I. CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG
2. Giải pháp tạo nguồn cải tiến tiền lương
Cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương CNVC về nguyên tắc phải dựa trên cơ sở mục tiêu, định hướng cải cách tiền lương CNVC. Các lần cải cách vừa qua chúng ta đã làm một bài toán ngược là từ miếng bánh NSNN dành cho cải cách tiền lương để từ đó có định hướng cải cách cho phù hợp. Tuy nhiên, cách làm này đã dẫn đến thất bại và nhiều hệ lụy. Bởi vậy, đổi mới cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương CNVC giai đoạn 2011 - 2020 phải bắt đầu từ quyết tâm chính trị rất cao của cấp có thẩm quyền và tư duy chiến lược của Đảng và Nhà nước, đồng thời phải có những đột phá. Dưới đây xin nêu một số vấn đề quan trọng nhất:
Thứ nhất, quản lý chặt và giảm đến mức tối đa đối tượng hưởng lương từ NSNN. Theo đó, cần xây dựng một nền hành chính và công vụ chuyên nghiệp, hiện đại trên cơ sở đó xác định
rõ từng vị trí làm việc với chức danh tiêu chuẩn rõ ràng để xác định ai là công chức và phải quản lý công chức theo chức danh của vị trí làm việc. Đồng thời, rà soát và đánh giá lại cán bộ, công chức, thực hiện tinh giảm bộ máy, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Trong đó, chọn lọc, kiểm định chất lượng cán bộ, công chức và áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, nối mạng trong toàn bộ hệ thống hành chính (Chính phủ điện tử) là khâu đột then chốt.
Thứ hai,đột phá vào mở cơ chế để đẩy mạnh xã hội hóa khu vực sự nghiệp cung cấp dịch vụ công nhằm giảm dần tỷ trọng chi từ NSNN cho đầu tư cơ sở vật chất, giảm tối đa viên chức hưởng lương từ NSNN. Khu vực này chia ra làm 3 loại cơ sở cung cấp dịch vụ công với 3 cơ chế khác nhau:
- Các cơ sở cung cấp dịch vụ công không có nguồn thu thì NSNN trả lương và áp dụng chính sách tiền lương như cán bộ, công chức;
- Các cơ sở cung cấp dịch vụ công có nguồn thu nhưng chưa tự trang trải được toàn bộ chi phí hoạt động và tiền lương thì được Nhà nước hỗ trợ phần thiếu hụt (Có lộ trình, bước đi thích hợp để giảm dần hỗ trợ từ NSNN cho trả lương viên chức thuộc loại này);
- Các cơ sở cung cấp dịch vụ công có nguồn thu tự trang trải được toàn bộ chi phí hoạt động và tiền lương thì được áp dụng chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường. Nhà nước quy định các khoản thu phí, lệ phí trên cơ sở từng bước tính đúng, tính đủ sát với thị trường, phù hợp với từng loại dịch vụ và loại hình đơn vị cung cấp dịch vụ (giáo dục, y tế, văn hoá, khoa học, nghệ thuật…); quy định cơ chế uỷ quyền, đặt hàng cho các đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công phát triển lành mạnh, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và tạo nguồn trả lương cho người lao động. Đồng thời, Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số khi sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, cho phép khu vực ngoài nhà nước tham gia cung cấp dịch vụ theo quy định và hướng dẫn của Nhà nước, khuyến khích khu vực này cung cấp dịch vụ công không vì mục tiêu lợi nhuận. Đồng thời, cần phải có kế hoạch và chương trình rà soát tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công hiện nay để xếp vào 3 loại trên; xây dựng lộ trình thực hiện cơ chế tiền lương mới cho các đơn vị này. Nghiên cứu chuyển các cơ sở sự nghiệp công lập sang khu vực ngoài công lập (cổ phần hóa các trường học, bệnh viện đủ điều kiện).
Thứ ba, thực hiện nghiêm chủ trương đầu tư vào tiền lương là đầu tư cho phát triển, từ đó, điều chỉnh mạnh chi tiêu công, cơ cấu lại chi NSNN; trong đó, tăng huy động các nguồn ngoài NSNN (của doanh nghiệp, trong dân, ODA...) cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, giảm tỷ trọng NSNN trong tổng mức đầu tư toàn xã hội, dành nguồn cho trả
lương CNVC đảm bảo CNVC có mức tiền lương bình quân trên trung bình của lao động khu vực thị trường (doanh nghiệp).
Thứ tư, tách dần tổng quỹ lương từ NSNN và Quỹ BHXH, nguồn chi trả chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội theo một cơ chế tạo nguồn và chi trả tương đối độc lập với NSNN, giảm dần áp lực tăng kinh phí từ NSNN khi thực hiện cải cách tiền lương CNVC. Trong đó, cần tách chính sách BHXH của CNVC hưởng lương từ NSNN và BHXH cho lao động khu vực thị trường.
Thứ năm, thiết kế lộ trình cải cách tiền lương CNVC phù hợp với khả năng tạo nguồn, theo hướng tăng dần, tránh những đột biến gây sốc về nguồn và tác động mạnh tiêu cực đến các quan hệ kinh tế - xã hội vĩ mô. Giai đoạn 2011 - 2015, tập trung vào nâng tiền lương thấp nhất lên để đảm bảo mức sống của CNVC (tương đương với mức bình quân tiền lương tối thiểu thực trả của khu vực thị trường); tinh giảm biên chế hành chính và đẩy mạnh xã hội hóa khu vực sự nghiệp công lập. Giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục thực hiện các giải pháp trên, đồng thời tập trung vào mở rộng quan hệ tiền lương; điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho phát triển; tách nguồn chi trả BHXH, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội...