Biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục

Một phần của tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH Ở XÃ, THỊ TRẤN (Trang 25 - 28)

5.1. Một số vấn đề chung về biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục

a. Khái quát chung về biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục:

Đưa vào cơ sở giáo dục là một trong những biện pháp xử lý hành chính khác được quy định trong Pháp lệnh XLVPHC. Đối tượng bị áp dụng biện pháp này sẽ được đưa vào các cơ sở giáo dục do Bộ Công an thành lập và quản lý để rèn luyện, tu dưỡng, học văn hóa, học nghề, lao động dưới sự quản lý của cơ sở để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Hiện nay, có 10 cơ sở giáo dục trên phạm vi toàn quốc.

Các văn bản pháp luật liên quan đến biện pháp này bao gồm: Pháp lệnh XLVPHC, Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, Nghị định số 125/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 sửa đổi, sổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP, Nghị định số 118/2010/NĐ-CP, Thông tư số 02/2004/TT- BCA hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP và một số văn bản khác của Bộ Công an.

b. Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục

Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002, được cụ thể hóa bằng Điều 3 Nghị định số 76/2003/NĐ-CP, thì đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bao gồm những người có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây có tính chất thường xuyên (có từ hai lần vi phạm trở lên trong một năm), nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và đã bị áp dụng biện pháp Giáo dục tại cấp xã hoặc chưa bị áp dụng biện pháp Giáo dục tại cấp xã nhưng không có nơi cư trú nhất định:

- Xâm phạm sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; - Xâm phạm tài sản của tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài;

- Gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ;

- Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; - Tổ chức cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục không áp dụng đối với người chưa đủ 18 tuổi, trên 55 tuổi đối với nữ, trên 60 tuổi đối với nam.

c. Thẩm quyền quyết định và thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục Việc quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục là từ 6 tháng đến 2 năm.

d. Các bước cơ bản trong thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục cư trú lập hồ sơ gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện; trường hợp đối tượng không có nơi cư trú nhất định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật có trách nhiệm lập biên bản, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thẩm tra hồ sơ và gửi hồ sơ đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

- Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ đến các thành viên Hội đồng tư vấn.

- Hội đồng tư vấn về biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, có trách nhiệm tổ chức cuộc họp để xét duyệt hồ sơ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ và làm văn bản trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp này trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của Hội đồng tư vấn.

- Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm đưa người có quyết định vào chấp hành tại cơ sở giáo dục.

5.2. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức hữu quan ở cơ sở trong việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục quan ở cơ sở trong việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục

a. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã

Trong việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau:

- Lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục: Đối với người thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú có trách nhiệm lập hồ sơ về đối tượng, gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Hồ sơ gồm có tóm tắt lý lịch, tài liệu biên bản về vi phạm pháp luật của đối tượng, các biện pháp giáo dục đã áp dụng, nhận xét của cơ quan Công an, ý kiến của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội hữu quan ở cơ sở. Khi tiến hành lập hồ sơ, cần lưu ý xác định đúng đối tượng cần đưa vào cơ sở giáo dục, không tiến hành lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục những trường hợp chưa đủ các yếu tố cần thiết, đối tượng dưới 18 tuổi, nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi.

- Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật đối với các đối tượng không có nơi cư trú nhất định (không xác định được cư trú hay tạm trú ở đâu, lang thang các bến tàu xe…); trong trường hợp này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật lập biên bản, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

- Giám sát chặt chẽ người đã có quyết định nhưng chưa được đưa đi cơ sở giáo dục tại địa phương, phối hợp với Công an cấp tỉnh trong việc tổ chức thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục.

- Chứng nhận, xác nhận các trường hợp thuộc diện hoãn hoặc miễn thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định tại Điều 89 Pháp lệnh XLVPHC.

b. Trách nhiệm của cơ quan Công an cấp xã

Cơ quan Công an cấp xã có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong vịêc thu thập tài liệu, lập hồ sơ các đối tượng cần đưa vào cơ sở giáo dục có nơi cư trú nhất định (có đăng ký hộ khẩu, đăng ký tạm trú hoặc đang sinh sống ổn định tại địa phương). Đối với người không có nơi cư trú nhất định thì Công an cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp lập biên bản hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng để báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

c. Trách nhiệm của các tổ chức xã hội ở cơ sở

Các tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên... ở cơ sở có trách nhiệm làm bản nhận xét về đối tượng đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục theo yêu cầu của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, phối hợp với Công an cấp xã giúp chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc lập và hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH Ở XÃ, THỊ TRẤN (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(28 trang)