Phương hướng và những điều kiện để vận dụng thành công chủ nghĩa tư bản nhà nước vào nước ta.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Lý luận của Lê nin về chủ nghĩa tư bản nhà nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội potx (Trang 30 - 35)

nước vào nước ta.

3.1. Phương hướng vận dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước vào nước ta.

Thành phần kinh tế tư bản nhà nước không chỉ là một thành phần cơ bản trong các thành phần kinh tế hiện nay ở nước ta mà còn có vai trò rất quan trọng, đóng góp rất lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Lực lượng kinh tế tư bản nhà nước đã đầu tư thăm dò và khai thác dầu khí, khai khoáng, giao thông vận tải và bưu điện viễn thông, điện tử, hoá chất, nông- lâm- ngư nghiệp, may mặc xuất khẩu, công nghiệp nặng, hàng tiêu dùng, dịch vụ, khách sạn, du lịch, xây dựng nhà ở, tài chính, tín dụng và một số ngành khác. Các xí nghiệp liên doanh và hợp doanh với nước ngoài đã thu hút khoản gần 14,2 nghìn lao động trực tiếp sản xuất và hàng vạn lao động vệ tinh khác. Chúng đã có những đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là góp phần từng bước cân bằng cán cân ngoại thương, tạo điều kiện cho chúng ta học tập kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp của các nước.

Nhưng trong quá trình phát ttiển, lực lượng kinh tế này cũng đã bộc lộ một số hạn chế, khiếm khuyết như: các dự án đầu tư có quy mô nhỏ lại chủ yếu đầu tư vào những ngành có thể đêm lại lợi nhuận ngay và thu hồi vốn nhanh, ít đầu tư vào những ngành có công nghệ cao - ngành mà chúng ta đang thiếu; vốn đầu tư chủ yếu tập trung ở phía nam đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; thủ tục đầu tư còn nhiều vướng mắc, trình độ của lao động kỹ thuật còn hạn chế... Chính vì vậy chúng ta phải có những phương hướng để nâng cao hiệu quả của thành phần kinh tế này.

Muốn tạo điều kiện để cho kinh tế tư bản nhà nước ở Việt Nam phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và nhà nước ta đã đề ra phương hướng trong văn kiện đại hội Đảng VIII như sau: “ Cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý để thu hút có hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các xí nghiệp hợp tác, liên doanh. “ Đối với các nhà đầu tư trong nước: “ áp dụng nhiều phương thức góp vốn liên doanh giữa nhà nước với các nhà kinh doanh tư nhân trong nước nhằm tạo thế, tạo lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, tăng sức hợp tác và cạnh tranh với bên ngoài. “ Chỉ có vậy tư bản nước ngoài mới yên tâm đầu tư vào nước ta cũng như các nhà đầu tư trong nước có thể yên tâm đầu tư, thay thế, sử dụng những trang

thiết bị hiện đại. Đó chính là phương hướng để phát huy được những ưu việt của thành phần kinh tế này. Cụ thể phương hướng phát triển thành phần kinh tế tư bản nhà nước như sau:

Thứ nhất, đối với đầu tư nước ngoài: Chúng ta cần chủ động tạo điều kiện như cải thiện môi trường đầu tư, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo nhiều ưu đãi... và bằng nhiều hình thức khác nữa để thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư của các nhà tư bản nước ngoài. Bên cạnh đó, nhà nước ta phải dùng các biện pháp, chính sách hợp lý để thu hút vốn đầu tư đó vào những ngành mũi nhọn, công nghệ cao có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và khu vực mà nước ta chưa thể tự sản xuất được như: điện tử - tin học.... Đối với các liên doanh, cần tăng cường sức mạnh về vốn của đối tác phía Việt Nam (để thông qua đó có thể thực hiện được sự kiểm kê, kiểm soát của nhà nước) . Muốn làm được như vậy, ta có thể thông qua sự hợp vốn giữa Nhà nước với các nhà tư sản dân tộc để trở thành một đối tác cần thiết với các nhà tư sản nước ngoài.

Thứ hai, sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong nước được tập trung phát triển vào một số hướng ưu tiên như sau:

Phát triển các doanh nghiệp chế biến từ nguyên liệu nông, lâm, hải sản và doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng với công nghệ thích hợp, thu hút nhiều lao động, thu hồi vốn nhanh, có mức doanh lợi hấp dẫn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Mở rộng sản xuất, hiện đại hoá công nghệ ở những doanh nghiệp Nhà nước hiện có dưới hình thức góp vốn cổ phần của tư nhân trong nước.

Tuy nhiên, trong sự hợp tác ấy nhà nước luôn phải giữ một tỷ lệ vốn nhất định để có thể hướng sự phát triển của doanh nghiệp theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cuối cùng,đất nước chúng ta vẫn đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cho nên mặc dù hình thức kinh tế tư bản nhà nước là một hình thức kinh tế mang tính chất tất yếu song chúng ta cũng phải nhận thức được rằng đây không phải là thành phần kinh tế chủ đạo. Vì vậy, một mặt chúng ta cần có những chính sách để khuyến khích thành phần kinh tế này phát triển, nhưng mặt khác chúng ta cũng phải có những biện pháp cụ thể và có hiệu quả nhằm làm cho thành phần kinh tế nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo: “ làm đòn bẩy đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội; mở đường hướng dẫn, hỗ trợ các thành phần khác cùng phát triển, tạo nền tảng cho chế độ xã hội mới “. Trong quá trình đa dạng hoá

các hình thức liên doanh, liên kết với các tổ chức và công ty tư bản nước ngoài, chúng ta cần nâng cao tỷ lệ đầu tư của phía Việt Nam để phát huy khả năng kiểm kê, kiểm soát, cũng như để đưa những đơn vị này phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, chúng ta cũng cần áp dụng những phương thức thích hợp nhằm tạo thế, tạo lực cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, tăng sức cạnh tranh và có đủ điều kiện khả năng để hợp tác với bên ngoài.

3.2. Điều kiện để vận dụng thành công chủ nghĩa tư bản nhà nước vào nước ta

Điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để có thể vận dụng thành công chủ nghĩa tư bản nhà nước vào nước ta là nâng cao vai trò lãnh đạo của nhà nước, mà vấn đề trọng tâm là củng cố và tăng cường sức mạnh điều tiết kinh tế của nhà nước.Trước hết, cần tăng cường tiềm lực kinh tế của nhà nước bằng nhiều biện pháp. Cần phát triển hơn nứa thành phần kinh tế nhà nước, làm cho kinh tế nhà nước thực sự hoạt động có hiệu quả, phát huy tốt vai trò chủ đạo, dần dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Thứ hai, chúng ta cần phải nâng cao năng lực điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Những công cụ quan trọng nhất cần được sử dụng có hiệu quả là các chính sách tài chính, tiền tệ. Với công cụ này, Nhà nước có thể điều tiết (khuyến khích hay hạn chế) sự phát triển của bất cứ doanh nghiệp nào. Hệ công cụ điều tiết cụ thể ở đây là chính sách thuế, lãi suất, tỉ giá hối đoái. Không những thế, bộ máy nhà nước cần được củng cố và đổi mới theo hướng đoạn tuyệt triệt để với các di sản của cơ chế bao cấp, thay bộ máy quan liêu bằng bộ máy quản lý hoạt động theo nguyên tắc công nghiệp và thị trường.

Như vậy, có thể nói, để sự phát triển “ đi xuyên qua chủ nghĩa tư bản nhà nước ” không làm thay đổi gì bản chất chế độ xã hội ở nước ta, không đi ra ngoài quỹ đạo của định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước ta cần được củng cố vững chắc, thật sự là của dân, do dân và vì dân. Nhà nước cần nắm vững các đỉnh cao của nền kinh tế, nắm chắc các công cụ kinh tế vĩ mô (đặc biệt là chính sách tài chính và tiền tệ) để điều tiết nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mặt khác, vai trò lãnh đạo của Đảng phải không ngừng được nâng cao. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, đại diện và lãnh đạo mọi tầng lớp nhân dân đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới đất nước trong thời kỳ quá độ là vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với thành phần kinh tế tư bản nhà

nước nhằm giúp cho thành phần kinh tế này có đủ điều kiện để phát triển, song không đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Chỉ có vậy, chúng ta mới có thể vừa phát triển kinh tế vừa cải thiện đời sống của nhân dân vừa kiên định đi theo chủ nghĩa xã hội. Muốn vậy, Đại hội Đảng lần thứ VIII đã khẳng định: “ Đảng phải nghiêm túc xem xét những sai lầm, khuyết điểm và yếu kém của mình, đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo... xác định trong giai đoạn hiện nay lãnh đạo kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt ”.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh và hoàn thiện hệ thống luật pháp, cũng như cải cách nền hành chính quốc gia. Vấn đề này hiện nay đang là vấn đề cấp bách, quyết định đến việc ổn định môi trường đầu tư, tạo nên sức thu hút vốn đầu tư. Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay đã rất quan tâm và đang từng bước tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp mặc dù cho đến thời điểm này vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển thành phần kinh tế này. Việc cải cách nền hành chính quốc gia cũng góp phần rất to lớn vào việc nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước pháp quyền nên cũng cần được quan tâm để việc cải cách thực sự đạt kết quả như mong muốn.

