II. Sự vận dụng lý luận của Lê nin về chủ nghĩa tư bản nhà nước vào nước ta hiện nay.
3.1. Phương hướng vận dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước vào nước ta.
Thành phần kinh tế tư bản nhà nước không chỉ là một thành phần cơ bản trong các thành phần kinh tế hiện nay ở nước ta mà còn có vai trò rất quan trọng, đóng góp rất lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Lực lượng kinh tế tư bản nhà nước đã đầu tư thăm dò và khai thác dầu khí, khai khoáng, giao thông vận tải và bưu điện viễn thông, điện tử, hoá chất, nông- lâm-ngư nghiệp, may mặc xuất khẩu, công nghiệp nặng, hàng tiêu dùng, dịch vụ, khách sạn, du lịch, xây dựng nhà ở, tài chính, tín dụng và một số ngành khác. Các xí nghiệp liên doanh và hợp doanh với nước ngoài đã thu hút khoản gần 14,2 nghìn lao động trực tiếp sản xuất và hàng vạn lao động vệ tinh khác. Chúng đã có những đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là góp phần từng bước cân bằng cán cân ngoại thương, tạo điều kiện cho chúng ta học tập kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp của các nước.
Nhưng trong quá trình phát ttiển, lực lượng kinh tế này cũng đã bộc lộ một số hạn chế, khiếm khuyết như: các dự án đầu tư có quy mô nhỏ lại chủ yếu đầu tư vào những ngành có thể đêm lại lợi nhuận ngay và thu hồi vốn nhanh, ít đầu tư vào những ngành có công nghệ cao - ngành mà chúng ta đang thiếu; vốn đầu tư chủ yếu tập trung ở phía nam đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; thủ tục đầu tư còn nhiều vướng mắc, trình độ của lao động kỹ thuật còn hạn chế... Chính vì vậy chúng ta phải có những phương hướng để nâng cao hiệu quả của thành phần kinh tế này.
Muốn tạo điều kiện để cho kinh tế tư bản nhà nước ở Việt Nam phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và nhà nước ta đã đề ra phương hướng trong văn kiện đại hội Đảng VIII như sau: “ Cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý để
thu hút có hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các xí nghiệp hợp tác, liên doanh. “ Đối với các nhà đầu tư trong nước: “ áp dụng nhiều phương thức góp vốn liên doanh giữa nhà nước với các nhà kinh doanh tư nhân trong nước nhằm tạo thế, tạo lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, tăng sức hợp tác và cạnh tranh với bên ngoài. “ Chỉ có vậy tư bản nước ngoài mới yên tâm đầu tư vào nước ta cũng như các nhà đầu tư trong nước có thể yên tâm đầu tư, thay thế, sử dụng những trang thiết bị hiện đại. Đó chính là phương hướng để phát huy được những ưu việt của thành phần kinh tế này. Cụ thể phương hướng phát triển thành phần kinh tế tư bản nhà nước như sau:
Thứ nhất, đối với đầu tư nước ngoài: Chúng ta cần chủ động tạo điều kiện như cải thiện môi trường đầu tư, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo nhiều ưu đãi... và bằng nhiều hình thức khác nữa để thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư của các nhà tư bản nước ngoài. Bên cạnh đó, nhà nước ta phải dùng các biện pháp, chính sách hợp lý để thu hút vốn đầu tư đó vào những ngành mũi nhọn, công nghệ cao có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và khu vực mà nước ta chưa thể tự sản xuất được như: điện tử - tin học.... Đối với các liên doanh, cần tăng cường sức mạnh về vốn của đối tác phía Việt Nam (để thông qua đó có thể thực hiện được sự kiểm kê, kiểm soát của nhà nước) . Muốn làm được như vậy, ta có thể thông qua sự hợp vốn giữa Nhà nước với các nhà tư sản dân tộc để trở thành một đối tác cần thiết với các nhà tư sản nước ngoài.
Thứ hai, sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong nước được tập trung phát triển vào một số hướng ưu tiên như sau:
Phát triển các doanh nghiệp chế biến từ nguyên liệu nông, lâm, hải sản và doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng với công nghệ thích hợp, thu hút nhiều lao động, thu hồi vốn nhanh, có mức doanh lợi hấp dẫn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Mở rộng sản xuất, hiện đại hoá công nghệ ở những doanh nghiệp Nhà nước hiện có dưới hình thức góp vốn cổ phần của tư nhân trong nước.
Tuy nhiên, trong sự hợp tác ấy nhà nước luôn phải giữ một tỷ lệ vốn nhất định để có thể hướng sự phát triển của doanh nghiệp theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cuối cùng,đất nước chúng ta vẫn đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cho nên mặc dù hình thức kinh tế tư bản nhà nước là một hình thức kinh tế mang tính chất tất yếu song chúng ta cũng phải nhận thức được rằng đây không phải là thành phần kinh tế chủ đạo. Vì vậy, một mặt chúng ta cần có những chính sách để khuyến khích thành phần kinh tế này phát triển, nhưng mặt khác chúng ta cũng phải có những biện pháp cụ thể và có hiệu quả nhằm làm cho thành phần kinh tế nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo: “ làm đòn bẩy đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội; mở đường hướng dẫn, hỗ trợ các thành phần khác cùng phát triển, tạo nền tảng cho chế độ xã hội mới “. Trong quá trình đa dạng hoá các hình thức liên doanh, liên kết với các tổ chức và công ty tư bản nước ngoài, chúng ta cần nâng cao tỷ lệ đầu tư của phía Việt Nam để phát huy khả năng kiểm kê, kiểm soát, cũng như để đưa những đơn vị này phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, chúng ta cũng cần áp dụng những phương thức thích hợp nhằm tạo thế, tạo lực cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, tăng sức cạnh tranh và có đủ điều kiện khả năng để hợp tác với bên ngoài.