Người xưa có câu:” Ngọc bất trác bất thành khí – Nhân bất học bất chi lý” đại ý có nghĩa là ngọc mà không được mài dũa thì không thể trở thành món đồ có giá trị, cũng như người mà không học thì không hiểu biết được lý lẽ. Câu nói đó đã nói lên tầm quan trọng của việc học đối với mọi người, nhất là đối với cán bộ, công chức, những người được ví như công bộc của dân. Là người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ, công hòa, là danh nhân văn hóa thế giới, là nhà văn, nhà thơ, nhà báo với nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga… Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ. Người cho rằng: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[20,t12].
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, Người chủ trương: Huấn luyện cán bộ phải thường xuyên, toàn diện thiết thực, chu đáo và phù hợp với công việc chuyên môn của cán bộ, phải coi trọng nhân tài, trọng dụng cán bộ, trọng dụng những người có ích cho công việc chung. Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác học tập và huấn luyện ngày 06/5/1950, sau khi xem xét các báo cáo của Nam Bộ, Khu III, Khu IV, Khu V và khu Việt Bắc về số lượng cán bộ đã được đào tạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “ Cứ tính đổ đồng cho mỗi khu có 50.000 thì toàn quốc cũng đã có đến 25 vạn người được huấn luyện, nghĩa là có 25 vạn cán bộ. Thế mà cứ kêu là thiếu cán bộ. Vì sao? Vì việc huấn luyện cán bộ còn hữu danh vô thực, làm chỉ cốt nhiều mà không thiết thực, chu đáo” ”[20,t13].
Người cũng chỉ rõ các vấn đề cần làm trong đào tạo, huấn luyện cán bộ, cụ thể là: Huấn luyện ai? Ai huấn luyện? Huấn luyện gì? Huấn luyện như thế nào? Tài liệu huấn luyện?... Để mọi người dễ hiểu, người ví cán bộ là tiền vốn của đoàn thể. Theo Người: “ Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức có lãi. Không có cán
bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn” ”[20,t14]. Người chỉ rõ: “ Những người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy. Không nên bủn xỉn về các khoản chỉ tiêu trong việc huấn luyện” và Đảng phải nuôi dạy cán bộ như: “Người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta” ”[20,t15].
Đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên giảng dạy, Người cho rằng cần phải được tuyển chọn kỹ lưỡng, không phải ai cũng có thể làm được. Người nhấn mạnh nhiều đến vai trò của người huấn luyện, đó là: Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó, “Không phải ai cũng huấn luyện được”; “Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: Tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”; “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”. Người dẫn lời của Khổng Tử: “ Học không biết chán, dạy không biết mỏi” và lời khuyên của Lê Nin: ‘Học, học nữa, học mãi” để cán bộ, đảng viên, mọi người noi theo. Người tiếp tục khẳng định quan điểm: “ Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại”[20,t16].
Về nội dung đào tạo, huấn luyện cán bộ, Hồ Chí Minh rất quan tâm, chú trọng đến việc đào tạo, bỗi dưỡng kiến thức cho cán bộ, trước hết là về lý luận chính trị, Người chỉ rõ: “ Phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù”[20,t17]. Phải đặc biệt coi trọng công tác giảng dạy lý luận chủ nghĩa Mác- Lê Nin, bởi vì: “ Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm nòng cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”[20,t18]. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ cần phải vận dụng chủ nghĩa Lênin một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình thực thế, không rập khuôn, máy móc. Năm 1969, trong một lần trả lời phỏng vấn một tờ báo Pháp, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách
sáng tạo, phù hợp với thực tế ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được thắng lợi to lớn”[20,t21].
Ngoài giảng dạy lý luận chính trị, Người cũng rất quan tâm đến công tác giảng dạy văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ. Người cho rằng: Ngoài lý luận phải dạy công tác, dạy văn hóa, dạy chuyên môn; dạy cốt thiết thực, chu đáo hơn ham nhiều; huấn luyện phải từ dưới lên trên; gắn liền lý luận với công tác thực tế; huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu, là cốt để cung cấp cán bộ cho các ngành công tác. Về nguồn tài liệu huấn luyện, theo Người trước hết phải lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác- Lênin làm gốc, phải chọn lựa, sắp xếp lại cho hợp với trình độ từng hạng cán bộ. Ngoài tài liệu chủ nghĩa Mác- Lênin, còn có những tài liệu thiết thực, đó là những kinh nghiệm do những người đi học mang đến, kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại, thông qua trao đổi có thể rút ra những bài học quý báu; những chỉ thị, nghị quyết, luật, lệnh của Đoàn thể và Chính phủ đều là những tài liệu cần học tập, nghiên cứu.