Cuối cùng là việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại. Mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với nước ngoài là một tất yếu khách quan, vừa phù hợp với xu thế của thời đại vừa phù hợp với nhu cầu rút ngắn quá trình phát triển của Việt Nam chúng ta. Thông qua việc gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới và khu vực như WTO, AFTA, ASEAN... cũng như việc mở rộng quan hệ với nước ngoài nhằm tranh thủ nắm bắt những ngành, những mũi nhọn gắn với công nghệ mới, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới, giúp chúng ta nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về trình độ kinh tế so với thế giới, tạo ra những điều kiện thuận lợi để cho thành phần kinh tế tư bản nhà nước có điều kiện phát triển, đặc biệt là hình thức có thu hút vốn đầu tư nước ngoài và sản xuất hàng xuất khẩu.

Kết luận

Qua tất cả các phần đã nghiên cứu ở trên, chúng ta đã phần nào nắm được tư tưởng của Lê nin về chủ nghĩa tư bản nhà nước trong hệ thống chính sách “ Kinh tế mới ” cũng như vai trò của chủ nghĩa tư bản nhà nước đối với thực tiễn hiện nay của nước ta.

Như vậy, chủ nghĩa tư bản nhà nước là sự can thiệp một cách tích cực của nhà nước xã hội chủ nghĩa vào quá trình kinh tế của các nhà tư bản. Nó khác hẳn chủ nghĩa tư bản nhà nước trong thời kỳ còn tồn tại nhà nước tư sản. Tính chất hoạt động của nó đã thay đổi: nó không chỉ chịu sự kiểm soát và chi phối của nhà nước xã hội chủ nghĩa mà còn hợp tác với nhà nước xã hội chủ nghĩa để cùng sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, Lê nin đã cho rằng việc sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước là “ bước đệm quan trọng để tiến tới chủ nghĩa xã hội ”. Và việc sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước “ sẽ đưa chúng ta tới chủ nghĩa xã hội bằng con đường chắc chắn nhất ”.

Hiện nay, nước ta đang từng bước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh mới. Trong đường lối đổi mới của mình, chúng ta đã đặt kinh tế tư bản nhà nước đứng ở vị trí thứ ba trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần. Như vậy, kinh tế tư bản nhà nước không chỉ được coi như một thành phần kinh tế cùng tồn tại bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, mà nó còn mang ý nghĩa như những “ nấc thang trung gian cần thiết ” để liên kết các thành phần kinh tế tư bản tư nhân trong nước, kể cả tầng lớp tiểu tư sản hướng sự phát triển đó theo tay lái Nhà nước XHCN. Với ý nghĩa như vậy, kinh tế tư bản nhà nước ở nước ta không thể chỉ coi như là một giải pháp mang tính chất tình thế mà là một nội dung tổng quát có ý nghĩa chiến lược xuyên suốt thời kỳ quá độ cũng như quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Như vậy, có thể nói vận dụng các hình thức kinh tế tư bản nhà nước chính là phương thức để chúng ta huy động sức mạnh dân tộc, của các thành phần kinh tế nhằm giải phóng sức sản xuất, kết hợp nội lực bên trong với các yếu tố bên ngoài để đưa nước ta thoát khỏi đói

nghèo, hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh như đại hội VIII của Đảng đã khẳng định.

Tài liệu tham khảo

1. V.I. Lê nin: “ Bàn về thuế lương thực ”, NXB Tiến bộ, Matxcơva, 1984, tập 43.

2. V.I. Lê nin: “ Chính sách kinh tế mới và những nhiệm vụ của các ban giáo dục chính trị ”. Toàn tập - NXB Tiến bộ, Matxcơva, 1984, tập 44.

3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Chính trị quốc gia. 1996.

4. Vũ Hữu Ngoạn: “ Mấy vấn đề về chủ nghĩa tư bản nhà nước ” - NXB Chính trị quốc gia, 1996.

5. Tạp chí Cộng sản, số 8 tháng 7 năm 1995.

6. Vũ Ngọc Long: “ Về cuộc cải cách kinh tế của Lê nin ”, NXB Thanh niên, 1996. 7. Tạp chí “ Những vấn đề kinh tế thế giới ” số 2 năm 2000.

8. Tạp chí “ Thương mại ” số 16 năm 1997. 9. Tạp chí “ Nghiên cứu lý luận ” số 9 năm 1997.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Lý luận của Lê nin về chủ nghĩa tư bản nhà nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội potx (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(35 trang)