III. Giải pháp tăng cường đầu tư của Việt Nam sang Lào
2. Giải pháp vi mô
2.1 Tăng cường tìm hiểu môi trường đầu tư của Lào
Muốn đầu tư có hiệu quả, các doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm cơ hội cũng như tìm hiểu môi trường vĩ mô, vi mô của Lào, từ đó thấy được những thuận lợi và khó khăn cũng như khả năng thâm nhập thị trường của doanh nghiệp mình. Như vậy mới có thể lựa chọn được lĩnh vực, địa bàn đầu tư phù hợp. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp cần phải:
- Chủ động tìm kiếm thông tin qua các trang Web, các cơ quan đại diện kinh tế thương mại của Việt Nam, các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong đầu tư tại Lào.
- Thành lập bộ phận chuyên nghiên cứu thị trường, liên tục cập nhật các thông tin về hệ thống luật pháp, các thay đổi trong cơ chế, chính sách, hoạt động của thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường tài chính tại Lào…
- Tiến hành điều tra thị trường Lào một cách trực tiếp thông qua các chuyến đi thực tế tại Lào.
- Thường xuyên tham gia các buổi hội thảo xúc tiến đầu tư của Lào, các chương trình tập huấn về đầu tư ra nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Các kiến thức, thông tin mập mở, không đầy đủ về thị trường có thể gây cho doanh nghiệp những thiệt hại cũng như những tranh chấp không đáng có. Vì vậy đây là công tác cần chuẩn bị kĩ lưỡng đầu tiên trước khi trở thành nhà đầu tư nước ngoài tại Lào. 2.2 Hoàn thiện năng lực quản lí dự án
Để thực hiện dự án một cách có hiệu quả, các doanh nghiệp phải từng bước nâng cao năng lực quản lí dự án trên tất cả các khâu: quản lí thời gian, tiến độ, chi phí, chất lượng...Muốn đạt được điều đó, doanh nghiệp cần tiến hành các biện pháp như:
- Lập kế hoạch chi tiết, cụ thể cho các dự án, đảm bảo các nội dung trong dự án được thực hiện một cách đầy đủ.
- Thường xuyên tổ chức công tác kiểm tra, giám sát thực hiện dự án.
Đặc biệt quan trọng là nâng cao năng lực của các cán bộ quản lí dự án mới có thể đảm bảo cho dự án được thực hiện một cách hiêu quả.
- Có kế hoạch tuyển dụng đội ngũ cán bộ quản lí dự án có trình độ chuyên môn.
- Tiến hành tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lí dự án trong nước cũng như dự án tại nước ngoài.
- Thường xuyên tổ chức học hỏi kinh nghiệm, mô hình quản lí dự án của các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.
2.3 Tăng cường năng lực tài chính và khoa học công nghệ
Đầu tư sang Lào chúng ta không thể góp vốn hoặc mang những tài sản như: đất đai, nhà xưởng để góp vốn. Mặt khác Lào lại là một quốc gia có nền kinh tế kém phát triển, thiếu vốn trầm trọng cũng như khả năng về công nghệ hết sức hạn chế. Đầu tư sang Lào, các doanh nghiệp Việt Nam vì thế phải chủ động hoàn toàn về cả hai mảng này. Do đó, để đầu tư sang Lào có hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tăng cường năng lực tài chính cũng như khoa học công nghệ. Tăng cường năng lực tài chính sẽ giúp cho các dự án được tiến hành suôn sẻ, thuận lợi, đúng theo tiến độ, sớm đưa dự án vao giai đoạn vận hành. Điều này sẽ khắc phục được tồn tại hiện nay trong thực hiện các dự án tại Lào, đó là tỉ lệ vốn thực hiện còn rất thấp. Để làm được điều đó doanh nghiệp có thể thực hiện một số biện pháp như:
- Lựa chọn kĩ càng cơ hội đầu tư, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để vốn đầu tư cho một dự án không thiếu hụt, chậm trễ.
- Thực hiện các biện pháp huy động vốn thông qua các trung gian tài chính như ngân hang, qua thị trường vốn, hoặc kêu gọi các đối tác cùng hợp tác đầu tư sang Lào… - Quản lí có hiệu quả nguồn tài chính của doanh nghiệp, từng bước gia tăng qui mô vốn thông qua nguồn lợi nhuận trích lại.