Về mục đích của việc học tập, Hồ Chí Minh nhấn mạnh học là để sửa chữa tư tưởng, hăng hái cách mạng, là để tu dưỡng đạo đức cách mạng, vì vậy: “ Phải huấn và luyện. Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa cho sạch những vết xấu xa trong đầu óc”[20,t22]. Học là để tin tưởng vào Đảng, vào nhân dân, vào tương lai của dân tộc, của cách mạng và học để hành. Do đó phải tự rèn luyện, phải tích cực học tập: Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân, “ Không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”; “ Cán bộ cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc công việc với quần chúng, thì khó khăn gì cũng khắc phục được, kế hoạch gì cũng hoàn thành tốt”[20,t23].
Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về huấn luyện, đào tạo cán bộ, trải qua các thời kỳ cách mạng Đảng và Nhà nước ta đều đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đã chỉ rõ: Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là môi trường thực tiễn để rèn luyện, tuyển chọn và đào tạo cán bộ, nâng cao phẩm chất, kiến thức, năng lực của đội ngũ cán bộ. Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng lập trường, quan điểm, ý thức tổ chức của
giai cấp công nhân cho đội ngũ cán bộ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ phải gắn với yêu cầu và nội dung xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, kiện toàn hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế chính sách. Trên cơ sở phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí để xây dựng đội ngũ cán bộ một cách cơ bản, chính quy, có hệ thống; đồng thời thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân để giáo dục, rèn luyện, đào tạo, đánh giá, sàng lọc, tuyển chọn cán bộ. Không đánh giá, sử dụng cán bộ một cách cảm tính, chủ quan. Mọi phẩm giá và bằng cấp, danh hiệu và chức vụ tài năng và cống hiến đều phải được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn. Phong trào cách mạng của quần chúng là trường học lớn của cán bộ[7].
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, tiếp tục khẳng định quan điểm: Đổi mới phương thức và nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phải sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi công vụ, nâng cao kỹ năng hành chính, qua đó bảo đảm tính thống nhất trong hoạt động của cơ quan hành chính, nhất là trong giải quyết các yêu cầu của nhân dân, doanh nghiệp. Thực hiện cơ chế đào tạo tiền công vụ và đào tạo, bồi dưỡng trong công vụ theo định kỳ bắt buộc hàng năm; thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm. Coi trọng công tác giáo dục đạo đức và phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức để nâng cao lòng yêu nước, yêu chế độ, niềm tự hào dân tộc và tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức[8].
Kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ chín (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ đến năm 2020, cũng chỉ rõ: Tạo chuyển biến sâu sắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch, theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, chú trọng bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong thực hiện chiến lược cán bộ trong giai đoạn mới. Củng cố, nâng cao chất lượng về mọi mặt của hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Huy động mọi nguồn lực và tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho việc đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ cả trong và ngoài nước, trong và ngoài Đảng, trong và ngoài khu vực nhà nước. Xây dựng chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến lược quốc gia về nhân tài đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế[10].
Gần đây nhất, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh, cần phải: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ. Thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Xây dựng và thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trọng dụng những người có đức, có tài. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp[11].
Có thể thấy đào tạo, bồi dưỡng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cán bộ, công chức, chính vì vậy Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này. Ở nước ta hiện nay, do đội ngũ cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực của cán bộ, công chức còn nhiều bất cập, chưa thực sự đồng đều; có sự chênh lệch lớn giữa nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa với khu vực đô thị, đồng bằng, những nơi có điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi; giữa cán bộ, công chức dân tộc Kinh (đa số) với cán bộ, công chức dân tộc thiểu số… Do đó, cùng với việc nâng cao chất lượng đầu vào qua khâu tuyển dụng, và sắp xếp bố trí lại công việc phù hợp thì đào tạo, bồi dưỡng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phát triển, nâng cao năng lực cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số nói riêng. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng nhằm sử dụng, phát huy tối đa nguồn nhân lực hiện có, nâng cao hiệu quả của cơ quan, đơn vị; giúp cho cán bộ, công chức hiểu rõ hơn về công việc, nắng vững hơn về chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao một cách tự giác hơn với thái độ tốt hơn cũng như nâng cao khả năng thích ứng của đội ngũ cán bộ, công chức với công việc trong tương lai…