6. Cấu trúc khóa luận
2.2.1 Cổng làng (Mông Phụ)
( Cổng làng cổ Đường Lâm - Nguồn Internet )
Qua cánh cổng làng đã bạc màu sương gió, nằm dưới bóng một cây đa khổng lồ đã 300 năm tuổi là những ngõ xóm, đường làng, mái ngói, tường đá ong và các công trình kiến trúc cổ xưa trong một không gian sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc của ngôi làng thuần nông và dấu ấn của một nền văn minh lúa nước.
Dấu ấn cổ xưa rõ nét nhất của Đường Lâm nằm ở kiến trúc cổng làng và đình Mông Phụ. Cổng làng gồm một cổng lớn và bốn cổng trấn bốn phương được xây dựng bằng đá ong theo lối kiến trúc vòm, nghĩa là cổng
được xây dựng theo kiểu “Thượng gia hạ môn” – trên là nhà, dưới là cổng.
Cổng được xây bít đốc, có trụ đỡ mái và đầu nóc, bên trong có khung gỗ, kèo, hoành, rui, trên mái lợp ngói.
Cổng làng xây dựng từ năm 1833, cổng nằm trên trục đường chính dẫn vào làng, có bốn cột chọn theo mẫu tứ thiết (đinh, lim, sến, táu) vững chãi trên những phiến đá xanh tròn vành vạnh như chiếc cối đá đặt úp. Cửa làng là hai cánh gỗ lim “cánh dế” dày khoảng bốn hoặc năm phân, đóng mở nhẹ
nhàng nhờ hai cối cổng bắng đá. Trên cổng được khắc dòng chữ: “Thế hữu
hưng nghi đại” nghĩa là “Cuộc đời muốn được hưng thịnh cần phải thích nghi”, tuy nhiên cũng có người dịch là “ thời nào cũng có người tài”, phải
chăng đó là phương châm xử thế của người xưa. 2.2.2 Đình làng
( Đình làng Mông Phụ - Nguồn Internet )
Đình là ngôi nhà công cộng của cộng đồng làng xã Việt Nam, nơi đây có 3 chức năng được thực hiện: hành chính, tôn giáo, văn hoá
Về chức năng hành chính: Đình là chỗ họp bàn các “việc làng” như xử kiện, phạt vạ. . . . theo những quy định của làng.
Về chức năng tôn giáo: Đình là nơi thờ thần của làng, thường là một vị, cũng có khi nhiều vị được gọi là thành hoàng làng.
Về chức năng văn hoá: Đình là nơi biểu diễn các kịch hát như chèo, đồng thời đây cũng là nơi tiến hành các lễ hội, các trò chơi.
Các chức năng này không bao giờ tách biệt mà đan xen, hoà quyện với nhau. Có thể nói, Đình là một toà thị chính, một nhà thờ và một nhà văn hoá cộng đồng của làng xã Việt Nam, là biểu tượng cho cộng đồng người Việt, bởi vậy Đình được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Theo ngữ nguyên trong Trung Văn Đại Từ Điển: Đình là nơi người ta dừng lại tụ tập. Theo sách Thuyết Văn: Đình là chỗ cư dân tới yên ổn. Theo học giả Nhân Sư Cổ: Đình là quán cho hành khách dừng bước nghỉ ngơi. Đọc đoạn nói về Đình trong Lục độ tập kinh, ta có thể nghĩ rằng: Đình còn là trạm nghỉ chân như ở thời Trần hay là nơi trú chân cho những người lộ đường.[3, Tr. 18]
Từ chỗ coi Đình là trạm dừng chân, có người đưa ta ra ý kiến Đình vốn là hành cung của vua rồi sau mới trở thành Đình làng. Theo giáo sư Nguyễn Văn Huyên thì các Đình ngày xưa là nhà nghỉ của Vua khi vua đi tuần thú trong vùng, về sau các cuộc tuần du của vua trở nên hiếm hơn nên các làng lấy làm nơi thờ thần.[3, Tr. 20]
Đình có 3 loại: đình tổng, đình xã, đình thôn. Ở Đường Lâm có đủ cả 3 loại này trong đó đình tổng ở Đông Sàng, đình làng gồm có đình của các làng: Mông Phụ, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Yên Thịnh. Tuy nhiên đình Mông Phụ được coi là ngôi đình có giá trị kiến trúc nổi bật hơn cả.
