, in thường, viết thường)
- Dạy trẻ cách liên hệ các chữ cái với các từ đã học và tìm ra các chữ cái có trong các từ đó
- Dạy trẻ làm quen với cách tách âm, ghép âm thông qua cho trẻ làm quen với các vị trí của các âm trong từ
- Dạy trẻ làm quen với các kĩ năng ban đầu về tiền tập đọc, tiền tập viết: cách ngồi, cách cầm bút, mở sách, đọc…
1.3. Yêu cầu cần đạt
- Trẻ nhận biết và phát âm đúng 29 chữ cái tiếng Việt
- Phân biệt và phát âm đúng các âm khó như l – n, b – p, s – x
- Phân biệt được các chữ gần giống nhau p – q, b – d, m – n thông qua việc phân tích các nét
- Trẻ hứng thú nhận dạng, tìm kiếm các chữ cái ở mọi lúc, mọi nơi thông qua sách báo, tranh ảnh và các bảng chữ…
1.4. Các hình thức tổ chức cho trẻ làm quen với chữ
Làm quen ở đây không có nghĩa là dạy cho các cháu tập đọc, tập viết ,tâp làm tính ... mà cái chính ở dây là giúp trẻ có những biểu tượng về số lượng, nhận dạng được cái chữ cái, và có một số kỹ năng ban đầu của hoạt động học tập.
Biểu tượng về số lượng toán học ban đầu cho trẻ em. Đó là một quá trình, từ khi trẻ học mẫu giáo đến khi vào lớp một. Cuối tuổi mẫu giáo trẻ phải có biểu tượng chính xác từ số 1 đến số 10.
Mục đích của việc cho trẻ làm quen với chữ cái là giúp trẻ nhận được mặt chữ và phát âm chính xác từng chữ cái. Trên cơ sở đó trẻ thích ứng được với việc học tập, tập viết ở lớp một. Cho trẻ làm quen với chữ cái là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp một. Cần phải có chương trình cụ thể và hình thức giúp trẻ làm quen với chữ cái thích hợp, trò chơi, nhất là trò chơi lôtô là một con đường, phương tiện có hiệu quả đối với công tác này .
Nhiệm vụ của việc cho trẻ làm quen với chữ cái là giúp trẻ nhận dạng một cách chính xác chữ cái, vị trí không gian các nét chữ, nhận ra được các chữ cái trong một tập hợp các chữ cái tạo ra từ, câu và phát âm chính xác các chữ cái.
Việc cho trẻ tập đọc, tập viết, tập làm tính trước sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc học tập của trẻ ở lớp một, tạo ra sức ì và giảm hứng thú học tập của các em. Hơn thế nữa kỹ năng của trẻ còn hạn chế, do vậy việc tâp đọc, tập viết... quá khó đối với trẻ, gây ra ức chế của trẻ đối với các hoạt động ở trường mầm non.
Vấn đề đặt ra là, cần phải xác định tập đọc (tập đánh vần), tập viết, tập làm tính,...là nhiệm vụ của học sinh lớp một. Để trẻ thích ứng và hoàn thành những nhiệm vụ đó (khi vào lớp một), chương trình giáo dục mầm non cần hoạch định rõ công việc của mình tránh làm thay, làm trước những việc mà giáo viên lớp một phải làm sau này.
Vì vậy, ở trường mầm non cần tổ chức cho trẻ làm quen với chữ theo một số hình thức sau:
1.4.1. Tạo môi trường cho trẻ hoạt động
- Trang trí lớp học cho trẻ 5 tuổi khác hẳn với trang trí lớp mẫu giáo bé và nhỡ là trên mỗi bức tranh, góc đồ chơi đều có chữ viết để trẻ có thể “đọc”, tạo cho trẻ làm quen với chữ. Vấn đề không phải là để bắt trẻ đọc đúng các dòng chữ đó mà hàng ngày kích thích trẻ quan sát và tìm các chữ cái và liên hệ với các chữ đã học. Khi trẻ đã nhớ các chữ cái, có thể đọc dòng chữ một cách rõ ràng để cho trẻ làm quen, lần sau trẻ sẽ đọc đúng như vậy.
- Tạo góc “thư viện” với những cuốn truyện tranh, sách tranh để trẻ tự “đọc” thậm chí có thể vẽ theo các chữ đó. Đặc biệt, nên chọn cuốn sách tranh đen trắng để cho trẻ tô màu.
