Đặc điểm tâm lý và nhu cầu tiếp nhận thông tin báo chí

Một phần của tài liệu NHỮNG lý LUẬN CHUNG về vấn đề TUYÊN TRUYỀN GIÁ TRỊ văn hóa TRUYỀN THỐNG các dân tộc THIỂU số tây bắc (Trang 25 - 28)

Cũng như miền núi phía Bắc, người dân miền núi Tây Bắc ngoài những đặc điểm chung có những đặc điểm riêng. Về tính cách, lối sống, cư dân ở Tây Bắc là những người thật thà, chất phác có lòng yêu quê hương đất nước nồng nàn, có tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, sống cởi mở, thẳng thắn, chân thành, giản dị. Người dân Tây Bắc cũng có tâm lý sùng bái các nhân vật thần thánh, những người có công với cộng đồng, có tập tục thờ cúng gia tiên, có tư tưởng phong phú dệt lên những truyền thuyết đầy màu sắc huyền thoại và sinh động. Nói như vậy, song đồng bào các dân tộc Tây Bắc cũng có nhiều hạn chế do việc sử dụng ngôn ngữ riêng ở các tộc người khác nhau, nên việc giao lưu học hỏi khó khăn, nhất là các dân tộc lạc hậu ở vùng sâu xa như H’Mông. Một đặc điểm nữa là người dân thích hoạt động thực tiễn hơn tư duy và nhận thức, khả năng tiếp nhận thông tin khoa học kỹ thuật, tiếp nhận thông tin báo chí còn nhiều khó khăn. Bản tính bảo thủ, cố hữu, cục bộ dân tộc địa phương, tự do, lòng tự tôn dân tộc thái quá đã khiến cho việc tiếp thu cái mới, tiến bộ diễn ra rất chậm, nhiều

thủ tục, nhiều thói quen lạc hậu không dễ dàng thay đổi. Tâm lý học hành không có chủ định vẫn tồn tại không ít trong dân cư.

Nhằm nâng cao nhận thức, khả năng tư duy của người dân vùng núi Tây Bắc, nhất là vùng sâu vùng xa, Đảng ta đã có nhiều chính sách ưu đãi, đẩy mạnh các hoạt động đưa văn hóa về cơ sở, phát triển hoạt động báo chí, phát thanh truyền hình. Hiện nay miền núi Tây Bắc cũng đang thực hiện có hiệu quả chương trình phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ, chống tái mù chữ, đây cũng là những yếu tố thúc đẩy việc tiếp nhận thông tin báo chí của đông đảo các dân tộc, kể cả vùng sâu vùng xa. Phải khẳng định rằng từ những năm 90 trở lại đây đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã được nâng lên rõ rệt, ngoài việc được tiếp nhận món ăn tinh thần mới hấp dẫn là truyền hình, báo in ... đã được chuyển đến vùng sâu xa một cách nhanh nhất....

Từ những việc làm cụ thể đẩy mạnh thông tin về cơ sở, đồng bào các dân tộc Tây Bắc hiện nay đã được đón nhận món ăn tinh thần phong phú đa dạng hơn. Song thực tế khách quan, trình độ nhận thức, tâm lý vẫn là những hạn chế trong tiếp nhận thông tin. Vì vậy, nhu cầu của đồng bào hiện nay đòi hỏi nhiều và sâu về thông tin, cũng là đòi hỏi về phương pháp chiến lược tuyên truyền đối với cơ quan báo chí như chủ trương quan điểm của Đảng ta đã chỉ rõ: Các dân tộc “Cùng phát triển” bên nguyên tắc: “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ”.

Có thể nói báo chí là một phần không thể thiếu của xã hội, bản thân nó có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa xã hội. Với chức năng tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, báo chí giúp nâng cao nhận thức văn hóa cho người dân, khẳng định và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, hình thành và không ngừng hoàn thiện lối sống tích cực trong xã hội. Báo chí chính là một trường học xã hội rộng rãi cung cấp

kiến thức mọi mặt cho đời sống con người dưới dạng vừa bao quát, vừa cụ thể lại dễ dàng tiếp nhận. Xã hội ngày càng phát triển không ngừng và tất nhiên đời sống văn hóa xã hội cũng không ngừng vận động đòi hỏi con người phải bổ sung và hoàn thiện vốn hiểu biết của mình. Hơn thế nữa, tuyên truyền phổ biến về văn hóa cũng là mục đích và nhiệm vụ của báo chí.

Nghị quyết hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương khóa VIII đã đánh giá “Thông tin đại chúng phát triển nhanh về số lượng và qui mô, về nội dung và hình thức, về in, phát hành, truyền dẫn, ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của xã hội” [31, tr.44].

Đối với công tác tuyên truyền về bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, nhất là bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, báo chí Tây Bắc nói riêng, báo chí Việt Nam nói chung giữ vai trò như là một chiếc cầu nối giữa nét đẹp của dân tộc này với dân tộc khác, xóa bỏ đi khoảng cách, làm cho văn hóa các dân tộc ngày càng có điều kiện giao lưu với nhau. Từ việc giao lưu đó, mỗi dân tộc ý thức về bản sắc văn hóa dân tộc mình và tiếp thu được những nét đẹp, thuần phong mỹ tục, những nhân tố tích cực và phê phán loại bỏ những gì đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Báo chí không chỉ phản ánh được những nguyên nhân cũng như thực trạng của văn hóa, mà còn giới thiệu được những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu với bạn bè quốc tế, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam, thông qua đó báo chí cũng đã giới thiệu được đến độc giả của mình hiểu và nắm bắt được những nét tinh túy của văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên hiện nay xuất hiện xu hướng đồng hóa tự nhiên về văn hóa làm mai một văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc từ nghi thức, ăn, mặc, ở, tập quán...tiếng nói đã bị pha trộn, âm nhạc dân tộc bị xem thường, những bộ trang phục không còn hấp dẫn với thế hệ trẻ.

Để giữ vững và phát huy vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền giữ gìn và bảo tồn văn hóa các dân tộc, tự thân mỗi cơ quan báo chí, mỗi cán bộ phóng viên cần nâng cao chất lượng báo chí, nâng cao sự am hiểu về văn hóa dân tộc, luôn đổi mới hình thức cũng như nội dung tuyên truyền phù hợp với thời cuộc, để giá trị văn hóa các dân tộc Tây Bắc mãi trường tồn với thời gian.

Có thể nói, từ những đặc điểm kinh tế, xã hội, điều kiện địa lý tự nhiên, đặc điểm truyền thống văn hóa, tâm lý nhu cầu, đặc điểm công chúng Tây Bắc, thời gian qua báo chí trung ương và địa phương đã phát triển bề rộng, ngày càng nâng cao hiệu quả tuyên truyền - đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin ngày càng cao của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc nói chung và Tây Bắc nói riêng.

Một phần của tài liệu NHỮNG lý LUẬN CHUNG về vấn đề TUYÊN TRUYỀN GIÁ TRỊ văn hóa TRUYỀN THỐNG các dân tộc THIỂU số tây bắc (Trang 25 - 28)