Đình Mông Phụ là ngôi đình hiện có qui mô lớn nhất xã Đường Lâm và tọa lạc ở trung tâm làng Mông Phụ nhìn về hướng Tây Nam, ngôi đình này có cách đây vài trăm năm và mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Việt- Mường (đình có sàn gỗ). Có thể nói đây là bông hoa về nghệ thuật kiến trúc, những nét tài hoa có một không hai ấy còn được lưu giữ trên những chạm cổn và đầu dư tinh vi trong từng nhát đục. Song cũng cực kỳ tinh tế trong quy hoạch tổng thể mang tính vĩ mô. Giai thoại kể rằng: Đình Mông Phụ đặt trên đầu một con
rồng mà giếng làng là hai mắt, sân đình đào thấp hơn so với mặt xung quanh. Có vẻ như là một nghịch lý so với kiến trúc hiện đại song thực ra đó lại là một dụng ý của người xưa, khi mưa xuống nước mưa từ ba phía ào ạt đổ vào,( phải chăng đó là khát vọng về một cuộc sống ấm no). Sau đó nước từ từ thoát ra theo hai cổng như chạy dọc theo nách đình, từ xa nhìn lại trong mưa, hai rãnh nước vẽ nên hai râu rồng vừa thật, vừa ảo. Trước cửa đình là cái sân rộng – sân này là nơi biểu diễn các trò chơi khi làng vào đám (hội làng). Không chỉ như thế, sân này còn là một cái ngã sáu khổng lồ xòe ra như những cánh hoa rồi quy tụ mọi con đường trong làng về trung tâm. Có điều rất đặc biệt, từ đình có thể đi đến bất cứ xóm nào trong làng mà không phải quay lưng lại với hướng đình.
Thật vậy, Đình làng có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong các ngôi làng Việt, từ xa xưa ngôi đình thấm sâu vào hồn quê đất Việt. Ở đâu có cộng đồng người Việt ở đó có ngôi đình, người ta dành cho đình những tình cảm tốt đẹp nhất. Họ dồn tài sản có thể có được để xây dựng ngôi đình quê hương thành một kiến trúc lớn nhất trong làng, mặt khác, Đình còn là kiến trúc thiêng liêng của cộng đồng người Việt, vì vậy dựng đất đình là vô cùng quan trọng, nhiều người cho rằng Đình là trung tâm của làng vì thế khi chọn hướng và đất dựng Đình phải theo quan niệm phong thuỷ. Trong tín ngưỡng dân gian truyền thống đất dựng đình phải chọn cẩn thận, nếu chọn sai có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng như dân làng bị bệnh tật, hoả hoạn… do vậy dân gian có câu:
Toét mắt là tại hướng đình Cả làng toét mắt riêng mình em đâu.
Đình không nhất thiết phải dựng trên gò đồi nhưng phía sau hoặc hai bên thường cần có những chỗ đất cao để làm “tay ngài” và mặt trước đình cần
có nước- đó là thế đất “tụ thuỷ”- nước hội tụ – mà “ tụ thuỷ” thì có nghĩa là “tụ linh”, “ tụ phúc” tụ hội tất cả những điều may mắn.
Quy mô đình Mông Phụ có hình chữ công (I) bao gồm hai toà đại bái và Hậu cung nối với nhau bằng gian ống muống. Toà Hậu cung là một gian hai chái lớn được xây dựng vào thời Lê Cảnh Hưng. Toà đại bái được trùng tu xây dựng năm Tự Đức Kỷ Mùi (1839), cả hai toà nhà đều được làm theo kiểu bốn lá mái với các góc đao bây bổng. Theo bộ khung nhà chạm khắc các trang trí theo các đề tài tứ linh, tứ quý, mây cụm, vân xoắn, hoa lá. . .truyền thống, đặc biệt là bức chạm “Mẫu long huấn tử”, trong đó Đình chính không có tường vách ngăn, tất cả đều để trống chỉ có một lan can có chấn song hình con tiện bao quanh ba mặt đến tường của Hậu cung. Đình có sàn ở hai gian bên, ở gian giữa có cửa võng hình lưỡng long chầu nguyệt sơn son thiếp vàng. Một ban thờ lớn trang trí bằng tượng rồng hổ phù ngậm chữ Thọ, mây. . . Hậu cung chỉ có sườn gỗ bào trơn, có tường xây kín ba mặt, bệ thờ đặt giữa Hậu cung, có ngai và bài vị thờ Tản Viên Sơn Thánh.[ 8,Tr. 107]
Về kiến trúc của Đình
