Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản.

Một phần của tài liệu Đạo đức mác lênin (Trang 60 - 62)

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA ĐẠO ĐỨC MỚI.

4. Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản.

Chủ nghĩa nhân đạo có gốc Latinh (Humanus) có nghĩa là về con người, về tính người, có học thức. Theo nghĩa hẹp, chủ nghĩa nhân đạo là một trào lưu tư tưởng thế tục của thời đại Phục hưng, gắn với việc nghiên cứu các di sản cổ đại trong triết học, luân lý học, nghệ thuật và mô tả đặc điểm của nền văn hóa thời kỳ Phục hưng.

Theo nghĩa rộng, chủ nghĩa nhân đạo là một trào lưu xã hội tiến bộ, là tổng hợp những quan điểm nhằm bảo vệ phẩm giá và quyền của con người, là sự chăm lo đến hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người.

Ngay từ xa xưa những tư tưởng nhân đạo của nhân dân lao động đã hình thành một cách tự phát trong cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột và chống lại những hành vi vi phạm đạo đức. Chủ nghĩa nhân đạo chỉ được hình thành rõ nét từ phong trào Phục hưng thế kỷ XV – XVI ở Italia. Các đại biểu tư tưởng của giai cấp tư sản đang lên, đòi giải phóng con người, đòi tự do, bình đẳng, bác ái cho con người, phản đối chủ nghĩa khổ hạnh tôn giáo. Những tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa thời Phục hưng được các nhà khai sáng thế kỷ XVIII và sau đó là những tư tưởng gia tư sản tiến bộ thế kỷ XIX tiếp thu. Đó là những tư tưởng tiến bộ phù hợp với yêu cầu của quần chúng đông đảo, vì thế nó trở thành ngọn cờ tư tưởng của cách mạng tư sản. Trước Mác, tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa đã hình thành hai xu hướng sau:

- Thứ nhất: chủ nghĩa nhân đạo của các nhà tư tưởng tư sản tiến bộ thế kỷ XVII – XVIII, dựa trên cơ sở vật chất là chế độ tư hữu, cơ sở đạo đức là chủ nghĩa cá nhân. Tư tưởng này biểu hiện lợi ích và hệ tư tưởng phi tôn giáo của giai cấp tư sản đang lên tiến tới nắm chính quyền.

- Thứ hai: gắn liền với chủ nghĩa xã hội không tưởng biểu hiện lợi ích của những người lao động, những người nông dân, công nhân kể cả giai cấp bình dân thành thị. Họ chống lại hệ tư tưởng phong kiến và giáo quyền, bảo vệ lợi ích cá nhân mà trọng tâm chú ý của họ là vấn đề yêu cầu mọi người bình đẳng về tài sản, đòi lập một chế độ xã hội công bằng.

Hai khuynh hướng này tuy có khác nhau nhưng quan hệ với nhau, đều chống phong kiến, chống giáo hội. Nhưng có nhược điểm chung là:

+ Trừu tượng, kêu gọi tình thương chung chung. + Không thể thực hiện trong thực tế.

Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản là sự kế thừa và phát triển trên quan điểm biện chứng những tinh hoa lý tưởng nhân đạo trong lịch sử nhân loại. Đây là chủ nghĩa nhân đạo “có tính chất hiện thực và trực tiếp nhằm vào hành động, nhằm giải phóng con người chứ không phải là những cảm nhận thương xót về thân phận con người”. Trên ý nghĩa đó chủ nghĩa nhân đạo cộng sản là nội dung cơ bản của đạo đức mới, vì “cái gốc của đạo đức, của luân lý và lòng nhân ái”.

Lý tưởng nhân đạo triệt để là tạo lập điều kiện xóa bỏ tận gốc mọi điều kiện áp bức, bóc lột và nô dịch con người. Chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa nhân đạo triệt để nhất, hiện thực nhất.

Cần chú ý là, chủ nghĩa nhân đạo macxit đề cao tình yêu thương con người, thì đồng thời tỏ rõ thái độ phẫn nộ đối với những thế lực đối địch thù ghét người. Chủ nghĩa nhân đạo ở đây mang tính lịch sử cụ thể, nghĩa là mọi thời đại, mỗi dân tộc, mỗi giai cấp đều đưa vào chủ nghĩa nhân đạo những nội dung phù hợp với mình.

Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản khác hoàn toàn về chất so với chủ nghĩa nhân đạo tư sản vì:

Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản có nội dung toàn diện, triệt để và sâu sắc, nó thủ tiêu tất cả mọi áp bức bóc lột trong xã hội, mọi người đều được tự do, được thực hiện đầy đủ quyền làm người. Đây là chủ nghĩa nhân đạo tự do và đầy đủ nhất đối với nhân loại, là chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị nhất trong lịch sử loài người.

Một phần của tài liệu Đạo đức mác lênin (Trang 60 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)