Do đặc điểm của Lào là nền kinh tế còn nghèo, khoa học công nghệ lạc hậu rất nhiều không chỉ so với thế giới mà còn so với Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động trong các dây chuyền sản xuất, có những cải tiến về khoa học công nghệ phù hợp với nước sở tại. Cụ thể nhiệm vụ của doanh nghiệp đó là:
- Không ngừng học hỏi, cập nhật những tiến bộ về khoa học công nghệ trên thế giới để có thể làm chủ được công nghệ, có như vậy mới có thể quản lí tốt hệ thống công nghệ đầu tư tại Lào.
- Có chính sách thu hút, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lí công nghệ cho doanh nghiệp. - Đào tạo nguồn nhân lực tại Lào, những người tham gia trực tiếp vào sản xuất áp dụng các dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp.
- Thường xuyên nghiên cứu đổi mới công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất cũng như lao động Lào, đáp ứng được chất lượng, mẫu mã sản phẩm theo yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
2.4 Xây dựng quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào
Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào còn đơn thương độc mã mà chưa có sự phối hợp, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp muốn hoạt động có hiệu quả trên thị trường quốc tế, nhất thiết cần tạo ra mối quan hệ hợp tác với nhau. Thông qua đó các doanh nghiệp có thể chia sẻ cho nhau về kinh nghiệm làm
ăn, kinh nghiệm quản lí các dự án tại Lào, cũng như giúp đỡ lẫn nhau khi gặp những rủi ro, hoặc sự cố về tài chính, công nghệ, các tranh chấp…Để tạo được sợi dây liên kết này, các doanh nghiệp phải tổ chức được các hiệp hội kinh doanh tại Lào theo từng lĩnh vực và theo từng vùng lãnh thổ. Các hiệp hội phải được tổ chức hoạt động một cách khoa học mới có thể liên kết các doanh nghiệp lại với nhau tạo nên một khối vững mạnh và đoàn kết, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cũng như vị thế của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tại Lào mà còn trên trường quốc tế.
KẾT LUẬN
Trong tiến trình hội nhập, đầu tư sang Lào nói riêng và đầu tư ra nước ngoài nói chung là một hướng đi đúng đắn đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm từng bước nâng cao hình ảnh cũng như vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Trong quá trình đầu tư sang Lào các doanh nghiệp Việt Nam đã gặt hái được không ít thành công và trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Lào xét về cả qui mô vốn cũng như số lượng các dự án đầu tư. Tuy nhiên đây vẫn là hình thức đầu tư mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy việc tiến hành đầu tư đã gặp phải không ít vướng mắc từ phía cơ chế chính sách cũng như từ chính năng lực của doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức về vai trò của đầu tư ra nước ngoài, cũng như thực hiện tốt các văn bản qui định về đầu tư ra nước ngoài và các thoả thuận hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam có được một môi trường ban đầu thuận lợi tiến hành đầu tư tại Lào. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải năng động, linh hoạt hơn nữa mới có thể hoạt động kinh doanh có hiệu quả trong môi trường đầu tư quốc tế
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tài liệu Đâu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ, TS. Nguyễn Hồng Minh ( 2005).
- Giáo trình Kinh tế đầu tư, TS. Từ Quang Phương ( 2004)
- Giáo trình Lập và Quản lí dự án, PGS.TS Nguyễn Bạch Nguyệt ( 2005).
- Thông tư số 05/2001/TT – BKH ngày 30 tháng 8 năm 2001 hướng dẫn hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam.
- Nghị định 22/1999/NĐ – CP ngày14 tháng 4 năm 1999 qui định về đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam.
- Luật khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào ngày 14 tháng 4 năm 1994.
- Thoả thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hang hoá qua lại biên giới và khuyến khích phát triển hợp tác thương mại - đầu tư Việt Nam – Lào ngày 13 tháng 8 năm 2002.
- Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào về khuyến khích và bảo hộ đầu tư ngày 14 tháng 1 năm 2006.
- Chương trình kế hoạch hợp tác Việt – Lào giai đoạn 2000 – 2010
- Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á số tháng 4/2002; tháng 2/2004; tháng 3/2004. - Tạp chí nghiên cứu quốc tế số 39, 46 năm 2003.
- Tạp chí công nghiệp tháng 3/2006.
- www.mpi.gov.vn