Xét về kiểu dáng kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc thì đình Mông Phụ được làm vào thời Lê Trung Hưng và tôn tạo tu sửa vào thế kỷ XIX, kiến trúc này được xây dựng theo kiểu có 6 hàng cột nghĩa là có thêm hai cột hiên. Các không gian được chia ra bởi các vì kèo liên kết bốn hàng cột gồm: hai hàng cột cái lớn và hai hàng cột quân nhỏ. Trong kiến trúc hai cột được nối với
nhau bằng một thanh xà lớn gọi là câu đầu. Câu đầu chỉ kê trên đầu một cột
cái chứ không gắn với cột mộng, ở tất cả các cột cái đều có xà gỗ gắn gọi là
đầu dư. Vươn ra đỡ câu đầu, phía trên câu đầu có các khối gỗ vuông, phía
dưới hơi thót gọi là đấu và đặt trên là các thanh gỗ gắn, thu ngắn dần cho tới xà nóc, tức thượng lương. Các thanh gỗ này được gọi là con rường. Các con rường kê trên câu đầu tạo ra một khoảng tam giác thường gọi là vì nóc. Còn
cột cái nối với cột quân bằng một thanh xà ngắn có tên là xà nách. Một đầu xà
nách ăn mộng vào cột cái, phía đầu kia kê lên cột quân mà không có mộng liên kết. Bên xà nách có những con rường chồng lên nhau, càng lên cao càng ngắn dần theo chiều dốc của mái. Vì xà nách ngắn nên con rường cũng ngắn và số đấu cũng ít, ở đây rường một đầu ăn mộng vào cột cái chỉ toả về một
phía nên được gọi là rường cánh. Khác với các con rường ở vì nóc, các rường cánh làm thành một tam giác được gọi là cốn, mà cạnh đứng của nó là phần
của cột cái. Các rường ở vì nóc cũng như các rường cánh dùng để đỡ các hoành- tức các thanh gỗ dài chạy dọc theo mái nhà nối các vì kèo với nhau mà
dân gian còn gọi là đòn tay. Hoành trên cũng chính là thượng lương, hoành
dưới cùng được các bẩy cùng các ván dong đỡ. Bẩy là khúc gỗ dài thân hơi
cong ăn chân mộng vào cột quân và chốt vào dưới xà nách. Ván dong là
những ván dày lót giữa hoành và đầu bẩy nhằm cố định vị trí các hoành từ cột quân đến cột hiên. Đây chính là sự liên kết trong bộ khung của một toà đình.
Về mặt kiến trúc, Đình làng được phân ra làm hai loại: nhà sàn và nhà trệt. Trong đó Mông Phụ là một ngôi đình có dấu vết của nhà sàn thời cổ xưa. Sàn đình là một kết cấu vốn có của một ngôi đình cổ còn bảo lưu ở Đường Lâm, qua lối kiến trúc này đình Mông Phụ chẳng những giúp ta biết được tính chất, bản địa của loại hình kiến trúc công cộng mà còn là một chứng cớ để góp phần chứng minh rằng loại hình kiến trúc này có mặt khá sớm trong sinh hoạt cộng đồng người Việt cổ. Đình làng có sàn chứng tỏ nó phải xuất hiện khi mà thiên nhiên và khi hậu còn đòi hỏi người Việt cổ phải làm nhà sàn để ở và sinh hoạt cộng đồng. Và rồi nhờ có quá trình cải tạo của thiên nhiên nên dần dần về sau nhu cầu nhà sàn không cần thiết nữa, nhà trệt được thay thế, nhưng ngôi nhà sàn ở đình vẫn được tiếp tục duy trì và bảo lưu vì nó rất tiện lợi cho việc họp hành, quần tụ sinh hoạt. Nó cao ráo, sạch sẽ và tiện lợi nhất là những ngày mưa dầm, gió bão, ẩm ướt, cố nhiên sàn cũng được làm thấp
xuống vì nó không còn chức năng sàn của nhà sàn nữa mà chỉ thuần túy là nơi hội họp, sinh hoạt, các sàn không cao, trung bình từ 0,6 đến 0,8m so với mặt đất. Dưới sàn có nhiều dầm đỡ ăn chân mộng vào thân cột một cách vững chắc, không gian dưới sàn để trống cùng với các tảng đá to kê chân cột, chúng tạo nên sự khô ráo, thông thoáng cho toàn bộ ngôi đình. Sàn đình được lắp ghép từ những tấm gỗ tốt được bào nhẵn nên trông như một tấm phản rộng. Rõ ràng sự bảo lưu vết tích của nhà sàn ở đình cũng nói lên nguồn gốc cổ xưa của nó, có lẽ sự bảo lưu này không chỉ tiện lợi cho việc họp hành quần tụ sinh hoạt của cả cộng đồng mà còn là sự cố thủ của tín ngưỡng cộng đồng.
