Cách mạng Xanh có hai nội dung quan trọng hỗ trợ và bổ sung cho nhau là tạo ra những giống mới và năng suất cao chủ yếu là cây lương thực và sử dụng tổ hợp các biện pháp kỹ thuật để phát huy khả năng của các giống mới.
Cuộc Cách mạng Xanh được bắt đầu ở Mêhico cùng với việc hình thành một tổ chức nghiên cứu quốc tế là: "Trung tâm quốc tế cải thiện giống ngô và mì CIMMYT và Viện nghiên cứu quốc tế về lúa ở Philippin - IRRI và ở Ấn Độ - IARI".
Ấn Độ, từ một nước luôn có nạn đói kinh niên, không sao vượt qua ngưỡng 20 triệu tấn lương thực, thành một đất nước đủ ăn và còn dư để xuất khẩu với tổng sản lượng kỷ lục là 60 triệu tấn/năm. Năm 1963, do việc nhập nội một số chủng lúa mì mới của Mêhico và xử lý chủng Sonora 64 bằng phóng xạ đã tạo ra Sharbati Sonora, hàm lượng protein và chất lượng nói chung tốt hơn cả chủng Mêhico tuyển chọn. Đây là một chủng lúa mì lùn, thời gian sinh trưởng ngắn. Sản lượng kỷ lục của lúa mì ở ấn Độ là 17 triệu tấn vào những năm 1967 - 1968. Ngoài ra, những
loại cốc khác, nhờ tạo giống mới cũng đã đưa đến năng suất kỷ lục. Bajra, một chủng kê có năng suất ổn định 2500 kg/ha, ngô cao sản năng suất 5000 - 7300 kg/ha. Lúa miến (Sorga) năng suất 6000 - 7000 kg/ha với những tính ưu việt như chín sớm hơn, chống chịu sâu bệnh tốt hơn hẳn so với các chủng địa phương. Đặc biệt lúa gạo, trồng trên diện tích rộng ở Ấn Độ - trên 35 triệu ha, nhưng năng suất trung bình chỉ đạt 1,1 tấn/ha. Với Cách mạng Xanh, giống IR8 đã tạo ra năng suất 8 - 10 tấn/ha.
Một điều đáng lưu ý là Cách mạng Xanh ở Ấn Độ không những đem đến cho người dân những chủng cây lương thực có năng suất cao, mà còn cải thiện chất lượng dinh dưỡng của chúng gấp nhiều lần. Ví dụ chủng Sharbati hạt vừa to, vừa chắc, chứa 16% protein, trong đó 3% là lizin. Do tiếp tục cải tiến và tuyển lựa giống nên có nơi chủng này đã cho 21% protein.
Như vậy, Cách mạng Xanh đã tạo ra những thành tựu lớn trong sản xuất lương thực của thế giới. Bên cạnh đó, Cách mạng Xanh vẫn tiềm ẩn những hạn chế như yêu cầu vốn lớn để đầu tư cho sản xuất, sử dụng nhiều loại phân bón có thể làm tăng mức độ ô nhiễm khu vực canh tác nông
nghiệp, sử dụng đại trà giống mới làm giảm dự trữ các nguồn gen về cây lương thực.