THAY LỜI KẾT

Một phần của tài liệu Đa dạng văn hóa bài học từ những câu chuyện (Trang 55 - 57)

Mười bốn câu chuyện được lựa chọn trình bày và phân tích trong cuốn sách này phần nào phản ánh sự đa dạng của các thực hành văn hoá - xã hội và sinh kế của các tộc người thiểu số ở Việt Nam. Như được thể hiện phần nào trong các diễn giải từ quan điểm người trong cuộc, sự đa dạng trong các thực hành văn hoá của các nhóm, tộc người nảy sinh từ và phù hợp với các điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội và môi trường đặc thù của cộng đồng chủ nhân. Những thực hành văn hoá và sinh kế như canh tác nương rẫy, thổi chữa bệnh, kéo vợ, thách cưới, đổi công, gánh nước sau cưới, vv, tuy có thể là ‘lạ’, là ‘không bình thường’ đối với người ngoài, song chúng luôn có những giá trị và tính lô gíc hợp lý nào đó trong đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá tâm linh của các nhóm/tộc người chủ thể. Tương tự như vậy, nếu nhìn từ quan điểm của nhiều tộc người thiểu số, đặc biệt là các tộc người gắn với niềm tin ‘đào sâu, chôn chặt”, thì bốc mộ - sang cát có thể là một tập tục ‘không bình thường”, là “lạ”, là “mất vệ sinh”. Tuy nhiên, nhìn từ hệ giá trị của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, đây là một tập tục có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của họ.

Do giá trị, chức năng của văn hoá mang tính tương đối như vậy nên những khái niệm mang tính phê phán như “lạc hậu”, “lãng phí”, “không kinh tế” hay “mê tín dị đoan”, vv... đối với một truyền thống văn hóa hay một thực hành văn hóa cụ thể

nào đó là không hợp lý, bởi lẽ nó đang được so sánh với một nền văn hóa khác, hay được nhìn nhận từ một hệ giá trị khác một cách áp đặt, khiên cưỡng. Vì vậy, trước khi đánh về vai trò, giá trị, chức năng của một thực hành văn hoá ‘lạ’ nào đó, cần phải sử dụng quan điểm tương đối văn hóa. Chỉ có cách tiếp cận này mới có thể giúp chúng ta tránh được những diễn giải, đánh giá mang tính định kiến và sai lệch về chức năng, giá trị của các thực hành văn hoá - xã hội của tộc người mà chúng ta gặp trong cuộc sống thường ngày và trong công việc.

Là sản phẩm do con người sáng tạo ra, nên văn hoá nói chung và các thực hành văn hoá cụ thể được lựa chọn để trình bày trong cuốn sách này nói riêng, không tĩnh tại mà biến đổi không ngừng. Khi một thực hành văn hoá nào đó không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội và tự nhiên đã thay đổi, chính chủ nhân của thực hành văn hoá đó sẽ thay đổi nó để giúp họ thích ứng với bối cảnh mới. Quá trình biến đổi văn hoá được tạo ra bởi chính chủ nhân của nó chứ không phải do sự can thiệp, áp đặt chủ quan từ bên ngoài vào, mới làm cho các thực hành văn hoá có ý nghĩa và giữ được vai trò của nó như vốn có trong đời sống tộc người.

PHỤ LỤC

Một phần của tài liệu Đa dạng văn hóa bài học từ những câu chuyện (Trang 55 - 57)