Thực trạng gia đình Hà Nội với việc phát huy nguồn nhân lực nữ

Một phần của tài liệu NGUỒN NHÂN LỰC NỮ VÀ VIỆC PHÁT HUY NGUỒN NHÂN LỰCNỮ TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở HÀ NỘIHIỆN NAY- THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA (Trang 30 - 33)

Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, song chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ của cán bộ, đảng viên về trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện CSXH đối với phụ nữ, còn quan niệm rằng vấn đề phụ nữ là công tác phong trào và chưa mang tính cấp bách. Có thể khẳng định rằng khi các thành tựu đã đạt được không tự động đem lại lợi ích đều khắp cho các nhóm dân cư thì giải quyết vấn đề phụ nữ không thể dừng lại ở phong trào mà cần coi đó là sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực vì hiệu quả kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của đất nước. Như vậy, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng hiện nay các CSXH đối với phụ nữ ở Hà Nội không nằm ngoài đòi hỏi chung là phải hoàn thiện, đổi mới nội dung, cơ chế thực hiện để phù hợp với những đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực của đất nước.

2.2.2.5. Thực trạng gia đình Hà Nội với việc phát huy nguồn nhân lựcnữ nữ

Gia đình ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc phát huy nguồn nhân lực nữ. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất được nâng lên, các gia đình Thủ đô có điều kiện quan tâm, chăm sóc toàn diện hơn tới người phụ nữ cả về sức khoẻ, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn và đời sống văn hoá tinh thần. Cùng với sự phát triển của xã hội, quan hệ trong gia đình Thủ đô đang từng bước bứt ra khỏi những ràng buộc của những tư tưởng và hủ tục phong kiến đối với người phụ nữ. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình dân chủ, bình đẳng hơn đã mở rộng cơ hội phát triển tự do cá nhân cho cả nam và nữ. Năng lực làm chủ của phụ nữ trong gia đình được nâng lên đồng thời với việc phát huy vai trò của họ ở ngoài xã hội.

Bên cạnh những tiến bộ đã đạt được trong việc phát huy nguồn nhân lực nữ thì thực trạng gia đình Thủ đô đang nổi lên hàng loạt những vấn đề liên quan đến người phụ nữ mà dư luận xã hội quan tâm, cần sớm được khắc phục: hiện tượng ngược đãi, bạo hành đối với phụ nữ, các tệ nạn xã hội, tình trạng ly hôn có chiều hướng gia tăng, sự mất định hướng trong các giá trị gia đình, gánh nặng công việc gia đình tiếp tục cản trở sự phát triển toàn diện của phụ nữ.... Trong số các vấn đề đặt ra đối với việc phát huy nguồn nhân lực nữ trong gia đình thì vấn đề cơ bản là: Vị thế của phụ nữ chưa tương xứng với vai trò mà họ đảm nhiệm thể hiện ở sự bất bình đẳng trong phân công lao động gia đình và quyền quyết định trong gia đình.

Phân công lao động giữa vợ chồng là hình thức biểu hiện rõ rệt nhất về về mức độ giải phóng phụ nữ, về vị trí và vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đặc điểm nổi bật nhất của các loại công việc gia đình là không trực tiếp tạo ra hàng hoá và thu nhập, song lại tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần to lớn đối với gia đình và xã hội. Đây là một bộ phận cơ bản của việc tái sản xuất nguồn nhân lực cho xã hội.

Theo khảo sát của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Thủ đô, thời gian của nam giới được sử dụng chủ yếu vào việc lao động sản xuất, trong khi thời gian của nữ được sử dụng vào cả hai nhóm việc là lao động sản xuất và nội trợ gia đình. Có sự khác biệt lớn về thời gian làm nội trợ giữa nam và nữ: có gần 50% người chồng không bao giờ làm việc nhà, 30% thỉnh thoảng và 15% thường xuyên giúp vợ; tính trung bình phụ nữ phải mất hơn 5h để làm các công việc gia đình, nhiều gần gấp 5 lần so với nam giới, phụ nữ có khoảng 3h30 để nghỉ ngơi, chỉ bằng một nửa thời gian nghỉ ngơi của nam giới. Sự chênh lệch nói trên cho thấy đối với nam giới thời gian có thể không ảnh hưởng đến các công việc khác nhưng đối với nữ lại là vấn đề lớn. Để hoàn thành vai trò giới trong sản xuất và tái sản xuất, phụ nữ buộc phải rút

