Những giải pháp nâng cao năng lực và phẩm chất của kiểm toán viên

Một phần của tài liệu Hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam và kiểm toán có thực sự độc lập không ? (Trang 25)

3.2.1 Về phía Nhà nước

Thứ nhất, Nhà nước cần sớm thiết lập môi trường pháp lý hoạt động kiểm toán trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay. Ban hành đầy đủ các văn bản pháp quy về kiểm toán trong đó có nhấn mạnh vai trò quyền hạn và trách nhiệm đối với các kiểm toán viên, các tổ chức và hội nghề nghiệp.

Thứ hai, xây dựng, quy hoạch và có chiến lược đào tạo bồi dưỡng kiểm toán viên theo các giai đoạn 5, 10, 15 năm và chiến lược lâu hơn. Xây dựng nội dung chương trình đào tạo kiến thức cho phù hợp trong từng thời kỳ, từng đối tượng, theo từng mục tiêu kiểm toán hay tổ chức kiểm toán.

Thứ ba, mở rộng tăng cường năng lực và vai trò hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp, tăng cường chất lượng hoạt động của Hội nghề nghiệp kế toán kiểm toán, Hội đồng Quốc gia về kế toán, các chuyên gia kế toán, kiểm toán, các kiểm toán viên hành nghề.

Thứ tư, Nhà nước cần phải đảm bảo cho các công ty kiểm toán cũng như các kiểm toán viên có được sự cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật, nâng cao năng lực và thế mạnh của các công ty kiểm toán trong nước nhằm phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán. Nhà nước cũng cần nhanh chóng thừa nhận một chức danh nghề nghiệp của chuyên gia kiểm toán nếu không muốn nghề nghiệp kiểm toán bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

3.2.2 Về phía tổ chức giáo dục, đào tạo

Các cơ sở giáo dục, đào tạo cần có kế hoạch tuyển chọn phù hợp với nhu cầu, chất lượng đầu vào, số lượng hợp lý. Trong quá trình đào tạo phải xác định học sinh, sinh viên là trung tâm với phương pháp chủ động trong việc lĩnh hội kiến thức. Đào tạo chuyên môn kiểm toán trên cả hai phương diện khoa học kiểm toán và hành nghề kiểm toán; xây dựng một chương trình đào tạo phù hợp và có tính lôgic từ số lượng môn, nội dung giảng từng môn học đến khâu đánh giá kết quả học tập. Riêng đối với nội dung giảng dạy kiểm toán cần được xây dựng theo từng lĩnh vực hoạt động kế toán của đất nước. Quá trình đào tạo phải đảm bảo gắn kết giữa lý thuyết với thực tế để sinh viên khi ra trường có thể đảm nhận một số công việc và có thể giảm thiểu thời gian công sức đào tạo lại. Mặt khác, nội dung đào tạo cần phải tạo cho sinh viên hình thành và phát huy những kỹ năng cần thiết khác cho công việc kiểm toán sau này; đạo đức, tác phong và tư cách nghề nghiệp cũng cần phải được đề cập và phổ biến trong quá trình đào tạo.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục, đào tạo cũng nên trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật chất cần thiết cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giáo viên, sinh viên. Đồng thời, giáo viên phải là người chủ đạo trong quá trình dạy học, có trình độ khoa học và nghiệp vụ cao với những phẩm chất tốt đẹp của một nhà giáo, có tâm huyết với nghề và thế hệ trẻ. Mặt khác, lĩnh vực kiểm toán có liên quan đến nhiều kiến thức ở các môn học, lĩnh vực khác nên đòi hỏi phải có sự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giáo viên kiểm toán, tạo điều kiện cho

giáo viên tham gia thực tế để phục vụ cho việc giảng dạy được thuyết phục và phong phú hơn.

3.2.3 Về phía các tổ chức, công ty kiểm toán

Thứ nhất, cần xây dựng chế độ và phương pháp quản lý đối với kiểm toán viên. Một chế độ, phương pháp quản lý tốt và môi trường kiểm toán chuyên nghiệp là những yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ đến chất lượng kiểm toán viên, để họ có thể yên tâm công tác, cống hiến và có điều kiện nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ.

Thứ hai, cần có sự liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng với các cơ sở đào tạo kiểm toán viên, các tổ chức nghề nghiệp. Các công ty có thể nhận sinh viên năm cuối đến tham gia vào hoạt động của công ty, giúp sinh viên tiếp cận sớm với thực tế kiểm toán và môi trường nghề nghiệp. Việc làm này tạo điều kiện cho các sinh viên và công ty có thể trao đổi, ứng dụng, kiểm tra về các lý luận chuyên môn được học trong nhà trường vào hoạt động kiểm toán của công ty. Qua đó sẽ có những thông tin phản hồi để nhà trường và các công ty kiểm toán có sự điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo sự sáng tỏ của lý thuyết và khoa học của hoạt động thực tiễn.

Thứ ba, cần có sự tham gia vào các hoạt động dạy và học ở trong nhà trường: tham gia ý kiến vào việc xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực kiểm toán; tham gia viết bài chuyên môn trên góc độ thực tế hoạt động kiểm toán; tham gia báo cáo thực tế kiểm toán cũng như trả lời và cung cấp thông tin cập nhật về hoạt động nghề nghiệp cho sinh viên; tham gia giảng dạy cho các lớp chuyên ngành kiểm toán.

3.2.4 Về phía kiểm toán viên

Một là, cần phải có kiến thức và sự hiểu biết rộng, toàn diện ở nhiều lĩnh vực, khía cạnh liên quan đến kiểm toán. Chủ động tiếp cận với thực tế hoạt động nghề nghiệp kế toán, kiểm toán để hình thành kiến thức kiểm toán trên phương diện lý luận và thực tiễn.