Khi trẻ “đọc” cô giáo hướng dẫn trẻ cách giở sách đọc từng trang một và bắt đầu đọc từ trang đầu tiên. Khi cô đọc cho trẻ nghe thì cô hướng sự chú ý của trẻ vào từng bức tranh. Sau đó trẻ “đọc” theo hiểu biết của mình. Sau khi trẻ đọc cô gợi ý cho trẻ tìm các chữ cái đã học trên một trang sách, tìm những chữ nào giống nhau, tìm có bao nhiêu chữ giống nhau trên một dòng, một bài…
1.4.2. Tổ chức “tiết học”
Nội dung công tác chuẩn bị cho trẻ vào lớp một được thể hiện đầy đủ, toàn diện trong các “tiết học” và các hoạt động của trẻ trong chương trình giáo dục mầm non. Hiệu quả của nó phụ thuộc rất lớn vào công tác giảng dạy và giáo dục của giáo viên. Trong tiết học trẻ được hoạt động có định lượng rõ rệt, ở đây trẻ được hướng vào việc làm quen với chữ viết.
Ví dụ về tiết học cho trẻ làm quen với chữ viết: cho trẻ làm quen với các nhóm chữ cái: x - s, i –c – t, y – g, k – h, l – m – n,…
1.4.3. Thông qua hoạt động tạo hình
Để chuẩn bị cho trẻ học đọc, học viết tốt sau này, hoạt động tạo hình góp một phần không nhỏ trong việc cho trẻ làm quen với chữ đặc biệt là thông qua cơ quan cảm giác và thị giác. Sự phối hợp mắt – tay là kỹ năng quan trọng trong việc cho trẻ tập viết. Cho trẻ chơi với vở, bút, phấn, chơi với các nét chữ trước khi cho trẻ tập tô. Khi chơi với các nét chữ không nhất thiết phải theo một khuôn khổ nhất định mà chỉ cần trẻ tập viết được liền mạch các nét chữ. Sau đó trang trí thành những hình mà trẻ thích. Như vậy trẻ đã thực sự tập sử dụng bút vào việc tập viết, nhưng trẻ cảm thấy hứng thú và không biết rằng mình đang viết.
Ngoài ra trong hoạt động tạo hình cô giáo có thể cho trẻ nhận biết các chữ cái bằng cách cắt, xé, vẽ trên không đường nét của các chữ cái. Như vậy trẻ sẽ có biểu tượng một cách chính xác hơn về các đường nét của chữ cái thông qua cảm giác mà không cần miêu tả bằng lời.
1.4.4. Thông qua việc phát triển ngôn ngữ
Trẻ làm quen với chữ thông qua việc phát âm đúng các tiếng, các từ. Nếu chỉ cho trẻ làm quen với chữ bằng cách nhận mặt chữ thì trẻ mới cảm nhận ở mức cảm tính, cần cho trẻ làm quen với chữ thông qua cả việc luyện phát âm. Thông qua việc phát âm các từ, tiếng có các chữ cái (đặc biệt là những chữ cái khó) giúp trẻ phát triển khả năng bắt âm.
1.4.5. Thông qua hoạt động vui chơi
Trò chơi, đặc biệt là trò chơi học tập đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục trí tuệ và dạy học cho trẻ mẫu giáo. Trò chơi học tập được sử dụng như một hình thức, một phương pháp, một biện pháp để dạy học cho trẻ mẫu giáo. Đối với giờ cho trẻ làm quen với chữ cái thì có thể sử dụng trò chơi học tập như một hình thức tổ chức dạy học, bởi vì nó có thể thay thế được toàn bộ hoạt động của cô và trẻ trong tiết học.
Cho trẻ làm quen với chữ cái thông qua các trò chơi giúp trẻ tiếp thu, củng cố những tri thức và kỹ năng một cách nhẹ nhàng không có chủ định như một giờ học. Trẻ có cảm giác chơi nhưng thực chất là trẻ đang giải quyết nhiệm vụ học tập trong đó.
Ngoài ra, thông qua các trò chơi: xếp hình, xâu hạt, lắp ráp…giúp cho sự phát triển các kỹ năng sử dụng các cơ bắp nhỏ của ngón tay, sự phối hợp mắt và tay rất cần cho trẻ tập viết sau này.