ngắn thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ văn hoá và nâng cao trình độ. Vì vậy, so với phụ nữ, nam giới có nhiều điều kiện thăng tiến hơn trong xã hội, có tiềm lực kinh tế mạnh hơn và trở thành người có tiếng nói quyết định trong gia đình cũng như xã hội.

Điều đó cũng lý giải cho thực tế là tuy tỉ lệ nữ chủ hộ tăng lên từ khi gia đình được khuyến khích trở thành một đơn vị kinh tế, nhưng địa vị chung của phụ nữ trong gia đình lại không hoàn toàn bình đẳng với nam giới, nhất là trong việc quyết định, chi phối các nguồn lực trong gia đình. Kết quả khảo sát của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Thủ đô cho thấy hiện nay tiếng nói của phụ nữ trong các quyết định lớn của gia đình là chưa cao: tỷ lệ phụ nữ quyết định các khoản mua sắm lớn là 17%, tỉ lệ này đối với nam giới là 80%; đối với việc học của con, tỉ lệ vợ có tiếng nói cuối cùng là 38%, chồng 52%; đối với việc định hướng nghề nghiệp cho con thì tiếng nói của vợ giảm xuống còn 14% và tiếng nói của chồng gần như là tuyệt đối 78%.

Như vậy, trong khi thực hiện khối lượng công việc nội trợ và các công việc khác cao gấp nhiều lần hơn nam giới thì phụ nữ chỉ có tiếng nói quyết định trong những vấn đề quan trọng bằng một phần nhỏ so với nam giới. Hiện tượng bất bình đẳng về vị trí và vai trò của phụ nữ trong gia đình là do: - Ảnh hưởng của quan niệm phong kiến lạc hậu về vị trí, vai trò của phụ nữ trong công việc gia đình còn nặng nề, phổ biến, đánh giá thấp ý nghĩa của các công việc gia đình; nam giới thiếu động lực trong việc chia sẻ công việc gia đình. Vấn đề giải phóng phụ nữ trong gia đình chưa được đặt một cách tương xứng với yêu cầu đổi mới kinh tế - xã hội

- Thu nhập thấp của gia đình chưa cho phép sử dụng một cách phổ biến các dịch vụ xã hội cũng như các phương tiện giảm nhẹ gánh nặng nội trợ.

- Mâu thuẫn giữa sự tham gia ngày càng nhiều hơn của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế - xã hội và quyền quyết định còn rất hạn chế của họ trong gia đình.

- Mâu thuẫn giữa đòi hỏi ngày càng cao trên thị trường lao động xã hội về tri thức và tay nghề với khả năng đầu tư rất hạn chế của phụ nữ cả về thời gian và trí tuệ cho việc nâng cao năng lực cá nhân. Điều đó gây ra sự lãng phí về tiềm năng con người đối với toàn xã hội nói chung.

Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật, công nghệ và hội nhập quốc tế thì việc phụ nữ hoàn thành tốt công việc gia đình đồng thời khẳng định được vị trí của mình trong xã hội là một thử thách lớn hơn nhiều so với các thời kỳ trước. Vấn đề đặt ra là tạo điều kiện cho phụ nữ giải quyết hài hoà giữa công việc gia đình và công việc xã hội để tiếp cận nhiều hơn với những nguồn lực phát triển. Thiếu điều kiện này thì dù có quyết tâm đến đâu phụ nữ cũng khó có thể đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Một phần của tài liệu NGUỒN NHÂN LỰC NỮ VÀ VIỆC PHÁT HUY NGUỒN NHÂN LỰCNỮ TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở HÀ NỘIHIỆN NAY- THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA (Trang 30 - 33)