Mái của ngôi đình: thường được lợp ngói mũi hài. Trong đó mái đình hình võng nhẹ, bờ nóc tức gờ nối hai mái chính, cũng giống như chùa, thường được đắp cao gắn gạch hộp rộng có hình hoa chanh bốn cánh, hai bờ nóc là những con kìm, thường là những hình đầu rồng há miệng bằng đất nung khá lớn. Còn bờ dải- tức gờ nối giữa mái chính và mái phụ thì không có trang trí
gì. Bờ dải chạy từ nóc xuống các góc nhà gọi là đao. Các góc đao của đình
thường cong vút lên, nhờ một hệ thống cấu trúc đặc biệt mà các nhà kiến trúc
quen gọi là tầu đao lá mái. Lá mái là tên gọi tấm ván mỏng lót dưới cuối
cùng, vuông góc với mái là phiến gỗ dày gọi là lá tàu, chạy suốt chiều dài của mái và rộng dần ra ở hai đầu cho tới tận gốc đao.
Đáy của lá tàu gọi là dạ tàu, lá tàu từ hai phía chạy lại hội đầu với nhau
ở góc đao che chỗ nối hai đầu lá tàu là một thanh gỗ gọi là ấu tàu, mái hai bên
góc đao đều lượn cong làm thành một góc nhọn vươn lên cao, kiểu tàu đao lá mái tạo thành một những đầu đao cong vút là một đặc điểm riêng biệt của kiến trúc truyền thống.
( Chùa Mía - Nguồn Internet )
Chùa Mía, tên chữ “Sùng Nghiêm Tự” nằm thôn Đông Sàng. Chùa này được trùng tu vào thế kỷ XVII do bà Nguyễn Thị Dong- nguyên phi chúa Trịnh Tráng (1623-1657) Chùa được xây dựng trên một đồi đá ong có quy mô lớn.
Chùa Mía được kiến thiết theo kiểu “Nội công, ngoại quốc” từ ngoài vào là Tam Quan, trên gác treo một quả chuông đồng lớn đúc năm Cảnh Hưng thứ IV (1743) và một khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ VI( 1846). Qua gác chuông vào một khoảng đất rộng là đường gạch vào cổng, bên cạnh có cây đa cổ thụ trên 500 tuổi, Trong chùa có một toà tháp rất bề thế.
Các công trình trong chùa rất quy mô, gồm: tam quan, chính điện, thượng điện, nhà tổ, hành lang san sát lối kề, trong ngoài bao bọc, ngang dọc xen nhau. Chùa Mía hướng Nam, tất cả có 17gian trong đó khu chùa chính với 58 gian nhà lợp ngói mũi cột kèo làm bằng gỗ quý và cửa tam quan có mái cao 07m, cửa chính rộng 2,5m, hai cửa bên mỗi cửa rộng 1,7m, chùa chính song song với tiền đường bốn mái, tiếp theo là thượng điện hay tam bảo - một trung tâm rất nhiều tượng phật.
Sau Tam Quan là vườn cây, phía trái cổng chùa là nhà khách và nhà tổ, mỗi nhà rộng năm gian, đây là phòng họp các tín đồ, toàn bộ kiến trúc của chùa được làm bằng nhiều cột gỗ to và thấp - đặc trưng của kiến trúc thế kỷ XVII. Các vì kèo bằng gỗ tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc gỗ thời hậu Lê, có nhiều chạm khắc công phu, hình tứ linh, hoa lá- bức chạm nào cũng tinh tế, sống động và gợi cảm. Không những vậy, chùa Mía còn là ngôi chùa nổi tiếng bởi hệ thống tượng phật, không chỉ đặc sắc về hình dáng, thể loại mà còn rất phong phú về số lượng. Trong chùa hiện còn 287 pho tượng lớn nhỏ, gồm 6 tượng đồng, 107 tượng gỗ và 174 pho tượng đất, các pho tượng dù làm bằng đồng, tạc bằng gỗ hay đắp bằng đất nhưng đều thể hiện nghệ thuật cao mang đậm dấu ấn, tâm hồn người nghệ nhân đương thời. Đáng lưu ý có một số pho tượng có giá trị nghệ thuật cao, độc đáo như tượng Tuyết Sơn, tượng Di Lặc, Bồ Tát Nam Hải Quan Thế Âm, Bát Bộ Kim Cương, Tứ Bồ Tát và tượng bà chúa Mía.
Phần sau của điện dành cho các tượng Đức Ông, Thánh Hiền, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng, bên ngoài hành lang là tượng Pháp Vân, Pháp Lôi và 18 tượng La Hán ở hai hành lang nối nhà chính và chùa trong, chùa được bố trí nhiều động, miêu tả hành trình tu chính của Đức Phật Thích Ca và Quan Thế Âm.
Thật vậy, chùa Mía ngoài giá trị tâm linh thì tượng Phật chùa Mía đã khắc hoạ lại nét văn hóa của một thời xa xưa, góc cạnh cuộc sống đời thường được bàn tay nghệ nhân mô phỏng sinh động, từ đường gân sắc mặt đến xiêm