Thái Nguyên là thành phố lớn thứ ba miền Bắc sau Hà Nội và Hải Phòng, thành phố đông dân thứ 10 cả nước, trung tâm vùng
trung du và miền núi phía Bắc. Thành phố Thái Nguyên được thành lập vào năm 1962 và là một thành phố công nghiệp. Thành phố Thái Nguyên nằm bên bờ sông Cầu. Diện tích 189,705 km2 và dân số 330.707 người (năm 2010)[7]. Thành phố Thái Nguyên từng là thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc trong suốt thời kỳ tồn tại của khu tự trị này (1956 - 1965). Ngoài ra, thành phố Thái Nguyên được cả nước biết đến là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
4.1.1.1. Vị trí địa lý
Khu vực nghiên cứu là khu vực thành phố Thái Nguyên, thuộc địa bàn của 9 phường: Quang Trung, Quán Triều, Quang Vinh, Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ, Trưng Vương, Gia Sàng, Đồng Quang, Túc Duyên. Khu vực có vị trí tiếp giáp với các bên như sau:
- Phía Bắc giáp sông Cầu; phía Tây Bắc tới hết phường Quán Triều, giáp phường Tân Long.
- Phía Nam giáp nhà máy cán thép Gia Sàng.
- Phía Đông giáp sông Cầu.
4.1.1.2. Địa hình, địa mạo
a. Địa hình
Thành phố Thái Nguyên nằm ở mức địa hình thấp và tương đối phẳng. Tuy nhiên dạng địa hình gò đồi của miền trung du Bắc Bộ vẫn chiếm ưu thế. Xen kẽ những đồi gò thoải dạng bát úp là những thung lũng đồng bằng nhỏ bằng phẳng, các bậc thềm phù sa mới và thềm đất dốc tụ. Diện tích khu vực gò đồi chiếm 50,2% diện tích tự nhiên. Trong quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá, bề mặt địa hình vốn có của đô thị Thái Nguyên đã bị biến cải nhiều, nhất là trong khu vực nội thành.
b. Địa mạo
Thái Nguyên có nhiều dãy núi cao chạy theo hướng Bắc Nam, thấp dần xuống phía Nam. Cấu trúc vùng phía Bắc chủ yếu là đá phong hoá mạnh (castơ) tạo thành nhiều hàng động, thung lũng nhỏ. Phía Tây Nam có dãy Tam Đảo với đỉnh cao nhất 1.590 m, các vách núi dựng đứng và kéo dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Ngoài hai dãy núi kể trên còn có dãy Ngân Sơn bắt đầu từ
Bắc Kạn chạy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam đến Võ Nhai tạo nên vùng ít mưa và dãy núi Bắc Sơn chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Cả ba dãy núi Tam Đảo, Ngân Sơn, Bắc Sơn đều là những dãy núi cao che chắn gió mùa Đông Bắc vì vậy Thái Nguyên ít chịu ảnh hưởng lớn của gió mùa Đông Bắc.
4.1.1.3. Đặc điểm địa chất
Mặc dù có diện tích lãnh thổ không lớn nhưng cấu trúc địa tầng của Thái Nguyên khá phức tạp, có nhiều nguồn gốc khác nhau. Tính phong phú của các giới hệ tầng quyết định rất lớn đến chất lượng đất và sự phong phú của các loại khoáng sản của Thái Nguyên. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là quy mô diện tích các loại đất cũng như trữ lượng khoáng sản của tỉnh ở mức hạn chế.
