HOÀN CẢNH LỊCH SỬ, XÃ HỘI, VĂN HÓA VIỆT NAM TỪ NĂM1975 ĐẾN HẾT THẾ KỈ

Một phần của tài liệu QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT về CON NGƯỜI TRONG văn học VIỆT NAM từ CÁCH MẠNG THÁNG tám năm 1945 đến NAY (Trang 27 - 29)

VIỆT NAM TỪ SAU NĂM 1975 ĐẾN HẾT THẾ KỈ XX

I. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ, XÃ HỘI, VĂN HÓA VIỆT NAM TỪ NĂM 1975ĐẾN HẾT THẾ KỈ XX ĐẾN HẾT THẾ KỈ XX

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại chống đế quốc Mĩ kết thúc thắng lợi. Một thời kì mới của lịch sử dân tộc được mở ra: đất nước độc lập, thống nhất, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau hào quang chiến thắng, cả dân tộc phải đương đầu với bao khó khăn, thử thách vô cùng to lớn. Hai mươi năm miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đạt được một số thành tựu, song cuộc chiến tranh phá hoại kéo dài của không quân và hải quân Mĩ đã để lại những hậu quả nặng nề và lâu dài. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, cơ đồ của chủ nghĩa thực dân mới sụp đổ song còn đó những di hại cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Nền kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa có phát triển trong một chừng mực nhất định song chủ yếu lệ thuộc vào viện trợ nước ngoài nay càng lâm vào khủng hoảng. Chúng ta bắt tay vào khôi phục và phát triển kinh tế ở một trình độ thấp trong khi kinh tế thế giới đã phát triển mạnh, điều này tạo nên một khoảng cách tụt hậu rất xa của Việt Nam trên trường quốc tế.

Không chỉ vậy, trong vòng 5 năm sau chiến tranh, nhân dân ta vẫn phải liên tiếp đương đầu với những cuộc chiến tranh xâm lược của các nước láng giềng. Đó là cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam chống tập đoàn Pôn pốt – Khơ me đỏ có sự hậu thuẫn của Mĩ. Tiếp đó là cuộc chiến tranh chớp nhoáng của Trung Quốc tiến hành ở vùng biên giới phía Bắc. Thời gian tuy không dài nhưng cũng để lại cho ta nhiều tổn thất về người và của. Tình hình đất nước sau chiến tranh khó khăn càng thêm chồng chất.

Cùng với những khó khăn thời hậu chiến mà bất cứ nước nào vừa trải qua chiến tranh cũng phải gánh chịu, chúng ta còn chịu chính sách bao vây, cấm vận kinh tế, chính sách cô lập của các thế lực đế quốc thù địch. Sự khủng hoảng tan rã của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa và sự sụp đổ của Liên bang Xô viết cũng khiến chúng ta mất đi một chỗ dựa quan trọng cả về kinh tế lẫn chính trị.

Mười năm sau chiến tranh, với sự nỗ lực và tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, nền kinh tế bước đầu được khôi phục song còn chậm. Kinh tế nước ta tụt hậu ngày càng xa so với thế giới. Ngoài những nguyên nhân khách quan còn phải kể đến nguyên nhân chủ quan là bởi những “khuyết điểm, sai lầm của các cơ quan Đảng và Nhà nước ta từ Trung ương đến cơ sở về lãnh đạo, quản lí kinh tế, quản lí xã hội” (Văn kiện ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ V). Ta chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa trong khi chưa có đủ tiền đề cần thiết. Nhiều chính sách ra đời không phù hợp do nặng về duy ý chí, chủ quan, nóng vội. Công tác quản lí các cấp còn buông lỏng. Chậm đổi mới, duy trì quá lâu nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp vốn không giải phóng được mọi tiềm năng sản xuất của xã hội.

Sau chiến tranh, điều kiện giao lưu văn hóa quốc tế được mở rộng, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân do vậy mà phong phú hơn. Tuy nhiên tàn dư lạc hậu của nền văn hóa phong kiến vẫn còn đè nặng lên nhiều mảnh đời, nhiều số phận. Âm mưu diễn biến hòa bình của thế lực thù địch cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tư tưởng của một bộ phận nhân dân. Di chứng tinh thần chiến tranh để lại khiến con người bước từ thời chiến trở lại thời bình không dễ dàng để hòa nhập và thích nghi với môi trường mới phức tạp, ngổn ngang, muôn vẻ. Nhiều giá

trị đạo đức truyền thống giờ thay đổi, thậm chí xung đột đòi hỏi những chuẩn mực và giá trị mới. Điều đó khiến tâm lí con người cũng có nhiều xáo trộn. Hơn hai mươi năm chia cắt với sự đối lập về hệ tư tưởng, chính trị và những khác biệt về kinh tế, văn hóa, hai miền Nam – Bắc còn cần nhiều thời gian nữa mới có thể xóa nhòa được những cách biệt.

Nhận rõ những sai lầm, khuyết điểm sau hơn mười năm lãnh đạo, Đảng ta đã nghiêm túc tự kiểm điểm, phê bình, rút kinh nghiệm và tiến hành đổi mới. Đại hội VI của Đảng (1986) được coi là đại hội mở đầu công cuộc đổi mới với quyết sách táo bạo: xóa bỏ nền kinh tế mang nặng tính tự cấp tự túc với cơ chế quản lí tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lí của nhà nước.

Công cuộc đổi mới khiến đất nước ta có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, làm biến đổi đời sống vật chất tinh thần của cả dân tộc. Nền kinh tế từng bước vượt qua khủng hoảng và trên đà phát triển. Đời sống người dân được cải thiện. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường cũng là môi trường thuận lợi làm nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội. Quy luật cạnh tranh khốc liệt dẫn tới sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức của một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân. Tâm lí sống thực dụng chủ nghĩa, sùng ngoại thái quá, lối sống chạy theo hưởng thụ vật chất mà coi nhẹ các giá trị tinh thần đang chi phối một bộ phận dân cư, nhất là giới trẻ. Bộ máy quản lí cồng kềnh, trì trệ, chậm được cải cách và nhất là tệ tham nhũng tràn lan và nặng nề mà chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và đẩy lùi. Con đường đi lên và đổi mới đất nước đã rõ ràng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức.

Một phần của tài liệu QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT về CON NGƯỜI TRONG văn học VIỆT NAM từ CÁCH MẠNG THÁNG tám năm 1945 đến NAY (Trang 27 - 29)