Hai là, không ngừng nâng cao phát triển chuyên môn nghiệp vụ bằng việc tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ; rèn luyện khả năng sáng tạo riêng

của mình cũng như học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp. Bên cạnh việc trau dồi kiến thức chuyên môn, kiểm toán viên phải luôn cập nhật các thông tin về tin học, ngoại ngữ và các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, xã hội khác.

Ba là, cần phải thường xuyên tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất của một cán bộ kiểm toán, rèn luyện cho mình tính trực quan, độc lập, vô tư, công bằng, cẩn thận, siêng năng, có tinh thần trách nhiệm. Luôn có thái độ cầu thị, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm thực tế kiểm toán góp phần hình thành kỹ năng kiểm toán để trở thành một kiểm toán viên chuyên nghiệp.

Trong điều kiện hiện nay, việc sẵn có một hệ thống lý luận khoa học nói chung cũng như khoa học kế toán, kiểm toán nói riêng là một sự cần thiết. Tuy nhiên, để trở thành một kiểm toán viên thực thụ và chuyên nghiệp thì ngoài kiến thức thực tế, kinh nghiệm nghề nghiệp là một yếu tố không thể thiếu. Việc vận dụng lý luận khoa học trong kiểm toán kết hợp với kiến thức và kinh nghiệm thực tế sẽ đem lại những bài học quý giá cho kiểm toán viên trong tương lai. Muốn lĩnh vực kiểm toán phát triển thì yếu tố then chốt là phải phát triển nguồn nhân lực cho kiểm toán. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho kiểm toán và bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, tư chất và kỹ năng cho kiểm toán viên là một việc làm cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay và mai sau.

PHẦN KẾT LUẬN

Từ những vấn đề đã được tiểu luận nghiên cứu và phân tích, tác giả khẳng định kiểm toán độc lập là một hoạt động mang tính đặc trưng của nền kinh tế thị trường, trong đó, các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm toán tư vấn theo yêu cầu của khách hàng. Khi kinh tế thị trường phát triển thì các mối quan hệ giữa các tổ chức kinh doanh ngày càng nhiều và tính cạnh tranh ngày càng cao giữa các doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải quản lý tốt, để quản lý tốt thì cần có những thông tin trung thực.

Mặt khác, báo cáo tài chính là tài liệu phản ánh tổng hợp giá trị tình hình tài sản và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau một kỳ hoạt động. Theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, báo cáo tài chính năm là bản quyết toán kết quả phân chia quyền lợi, nghĩa vụ sau một năm kinh doanh giữa doanh nghiệp với Nhà nước, giữa các cổ đông, nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ, quyền lợi với doanh nghiệp. Dù là trình độ nghiệp vụ cao hay có quyền lực điều hành doanh nghiệp thì không phải tổ chức, cá nhân nào cũng có thể tự kiểm tra, đánh giá xem bản báo cáo tài chính đã phản ánh đầy đủ và hợp lý tình hình kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân mình hay chưa.

Vì vậy, để các thông tin tài chính trở nên đáng tin cậy và chính xác thì sự hình thành của kiểm toán độc lập có ý nghĩa quan trọng đối với các chủ thể trong hoạt động kinh tế. Luật pháp nhiều nước cũng khẳng định, những báo cáo đã được xem xét và có chữ ký của kiểm toán viên độc lập mới được coi là hợp

pháp, làm cơ sở cho nhà nước tính thuế cũng như các bên quan tâm khác đưa ra các quyết định kinh tế trong mối quan hệ với doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, tiểu luận đi vào đánh giá thực trạng hoạt động của kiểm toán độc lập ở Việt Nam hiện nay, tổng hợp những thành tựu đã đạt được cũng như những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình hoạt động của kiểm toán độc lập nói chung và chất lượng báo cáo kiểm toán của kiểm toán viên hành nghề nói riêng. Đồng thời, đưa ra những giải pháp, phương hướng để nâng cao năng lực chuyên môn và ý thức trách nhiệm của kiểm toán viên, góp phần hoàn thiện hoạt động kiểm toán độc lập vào sự phát triển kinh tế đất nước.

DANH MỤC THAM KHẢO

1. Luật kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 của Quốc hội ngày 29/3/2011; 2. Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 của Quốc hội ngày 26/11/2014;

3. Bộ Tài chính (2003), Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220 - Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán (ban hành theo Quyết định số 28/2003/QĐ-BTC ngày 14 tháng 3 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính);

4. Bùi Thị Thủy (2014), Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính của các Doanh nghiệp niêm yết, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế quốc dân;

5. Mạnh Đình, Kiểm soát từ ngoài, giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính các Doanh nghiệp niêm yết, Tạp chí Học viện Ngân hàng;

6. Phạm Tiến Hưng, Một số hạn chế và vướng mắc trong kiểm toán báo cáo tài chính Doanh nghiệp xây lắp ở các tổ chức kiểm toán độc lập trong thời gian qua, Tạp chí Kiểm toán;

7. Tạp chí tài chính số 5 -2014;

8. Studies in Accounting Research no.6: A statement of basic auditing concepts. Sarasota, Fla, 1973, trang 2;

9. TS. Phan Trung Kiên, Giáo trình kiểm toán, NXB Giáo dục Việt Nam;

10. Các website: www.misa.com.vn; www.due.edu.vn; www.hvnh.edu.vn;

Một phần của tài liệu Hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam và kiểm toán có thực sự độc lập không ? (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(31 trang)
w