Trong bản chú giải bản đồ địa chất và khoáng sản đã liệt kê tới 28 hệ tầng, phức hệ địa chất với nhiều loại đá khác nhau. Các hệ tầng này phần lớn có dạng tuyến và phân bố theo nhiều hướng khác nhau. Phần lớn các hệ tầng nằm ở phía Bắc của tỉnh có hướng thiên về Đông Bắc - Tây Nam, trong khi các hệ tầng ở phía Nam
tỉnh lại thiên về hướng Tây Bắc - Đông Nam. Các hệ tầng có chứa đá vôi (các hệ tầng Đồng Đăng, Bắc Sơn) tập trung chủ yếu ở vùng Đông Bắc của tỉnh, không thành khối liên tục mà xen kẽ với các tầng khác nhau như: Sông Hiến, Lạng Sơn, Bắc Bun,... Vùng Tây Bắc của tỉnh - huyện Định Hoá có hệ tầng Phố Ngữ, chiếm tỷ lệ diện tích lớn với các loại đá phổ biến là phiến sét, sét, sét silic, cát bột kết,... Chiếm diện tích lớn ở vùng phía Nam là các hệ tầng Tam Đảo, hệ tầng Nà Khuất, hệ tầng Hà Cối với nhiều loại đá khác nhau.
Rõ ràng, với điều kiện địa chất như vậy, Thái Nguyên có nhiều loại khoáng sản, cả nhiên liệu, kim loại, phi kim loại. Tuy nhiên, chất lượng quặng không cao, trữ lượng ít đã gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế ở quy mô lớn.
4.1.1.4. Khí hậu, thuỷ văn
a. Khí hậu
* Nhiệt độ và chế độ nhiệt
Thành phố Thái Nguyên mang những nét chung của khí hậu vùng Đông Bắc Việt Nam, thuộc miền nhiệt đới gió mùa biến tính,
chia làm 2 mùa rõ rệt. Mùa nóng bắt đầu từ cuối tháng 4, kết thúc vào đầu tháng 10 hàng năm. Trong thời gian này gió mùa đông nam chiếm ưu thế tuyệt đối, nóng ẩm mưa nhiều, tháng nóng nhất là tháng 7, nhiệt độ cao tuyệt đối lên đến 41,50C, nhiệt độ trung bình 28,50C. Mùa lạnh bắt đầu từ gần cuối tháng 11 năm trước đến gần cuối tháng 3 năm sau, gió mùa đông bắc chiếm ưu thế tuyệt đối, trong thời gian này, lượng mưa ít, thời tiết hanh khô, tháng lạnh nhất là tháng 1, nhiệt độ trung bình 15,5oC, nhiệt độ thấp tuyệt đối xuống đến 3oC. Độ ẩm không khí trên địa bàn thành phố khá cao. Mùa nóng độ ẩm dao động từ 78% đến 86%, mùa lạnh từ 65% đến 70%.
* Lượng mưa và chế độ mưa
Thành phố Thái Nguyên nằm trong vùng có lượng mưa lớn. - Lượng mưa trung bình hàng năm 2.025,3 mm, phân bố theo mùa, và có sự chênh lệch lớn giữa 2 mùa.
- Mùa mưa trùng với mùa nóng, lượng mưa chiếm tới 80% lượng mưa cả năm.
- Số ngày mưa trên 100mm trong một năm khá lớn.
- Ngày mưa lớn nhất trong vòng hơn nửa thế kỷ qua là ngày 25/6/1959, tới 353 mm, làm cho tháng này có lượng mưa kỷ lục 1.103mm.
b. Thuỷ văn
Thành phố Thái Nguyên nằm giữa hai dòng sông lớn: Sông Cầu và sông Công (phụ lưu bên bờ phải của sông Cầu). Sông Cầu đoạn chảy qua thành phố Thái Nguyên dài 25 km, chiều rộng 70 - 100m. Lưu lượng nước bình quân mùa mưa 620m3/s, mùa khô 3,32m3/s. Sông Cầu là nguồn cấp nước sinh hoạt cho thành phố, nước cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp; đồng thời cũng là nơi tiếp nhận nước thải đô thị và công nghiệp của thành phố này. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có khoảng 93 các ao, hồ, suối vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng thời tiếp nhận, tiêu thoát nước cho thành phố.