Rừng ở Việt Nam có đặc trưng cơ bản là rừng nhiệt đới, rất phong phú chủng loài thực vật, động vật, giá trị sinh khối và đa dạng sinh học cao. Trong những năm cuối thế kỷ 20, các chính sách và biện pháp bảo vệ rừng và trồng mới đã đem lại kết quả tích cực. Tỷ lệ che phủ của rừng đã tăng từ 27% năm 1991 lên 33,2% năm 2000.
Tuy nhiên, rừng Việt Nam vẫn đang chịu những áp lực lớn sau đây:
- Chiến tranh lâu dài đã huỷ diệt nhiều hệ sinh thái rừng.
- Nhu cầu gỗ, củi của nền kinh tế và cho sinh hoạt, cùng với lợi nhuận siêu ngạch của việc khai thác trái phép gỗ đang dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, cạn kiệt, không tuân thủ các nguyên tắc lâm sinh, gây thiệt hại tới vốn rừng, nhất là ở các khu vực rừng già, rừng đầu nguồn.
- Tình trạng du canh, phá rừng làm nương rẫy, tính cạnh tranh cao của sản xuất nông nghiệp so với duy trì rừng đang làm cho diện tích rừng thu hẹp lại, chất lượng rừng giảm sút. Tại các vùng ven biển, diện tích rừng ngập mặn bị phá để nuôi tôm ngày càng tăng.
- Nạn cháy rừng xảy ra thường xuyên, làm mất đi hàng chục nghìn ha mỗi năm.
- Công nghệ khai thác và chế biến gỗ còn lạc hậu, hiệu quả sử dụng gỗ thấp. Mặt khác, công nghệ chế biến các sản phẩm thay thế gỗ chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, rừng tiếp tục là đối tượng chặt phá, khai thác.
Do đó, tuy diện tích rừng có tăng lên, nhưng không đạt yêu cầu phòng hộ môi trường.
Mục tiêu chiến lược là phải ổn định quỹ rừng với thành phần như sau: rừng đặc dụng đạt 3 triệu ha, rừng phòng hộ 6 triệu ha và rừng sản xuất 10 triệu ha.
Những hoạt động ưu tiên cần thực hiện trong lĩnh vực này là:
1. Về thể chế, pháp luật:
- Củng cố hệ thống quản lý nhà nước để hướng dẫn sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên rừng, kết hợp với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc giao đất khoán rừng cho các hộ gia đình và tập thể theo Luật Đất đai và Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
- Xây dựng, ban hành và thực hiện các chính sách, pháp luật nhằm thu hút đầu tư cho việc phát triển và bảo vệ rừng.
2. Về kinh tế:
- Hỗ trợ nhân dân trồng và bảo vệ rừng, sử dụng có hiệu quả đất rừng được giao khoán. Khuyến khích cải thiện đời sống thông qua sử dụng bền vững rừng và quản lý rừng theo các nhóm cộng đồng dân cư. Trao các hợp đồng bảo vệ rừng cho các cá nhân, hộ gia đình, các nhóm cộng đồng dân cư để bảo đảm công tác bảo vệ và quản lý phù hợp với các khu rừng phòng hộ.
- Xây dựng, ban hành và hướng dẫn về miễn giảm thuế sử dụng đất, vay vốn với lãi suất ưu đãi cho việc đầu tư thành lập trang trại; ban hành các chính sách quản lý vùng đệm và vùng lõi rừng cùng các hướng dẫn thực hiện có liên quan. Triển khai các chính sách chia sẻ lợi nhuận phù hợp trong việc bảo vệ rừng nhằm khuyến khích nhân dân địa phương tham gia vào công tác quản lý và bảo vệ rừng.
- Thúc đẩy phát triển nông-lâm nghiệp sinh thái, các loại hình trang trại nông-lâm nghiệp, đồng thời tăng cường các dịch vụ mở rộng nông nghiệp.
- Khuyến khích sử dụng bền vững các sản phẩm rừng phi gỗ. Phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu thay thế gỗ.
- Triển khai mạnh mẽ các dự án trồng cây thuốc. 3. Về kỹ thuật và công nghệ:
- Nghiên cứu và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất lâm nghiệp. - Khuyến khích trồng các loài cây bản địa trong tất cả các hoạt động trồng rừng và tái trồng rừng. - Áp dụng công nghệ khai thác và chế biến gỗ hiện đại, có hiệu quả sử dụng tài nguyên rừng cao.
- Khuyến khích sử dụng các loại nhiên liệu để thay thế gỗ củi như than, khí ga và thủy điện quy mô nhỏ...Nghiên cứu đánh giá để lựa chọn nhiên liệu thay thế gỗ củi và đề xuất việc sử dụng hữu hiệu các nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí ga tự nhiên hoặc năng lượng thủy điện.
- Nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật phòng và chống cháy rừng và các thảm họa môi trường liên quan tới việc mất rừng.